Một thị trấn ở “nóc nhà thế giới” đang có nguy cơ bị xóa sổ

11/01/2023 - 20:52

PNO - Báo Anh Independent đưa tin, hàng trăm người dân ở thị trấn Joshimath đã được di tản đến các trại sơ tán, sau khi có những vết nứt lớn xuất hiện trên tường nhà của họ. Đây là thị trấn có khoảng 2.000 người nằm ở độ cao 1.874m trên dãy Himalaya của Ấn Độ.

 

Một cụ bà ngồi cạnh tường nhà đầy vết nứt của cụ ở thị trấn Joshimath - Ảnh: Getty Images
Một cụ bà ngồi cạnh tường nhà đầy vết nứt ở thị trấn Joshimath - Ảnh: Getty Images

Các nhà chức trách gọi Joshimath là một “thị trấn đang chìm dần”.

Ông Sushil Kumar - ủy viên huyện Garhwal, bang Uttarakhand chia sẻ: “Quá trình sụt lún đã diễn ra chậm ở Joshimath trong một thời gian, nhưng hiện tượng này đột ngột tăng tốc trong tuần vừa qua.”

Biến đổi khí hậu và phát triển hạ tầng tràn lan được cho là nguyên nhân đứng sau vụ sụt lún. 

Ông Atul Satti, nhà hoạt động môi trường ở địa phương, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo nhà chức trách nhưng tiếng nói của chúng tôi hoàn toàn bị phớt lờ, và cơn ác mộng tồi tệ nhất đã đến.”

Ông Satti nói thêm: “Toàn bộ trách nhiệm khiến Joshimath sụt lún đều là của Dự án Thủy điện Tapovan Vishnugad của Tổng công ty Nhiệt điện Quốc gia Ấn Độ (NTPC). Việc nổ mìn liên tục trong các đường hầm đã làm rung chuyển nền đất của thị trấn chúng tôi.”

Tuy nhiên, phía NTPC đã phủ nhận mọi trách nhiệm liên quan, đồng thời cho biết NTPC đã đình chỉ công việc đào hầm làm thủy điện trong khu vực từ hơn 2 năm trước, sau khi một máy khoan bị kẹt.”

Báo Independent dẫn lại một báo cáo của The Indian Express cho biết, kể từ tháng 12/2009, đã có một chuỗi các sự kiện “xâm nhập tầng chứa nước”, sự cố xảy ra khi máy khoan đường hầm (TBM) đâm vào đá chứa nước ngầm, dọc theo đường hầm của dự án thủy điện Tapovan Vishnugad.

Một số chuyên gia cho rằng sự thờ ơ của chính quyền địa phương, cùng với tình hình khủng hoảng khí hậu càng làm trầm trọng thêm các vấn đề địa chất mà khu vực này phải đối mặt trong những năm gần đây.

Tiến sĩ Anjal Prakash, người từng là tác giả chính của các báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) giải thích: “Có hai khía cạnh đối với vấn đề Joshimath. Thứ nhất là sự phát triển cơ sở hạ tầng tràn lan đang diễn ra trong một hệ sinh thái rất mong manh như dãy Himalaya, vấn nạn vẫn đang xảy ra mà không có quy trình lập kế hoạch”.

Thứ hai, biến đổi khí hậu là yếu tố khiến tình hình càng nghiêm trọng hơn nhiều lần. Theo đó, nhiệt độ ấm lên, các sông băng tan chảy và mô hình gió mùa thay đổi dẫn đến gia tăng số lượng thiên tai trong khu vực, với các vụ lở đất và lũ lụt thường xuyên cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Cơ quan Quản lý kế hoạch ứng phó thảm họa biến đổi khí hậu của bang Himachal Pradesh xác định rằng nhiệt độ bề mặt trung bình của bang đã tăng khoảng 1,6 độ C trong thế kỷ qua.

Ông Mahesh Palawat, nhà khí tượng học tại Skymet Weather, cho biết nạn phá rừng cũng là một nguyên nhân chủ yếu gây ra chuỗi thảm họa. 

Theo giới chức Ấn Độ, hơn 1550 người đã thiệt mạng trong 5 năm vừa qua trong khu vực do các thảm họa liên quan đến lũ lụt. Chỉ riêng năm 2021, 476 người đã thiệt mạng tại một khu vực rộng lớn của bang Himachal Pradesh vào thời điểm gió mùa.

Giáo sư Y. P. Sundriyal, Trưởng khoa địa chất tại Đại học Hemvati Nandan Bahuguna Garhwal nói: “Dãy Himalaya là một hệ sinh thái rất mong manh. Hầu hết các phần của Uttarakhand đều nằm trong vùng địa chấn dễ xảy ra động đất. Biến đổi khí hậu đang làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn, với nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn”.

Tình hình ở Joshimath cũng là dấu hiệu cảnh báo cho các khu vực khác ở địa phương. Các thị trấn lân cận như Karnaprayag và Gopeshwar ở quận Chamoli, nơi Joshimath tọa lạc, cũng công bố báo cáo tình trạng sụt lún đất liên tục.

Trường An (theo Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI