Một thế kỷ mùa xuân thay áo mới

22/01/2023 - 07:38

PNO - Lần giở từng trang bộ sưu tập Bìa báo xuân Nam Kỳ và bộ Bìa báo tết Trung Kỳ, Bắc Kỳ, lòng tôi tràn ngập xúc động. Những bìa báo xuân xưa với những trang viết cũ, như thể nhìn thấy được trăm năm…

1. Bộ sưu tập bìa báo xuân ba miền Bắc - Trung - Nam (giai đoạn 1866-1975) được phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bảo tàng Áo dài TPHCM từ quý IV/2022. Công trình cho người đọc nhận diện chính xác hơn về tờ báo xuân đầu tiên của Nam Kỳ. Đó là Gia Định Báo số 2, phát hành vào dịp tết 1866. Trên số báo này, nhà báo Trương Vĩnh Ký có lời mừng xuân ngày tết như “một mối tự tình dân tộc”. 

Còn ở Bắc Kỳ, từ năm 1905 đã có tờ Đại Việt Tân Báo, năm 1907 có Đăng Cổ Tùng Báo và Đông Dương tạp chí ra đời từ năm 1913, nhưng phải đến năm Mậu Ngọ 1918 mới có số báo xuân đầu tiên của Nam Phong tạp chí. Tờ báo ghi rõ “số tết” với tranh bìa màu nền đỏ rực, trên đó là hình vẽ cái bóng mờ của vị Hành Khiển Phán Quan Đinh Tỵ tay cầm cành đào đứng xoay lưng với vị Hành Khiển Phán Quan Mậu Ngọ đang bước về phía trước.

Trang trong đăng bài ngỏ của chủ bút Phạm Quỳnh: “Cả năm có ngày tết là vui. Vui ấy là vui chung của mọi người, vui suốt trong xã hội, vui khắp một quốc dân; trong thế giới dễ không đâu có một cuộc vui hoàn toàn như vậy…”. Số báo này in nhiều câu đối, truyện dịch, tạp văn về năm mới của Hà Huy Sằn, Nguyễn Bá Trác, Tản Đà… Số báo xuân đầu tiên của Nam Phong tạp chí góp phần hình thành nếp “văn hóa báo xuân” trên báo chí Quốc ngữ về sau.  

Miền Trung - xứ bảo hộ xuất hiện báo Quốc ngữ muộn nhất, đến năm 1928 mới có số báo xuân đầu tiên của tờ Tiếng Dân (Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút). Đến những năm thập niên 1930, báo xuân đã trở thành nét văn hóa chung của báo chí ba miền. Giai đoạn này, Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Pháp Thời Báo, Khai Hóa Nhật Báo, Công Luận Báo, Hà Thành Ngọ Báo, Phong Hóa, Ngày Nay… đều ra báo xuân. Bìa báo chủ yếu là tranh thiếu nữ, hình vẽ con giáp, các loài hoa và chim muông... Sự xuất hiện của những tờ báo xuân nhiều màu sắc, đa dạng thể loại tranh vẽ phần nào cho thấy sự phát triển của kỹ thuật in ấn lúc bấy giờ. Nội dung, hình thức cũng vô cùng phong phú, từ những mùa xuân ấy mà thấy được cả chiều dài đầy thăng trầm của đất nước và những giá trị văn hóa qua từng thời đại…

Từ năm 1907 - khi Đăng Cổ Tùng Báo “chỉ có 25 bà đọc báo” - đến thập niên 1930 nữ giới trở thành lực lượng đông đảo tham gia viết bài trên báo là cả một quá trình truyền bá chữ Quốc ngữ, vận động nâng cao vấn đề nữ học, đấu tranh cho nữ quyền kéo dài hàng thập niên. Cho đến khi nhận thức được về quyền bình đẳng và vai trò của mình, nữ giới đã không còn ở vị trí “khuê môn” mà bước ra xã hội. Họ cũng không đứng ngoài cuộc đấu tranh vì độc lập tự do.  

Báo Thần Chung xuân 1929 có mục “Lời bạn gái’’, in bài viết Cảm tưởng đối với ngày tết của tác giả Tửu Minh, bày tỏ cảm xúc trước thềm xuân đồng thời cũng là tấc lòng nhi nữ trước nỗi đau mất nước. Trên số xuân Ất Hợi năm 1935 của báo Tân Văn, có lời thơ: “Chị em Bắc Nam hiệp một đường/ Mở mắt xem qua người thế giới/ Giơ vai gánh lấy nợ 
quê hương…”. 

Giai đoạn phụ nữ được cất cao tiếng nói và đấu tranh cho quyền bình đẳng, nhiều tờ báo dành cho nữ giới được ra đời, thập niên 1930, ngoài Phụ Nữ Tân Văn còn có: Phụ Nữ Thời Đàm, Phụ Nữ Tân Tiến, Tân Nữ Lưu, Việt Nữ…

2. Số báo Vì Nước cuối năm 1945 đăng tin tức chiến đấu ở miền Nam và khẩu hiệu cho ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946: “Toàn thể dân chúng Việt Nam được quyền tự do định đoạt số phận mình. Chúng ta phải sửa soạn gấp rút để chọn lấy những đại biểu sáng suốt biết trọng quyền lợi của chúng ta”. Năm 1946, báo xuân Sự Thật đăng lời chúc tết cùng với nhiệm vụ năm mới: “Xây dựng hòa bình, giữ vững độc lập tự do, kháng chiến kiến quốc, đánh đuổi thực dân Pháp, tăng gia sản xuất, triệu tập Quốc hội”. 

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, ngày tết của dân tộc vẫn diễn ra trong những nỗ lực để có mùa xuân trọn vẹn, đoàn viên sum vầy nhưng cũng kêu gọi tinh thần tương thân ái quốc của nhân dân cả nước. 

Mùa xuân 1939, khán giả Hà Nội được náo nức đi xem nghệ sĩ Năm Châu, nghệ sĩ Phùng Há diễn vở Đời cô Lựu ở Nhà hát Tây (Nhà hát Lớn Hà Nội hiện nay, theo báo Vịt Đực). Tháng Giêng năm 1944, tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Hội Nam Kỳ Trí đức thể dục (Samiphie) tổ chức buổi diễn thuyết có bán vé gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ném bom. Bức ảnh nhà thơ Tú Xương và 2 bài diễn văn cùng được đấu giá gây quỹ. Tổng số tiền thu được từ buổi diễn thuyết ủng hộ đồng bào là hơn 2.000 đồng.

Báo xuân Cứu Quốc 1952 đăng thư Bác Hồ khen ngợi bộ đội, dân công trong dịp tết. Trong số này có thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch: “Xuân này xuân năm Thìn/ Kháng chiến vừa sáu năm/ Trường kỳ và gian khổ/ Chiến thắng 100 phần 100/ Chiến sĩ thi giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta”. 

Thời gian ở lại trên những trang báo xưa, với từng dấu son của lịch sử, những mùa xuân đầu thế kỷ, mùa xuân chuẩn bị cho “toàn quốc kháng chiến”, mùa xuân của năm đất nước bị chia cắt hai miền, mùa xuân sau Phong trào Đồng khởi… và mùa xuân của hòa bình.

3. Chiều cuối năm, tôi lần giở trang báo xưa mà bồi hồi xốn xang, như được nhìn thấy một thế kỷ trôi qua những mùa xuân thắm. Trên Thanh Nghị xuân 1942, có thơ của Vũ Đình Liên, Xuân Diệu, Huy Cận, Đoàn Phú Tứ… Trên Sách Xuân 1958 là tác phẩm của Nguyên Hồng, Hồ Dzếnh, Bàng Sĩ Nguyên, Thy Thy Tống Ngọc… Đến Văn nghệ Quân đội Xuân 1990 là một thế hệ cầm bút khác: Tạ Duy Anh, Hữu Thỉnh, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Hồng Ngát… như thể từng ngón tay tôi vương thơm mùi chữ trăm năm. 

Trăm năm để lại cho hậu thế một kho tàng: chữ của người xưa, tư tưởng của người xưa. Thế hệ mở đường cất tiếng nói duy tân; thế hệ cầm bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng; thế hệ gầy dựng và phát triển nền văn chương Quốc ngữ; những thời đại văn hóa, những vật đổi sao dời. Bao nhiêu vạn biến trùng trùng qua những mùa xuân của lịch sử. Và cả những “mùa xuân COVID-19” vừa mới trôi qua… 

Bánh xe thời gian vẫn tuần tự quay những nhịp quay đều đặn, từng mùa xuân vẫn trôi qua, dẫu có thế nào, hương tết vẫn nồng nàn thắm tươi với hoa mai hoa đào, bánh chưng bánh tét và mâm cỗ tết; với những sum vầy, đoàn tụ; những thịnh vượng, kiến tạo, phồn vinh... Tết xưa hay tết nay, vẫn mãi đầy tràn phong vị, vẫn vẹn nguyên hồn dân tộc.

Từng mùa xuân ở lại và lùi xa qua chiều dài thế kỷ, để là mùa xuân của hôm nay, trên mảnh đất này… 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI