Một thiếu niên Mỹ lên tiếng cảnh báo thông tin sai lệch về vắc-xin

06/03/2019 - 14:00

PNO - Ethan Lindenberger, một thiếu niên Hoa Kỳ được báo chí nước này đưa lên trang nhất vì đã bất chấp ý nguyện của gia đình đi tiêm vắc-xin, sau đó cậu ra điều trần về vấn đề này trước các nghị sĩ Mỹ.

Lindenberger, hiện sống ở tiểu bang Ohio, Mỹ, đã tìm cách tiêm chủng năm cậu 18 tuổi sau khi tham vấn về vấn đề này trên internet.

Dữ liệu liên bang cho thấy tỷ lệ trẻ em Mỹ dưới hai tuổi không được tiêm chủng đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2001.

Mot thieu nien My len tieng canh bao thong tin sai lech ve vac-xin
Câu chuyện của Lindenberger được chia sẻ rộng rãi trực tuyến hồi cuối năm 2018 - Ảnh: AFP

Tại phiên điều trần của Lindenberger, các bác sĩ đã đổ lỗi cho thông tin sai lệch trên mạng và “khoa học giả hiệu” đã khiến các bậc phụ huynh sợ hãi và né tránh việc cho con em chủng ngừa vắc-xin.

Lindenberger, hiện là học sinh trung học lớp cuối cấp, hôm 5/3 đã cùng 4 bác sĩ - là những chuyên gia về vắc-xin - phát biểu trước Ủy ban Y tế, giáo dục, lao động và hưu trí Hạ viện Mỹ.

Cậu nói, mẹ cậu phản đối vắc-xin chủ yếu là do bà ấy sợ nó có thể gây tác dụng phụ như tổn thương não hoặc tự kỷ.

Năm 1998, một nghiên cứu của bác sĩ người Anh Andrew Wakefield đã liên kết không chính xác vắc-xin MMR (Sởi, quai bị và rubella) với bệnh tự kỷ. Nghiên cứu của ông ta hoàn toàn không đáng tin cậy và bản thân bác sĩ Wakefield đã bị thu giấy phép hành nghề, nhưng lý thuyết ông ta khởi xướng đã tồn tại trong cộng đồng chống vắc-xin toàn cầu.

Tất cả 4 bác sĩ tại phiên điều trần hôm 5/3 đều khẳng định "không có bất cứ bằng chứng nào" về mối liên hệ của vắc-xin với chứng tự kỷ của trẻ. Điều này cũng được khẳng định trong một nghiên cứu công bố cùng ngày của Đan Mạch. Nghiên cứu đã khảo sát 650.000 trẻ em trên 10 tuổi và kết luận dứt khoát rằng vắc-xin MMR không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ hoặc kích hoạt nó ở những đứa trẻ có thể mắc bệnh này.

Lindenbenger, các bác sĩ và những dân biểu Hạ viện tham dự phiên điều trần đều chỉ ra chính internet đã góp phần lan truyền thông tin sai lệch về việc chủng ngừa vắc-xin.

Cậu học sinh trung học nói trong phiên điều trần: "Mẹ tôi chọn đứng về phía các nhóm trực tuyến và mạng xã hội chống vắc-xin hơn là các quan chức y tế và các nguồn thông tin quan trọng". Cậu nói rõ quyết định của mẹ mình xuất phát từ lo lắng cho con chứ không phải ác ý.

Lindenbenger phân tích bản chất của các bài đăng trực tuyến, cậu nói trên mạng "có nhiều lời kêu gọi đầy cảm xúc về tình yêu của cha mẹ, gia đình và con cái và tìm cách thuyết phục họ rằng vắc-xin là nguy hiểm".

Cậu bé “phản kháng tuyên bố" cậu đã cố gắng truyền đạt cho bố mẹ sự thật về vắc-xin, cậu không tin cha mẹ “mê muội” đến mức tin vào những hô hào trên internet, nhưng rõ ràng họ lo lắng trước “thông tin” vắc-xin rất nguy hiểm.

Mot thieu nien My len tieng canh bao thong tin sai lech ve vac-xin
Một số người ủng hộ chống tiêm chủng cũng tham dự phiên điều trần - Ảnh: AFP

Câu chuyện Lindenberger từng gây sốt vào cuối năm 2018 khi cậu tham vấn diễn đàn trực tuyến Reddit về chủ đề này.

Trong phiên điều trần hôm thứ Ba, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Johnny Isakson nói đùa rằng ông sẽ "rất hân hạnh" đến thăm gia đình Linderberger và cùng gia đình dùng bữa tối Lễ Tạ ơn. Ông nói sự bất đồng công khai của gia đình "sẽ là một cuộc thảo luận nảy lửa”.

Các chuyên gia y tế từ lâu đã cảnh báo về nguy cơ gây ra bởi các bậc phụ huynh không cho con em tiêm phòng. Họ nói rằng quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến riêng gia đình phản đối vắc-xin, mà còn làm hại đến những người khác trong cộng đồng. Khái niệm này, được gọi là tiêm chủng đại trà, nó cung cấp sự bảo vệ cho trẻ sơ sinh và những người mắc các bệnh tự miễn dịch không được tiêm vắc-xin.

Những năm gần đây, nước Mỹ đã phải vất vả đối phó với việc bùng phát các căn bệnh vốn có thể phòng ngừa được.

Thượng nghị sĩ tiểu bang Washington, bà Patty Murray, phát biểu tại phiên điều trần về vụ bùng phát dịch sởi gần đây tại hạt Clark trong tiểu bang với 70 trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận. Chưa đến 80% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ được tiêm chủng ở địa phương của bà trong năm 2017, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu tiêm chủng 95%.

Mot thieu nien My len tieng canh bao thong tin sai lech ve vac-xin
Dịch sở cũng bùng phát ở châu Âu

Tại phiên điều trần hôm 5/3, các bác sĩ đã kêu gọi chính phủ liên bang tăng ngân sách cho giáo dục chủng ngừa vắc-xin. Họ cũng yêu cầu các nhà lập pháp của các tiểu bang gia tăng giới hạn miễn trừ tiêm chủng cho các phụ huynh.

California là một tiểu bang đối phó quyết liệt với các trường hợp miễn trừ chủng ngừa sau khi dịch sởi bùng phát liên quan đến Disneyland năm 2015. Các vụ bùng phát tương tự không chỉ xảy ra ở Mỹ mà còn xuất hiện nhiều nơi khác trên thế giới.

Năm 2018, châu Âu chứng kiến ​​số ca mắc sởi nhiều gấp ba lần so với năm trước.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đổ lỗi cho tình trạng này là vì sự do dự về vắc-xin ngày càng tăng đối với các vụ dịch. Tiến sĩ Martin Friede của WHO tuyên bố: "Các nước công nghiệp không được tự mãn và quên rằng căn bệnh có thể quay trở lại như một cơn bão".

Tô Châu (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI