Một thời để nhớ của nhà thơ Hà Phương

06/07/2024 - 07:38

PNO - "Tình yêu mạnh như nước" là tập thơ mới ra mắt của nhà thơ Hà Phương, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đây là tập thơ thứ ba của bà, kể từ "Thành phố này là nỗi nhớ của tôi" (năm 1991) và "Giao thừa" (năm 1995).

Tiêu đề tác phẩm lần này cũng là tên bài thơ viết cho bộ phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ (sản xuất năm 2010, được nhạc sĩ Quốc Trung phổ nhạc).

Gần 100 bài thơ viết từ năm 1971 như những ghi chép về từng đoạn đời mà tác giả đã đi qua. Trong số 30 gương mặt trẻ được tuyển chọn đào tạo thành nhà văn và phóng viên chiến trường để đưa vào miền Nam ngày ấy, ngoài Hà Phương còn có Vũ Thị Hồng, Bùi Thị Chiến và Trần Thị Thắng (sau này họ đều là những cây bút thành danh). “Tiểu đội mười hai người/ Toàn sinh viên văn, sử Đại học Tổng hợp Hà Nội/ Bốn “gô” cơm nguội/ Một gói nhỏ ruốc khô/ Nắm rau rừng, không biết tên gì, mới hái/ Phút dừng nghỉ chân đèo, ven suối/ Bếp xếp bằng ba cục đá thô/ Củi ướt khói cay xè mắt…” - trích bài thơ Bữa cơm Trường Sơn, viết trên đường Trường Sơn vào tháng 8/1971.

Tác phẩm Tình yêu mạnh như nước
Tác phẩm Tình yêu mạnh như nước

Cô sinh viên khoa văn năm ấy đã ghi chép lại cảm xúc trên đường, biết bao khó khăn gian khổ và những nỗi niềm rưng rưng… Hơn nửa thế kỷ sau, tất cả dòng thơ viết cho “tuổi trẻ vượt Trường Sơn” trở thành ký ức quý giá của người cầm bút.

Trong thời gian công tác tại Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định, nhà thơ Hà Phương tiếp tục viết trong những ngày chiến dịch: Vùng ven, Dòng sông và thành phố, Nơi xa này em gửi về anh, Sau trận đánh em hát dân ca, Mùa mưa đất bạn

“Giữa chiến trường đọc từng chữ mẹ/ Vượt bao rừng bao núi tới con/ Chuyển qua bao tay đồng chí/ Bom sém góc thư, có người hy sinh/ Vẫn vẹn nguyên nét mực vụng về/ Ân tình tiếng mẹ…” - bài Đọc thư mẹ ở chiến trường (viết năm 1972) là một trong những ghi chép xúc động của nhà thơ Hà Phương trong thời gian làm nhiệm vụ ở Củ Chi. Nhà thơ Hoài Vũ - người đồng đội năm xưa trên chiến trường “đất thép thành đồng” với Hà Phương - nhận định: “Đường đời và đường thơ của Hà Phương thể hiện rõ nét hình bóng của những người thân, bạn bè, đồng đội, đồng bào trên quê hương đất nước; với biết bao cam go, thử thách, biết bao ước mơ và khát vọng trong thời chiến cũng như thời bình”.

Sau ngày thống nhất, nhà thơ Hà Phương làm việc tại các cơ quan báo chí: Văn Nghệ Giải Phóng, Văn Nghệ (văn phòng đại diện tại TPHCM), Phụ nữ TPHCM… Trong thời gian đó, bà vẫn viết thơ về tình yêu, tình cảm gia đình, lưu dấu những buồn vui trong cuộc sống đời thường/qua những chuyến đi… “Tôi là tôi/ Chỉ thế thôi/ Tôi bình thường giữa người người thật tôi/ Một thời hạt cát nhỏ nhoi/ Tưởng mình chứa nổi muôn đời đại dương…” - đôi lời tự sự của bà trong bài Góc riêng (viết năm 2018).

Tiến sĩ Phạm Quang Nghị - nguyên Tiểu đội phó Chi 5 chiến trường B, người bạn cùng thời với nhà thơ Hà Phương - gọi tập thơ Tình yêu mạnh như nước là “nhật ký chiến trường bằng thơ”. “Tôi không chỉ thấy lại cô bạn gái đồng hương “cá biệt” hồi sinh viên, rồi “ương ngạnh” trong tiểu đội nơi chiến trường mà còn thấy lại cả một thời của mình và các bạn cùng lứa, tràn ngập lý tưởng, nhân cách và sự trong sáng” - trích lời tựa của tiến sĩ Phạm Quang Nghị. Tập thơ gần 250 trang của Hà Phương cũng là những trang chữ gói ghém lại một chặng đường rất dài, đã qua.

Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI