Có thể nói Thế vận hội mùa hè Tokyo năm nay khá bất thường, từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến phải bị trì hoãn một năm trời và có nguy cơ không thể diễn ra với biết bao tranh cãi vào lúc cận kề giờ khai mạc.
Thế nhưng, sức khỏe thể chất và tinh thần đã trở thành trung tâm của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, từ đó lan tỏa những hành động tử tế trong mọi nội dung thi đấu.
Đoạt vàng sau cú té ngã
Dường như không có trở lực nào có thể ngăn “ma tốc độ” Sifan Hassan (Hà Lan) lao về đích. Hassan được người hâm mộ thể thao xem như đã giành “hai chiến thắng” nức lòng trên đường đua Olympic hôm 2/8. Huy chương vàng cự ly 5.000m của cô gái 28 tuổi đến chỉ sau 11 tiếng đồng hồ cô bị ngã ở vòng cuối cự ly 1.500m trước đó.
|
Sifan Hassan (Hà Lan) ăn mừng khi vượt qua vạch đích để giành chiến thắng trong trận chung kết 5.000m nữ tại Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 hôm 2/8. Ảnh: AP |
Theo sở thích, Hassan khởi đầu lượt chạy tranh vé vào bán kết 1.500m nữ ở phía sau tất cả các vận động viên. Khi chuẩn bị thực hiện động tác nước rút quen thuộc ở vòng đua cuối, bất ngờ Edinah Jebitok của Kenya vấp té ngay phía trước Hassan. Cô đã nỗ lực tránh được đối thủ, nhưng cũng bị ngã lăn nửa vòng.
Lúc đó, hầu như ai cũng nghĩ rằng mọi thứ đã chấm dứt với nữ vận động viên điền kinh gốc Ethiopia. Chính Hassan cũng thừa nhận, trong tích tắc ý nghĩ đó đã lướt qua trong tâm trí cô. “Nhưng tôi đã tự nhủ: không! Tôi không muốn hối hận về sau này. Tôi không muốn sống với những lời bào chữa”, cô nói với báo chí.
Và chỉ trong 2 giây, cô đứng dậy. Điều tiếp theo là những hình ảnh đáng chú ý nhất trong 60 giây của cuộc đua khi Hassan lừ lừ tiến lên từ phía sau 15 vận động viên. Cô về đích trong top 6 với thành tích 4 phút 5,17 giây để giành quyền vào bán kết.
Bước vào lượt chạy chung kết cự ly 5.000m sau đó 11 tiếng, Hassan cho hay cô đau ê ẩm khắp người, nhưng khát khao chiến thắng của nữ vận động viên đã khiến các phương tiện truyền thông tập trung mọi “cặp mắt” chứng kiến liệu câu chuyện thần kỳ về sự phục hồi của cô có xảy ra.
Thế giới điền kinh đã không bị phụ lòng. Vẫn xuất phát và “lơ lửng” ở phía sau trong 11 vòng đầu tiên trên mặt đường đua đẫm nước mưa, Hassan đã thổi tung mọi thứ khi đích đến còn khoảng 250m.
Cô rút tốc độ để giành huy chương vàng trong 14 phút 36,79 giây trong sự kinh ngạc của khán giả và các đối thủ. Hellen Obiri của Kenya về nhì với 14 phút 38,36 giây giành huy chương bạc và Gudaf Tsegay của Ethiopia giành huy chương đồng với thời gian 14 phút 38,87 giây.
“Họ đã chạy quá chậm. Tôi cảm thấy mình càng khỏe hơn sau mỗi vòng sân. Giống như có ai đó đang tiếp thêm năng lượng, tôi thực sự không thấy mệt mỏi”, cô phát biểu.
Trong khi hầu hết các đối thủ đều gục xuống thở hổn hển khi cuộc đua kết thúc, Hassan vẫn tiếp tục bước đi, chỉ tay vào ngực trước sự tán thưởng của khán giả. Cô gái đặt mục tiêu giành ba danh hiệu ở các hạng mục 1.500m, 5.000m và 10.000m chạy bộ nữ. Và đây là huy chương vàng đầu tiên của cô tại Olympic Tokyo. Hai nội dung thi còn lại là 1.500m và 10.000 sẽ diễn vào ngày 6 và 7/8 tới.
Thành tích này đưa Hassan trở thành cô gái Hà Lan đầu tiên giành huy chương trong hạng mục điền kinh đường trường tại Olympic. Cô cũng là vận động viên không phải người Kenya hoặc Ethiopia đầu tiên giành chiến thắng ở nội dung thi đấu này kể từ chiến thắng của Gabriela Szabo (Rumani) tại Thế vận hội Sydney 2000.
Những hành động vượt ra ngoài thể thao
|
Gianmarco Tamberi (Ý) ôm lấy người cùng giành huy chương vàng Mutaz Barshim (Qatar) với mình sau trận chung kết nhảy cao nam tại Thế vận hội mùa hè 2020 ở Tokyo. Ảnh: AP |
Những ngày qua, người ta đã xúc động chứng kiến lễ trao hai huy chương vàng đồng hạng cho hai vận động viên nhảy cao Gianmarco Tamberi của Ý và Mutaz Barshim của Qatar. Cả hai rơi vào tình huống chưa bao giờ trải qua sau khi thực hiện hoàn hảo các cú nhảy.
Cho đến khi mức xà được nâng lên ở độ cao kỷ lục Olympic là 2,39m và cả hai đều thất bại sau ba lần nỗ lực. Họ có thể tiếp tục có một cú nhảy cuối để vươn đến danh hiệu duy nhất cho mình, nhưng thay vào đó đã quyết định chia sẻ huy chương vàng bằng một “trận hòa”. Gianmarco Tamberi và Mutaz Barshim ăn mừng bằng cách nắm tay nhau, giơ nắm đấm lên trời rồi trao huy chương vàng vào cổ nhau và cùng bước lên bục cao nhất.
“Tôi biết rằng tôi có thể thực hiện được cú nhảy cho danh hiệu. Anh ấy cũng có thể làm điều tương tự. Chúng tôi biết mình đều xứng đáng với huy chương vàng. Điều này đã vượt ra ngoài thể thao, đó là thông điệp mà chúng tôi gửi đến thế hệ trẻ”, Barshim nói.
|
Italo Ferreira của Brazil (giữa) đoạt huy chương vàng môn lướt ván nam cùng Kanoa Igarashi của Nhật Bản (phải) huy chương bạc và Owen Wright của Úc huy chương đồng đang tạo dáng trên bãi biển Tsurigasaki ở Ichinomiya ngày 27/7. Ảnh: AP |
Kanoa Igarashi của Nhật Bản đã rất thất vọng khi để thua Italo Ferreira của Brazil trong trận chung kết môn lướt ván tại Olympic lần này. Không chỉ mất cơ hội đoạt huy chương vàng trên bãi biển quê hương nơi mà mình lớn lên, Kanoa Igarashi còn bị chế nhạo trên mạng xã hội bởi những kẻ phân biệt chủng tộc người Brazil.
Thế nhưng trong buổi họp báo sau đó, thay vì có thể làm ngơ im lặng, nhưng vận động viên lướt ván người Mỹ gốc Nhật đã dùng vốn liếng tiếng Bồ Đào Nha của mình để giúp phiên dịch cho Ferreira hiểu một câu hỏi bằng tiếng Anh. Đám đông đã bật cười thú vị khi hai đối thủ trao đổi với nhau bằng tiếng Bồ.
Một quan chức trong đoàn Brazil đã lên tiếng cảm ơn người giành huy chương bạc vì sự hỗ trợ nhiệt tình của anh. Và Ferreira, người đang học tiếng Anh, cũng nói: “Vâng, cảm ơn bạn, Kanoa”.
Trước đó, trên đường đua bán kết 800m, nam vận động viên Isaiah Jewett của Mỹ và Nijel Amos của Botswana vướng chân nhau khiến cả hai đã té ngã. Lẽ ra phải tức giận, nhưng họ đã giúp nhau đứng dậy, khoác tay nhau và cùng nhau hoàn thành những mét cuối cùng của vòng chạy.
|
Isaiah Jewett (Mỹ) và Nijel Amos (Botswana) bắt tay nhau sau khi ngã ở trận bán kết 800m nam ngày 1/8. Ảnh: AP |
Các vận động viên hàng đầu quen biết nhau qua các giải đấu. Họ có thể tập trung mãnh liệt cho những mục tiêu lớn trong sự nghiệp để giành thành tích tốt nhất. Bằng không, thất bại sẽ là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời họ.
Những cảm giác trên dường như còn được khuếch đại hơn tại Thế vận hội Tokyo lần này, vốn bị trì hoãn bởi đại dịch. Tại đây, những khao khát đấy là điều dễ hiểu luôn thường trực trên những gương mặt “cộm cán” của thể thao thế giới. Và như thế chúng ta sẽ hiểu những hành động tử tế mang ý nghĩa lớn như thế nào.
Ngày 31/7 tại Công viên Shiokaze, người hâm mộ thú vị với hình ảnh vận động viên Rebecca Cavalcanti (Brazil) đã tinh nghịch đổ một chai nước vào lưng Kelly Claes (Mỹ) khi cô trả lời phỏng vấn sau trận chung kết lượt đi bóng chuyền bãi biển nữ. Trận đấu mà đội tuyển Mỹ đã đánh bại Brazil sau 3 set cam go. Những người chiến thắng và thất bại đã “cười trừ” và xem nhau là bạn tốt.
|
Claire Michel (Bỉ) nhận được hỗ trợ và an ủi của Lotte Miller (Na Uy) sau khi kết thúc cuộc thi ba môn phối hợp cá nhân nữ - hình ảnh lan tỏa tinh thần Olympic tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AP |
Sau cuộc thi ba môn phối hợp dành cho nữ tuần trước, Lotte Miller của Na Uy, người xếp thứ 24, đã dành thời gian ngồi xuống trên sân để an ủi Claire Michel của Bỉ. Michel đã về cuối cùng, kém người chiến thắng Flora Duffy của Bermuda những 15 phút và cô không thể chịu đựng được đành ngồi sụp xuống đất, khóc nức nở.
Có 54 vận động viên nhập cuộc, nhưng đến 20 vận động viên bị trượt hoặc bỏ cuộc. Miller nói với Michel: “Ít nhất bạn đã hoàn thành. Bạn là một chiến binh lão luyện. Đây là tinh thần Olympic và bạn đã nắm giữ 100% hồn cốt đó của thế vận hội”.
Nam Anh (theo AP)