Một thế hệ “lười” có con lại càng thêm âu lo vì dịch COVID-19

08/08/2020 - 10:37

PNO - Nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với vấn đề giảm sinh, khi thế hệ trẻ dường như không cảm thấy đủ an toàn, hay thích thú với việc làm cha mẹ.

Đại dịch COVID-19 và những khó khăn theo sau dự kiến sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề này.

Dựa trên những dự báo của các nhà khoa học, nếu một trẻ sơ sinh chào đời hôm nay, đứa trẻ sẽ tròn 10 tuổi khi một phần tư số lượng côn trùng trên thế giới biến mất, kèm theo đó là 100 triệu trẻ em khác phải chịu cảnh khan hiếm thực phẩm. Lúc đứa trẻ 23 tuổi, 99% các rạn san hô - môi trường sống của hàng ngàn loài sinh vật biển - đã chết hoặc tổn hại nghiêm trọng. 

Trẻ em tập trung tại Quảng trường Quốc hội ở London (Anh) để phản đối biến đổi khí hậu vào tháng 2/2020 - Ảnh: AP
Trẻ em tập trung tại Quảng trường Quốc hội ở London (Anh) để phản đối biến đổi khí hậu vào tháng 2/2020 - Ảnh: AP

Khi đứa trẻ bước vào tuổi 30, 200 triệu người tị nạn khí hậu sẽ đi lang thang khắp thế giới, với một nửa số loài trên trái đất được dự đoán tuyệt chủng trong tự nhiên. Và khi đứa trẻ đến tuổi 80 (năm 2100), nhiều khu vực tại Úc, châu Phi và Mỹ không còn phù hợp để sinh sống. Vậy, liệu bạn có muốn con mình đối mặt với một viễn cảnh tương lai đầy ảm đạm như thế?

Một số nhà khoa học gọi tỷ lệ sinh giảm mạnh là “điều đáng ngạc nhiên” nhưng có lẽ đó là hậu quả dễ hiểu của tình trạng bất ổn hiện hữu mà nhiều người trong chúng ta cảm thấy. Các thế hệ đang trong độ tuổi sinh đẻ từng trải qua cột mốc trưởng thành trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008; hơn một thập niên sau, họ tiếp tục thấy mình phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khác. 

Ở Mỹ, tỷ lệ sinh hiện ở mức thấp trong 35 năm (đã giảm 20% sau năm 2008) và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ ổn định dân số. Theo dự đoán, 23 quốc gia trên thế giới, bao gồm Tây Ban Nha và Nhật Bản, có thể giảm một nửa dân số vào năm 2100 so với hôm nay nếu tỷ lệ sinh hiện tại không được cải thiện.

Tác động từ đại dịch

Vào những ngày cuối tháng Ba, phần lớn thế giới rơi vào tình trạng phong tỏa do đại dịch COVID-19, nhiều phương tiện truyền thông đùa rằng sẽ có một đợt bùng nổ trẻ em sau giai đoạn cách ly tại nhà. Bà Nadine Dears - bộ trưởng chịu trách nhiệm về các dịch vụ thai sản tại Anh - đã viết trên Twitter: “Chúng tôi có lẽ sẽ rất bận rộn, chín tháng kể từ bây giờ”. Thế nhưng, trong một cuộc khảo sát trên hàng ngàn người dưới 35 tuổi sống ở năm quốc gia châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh), 60-80% báo cáo rằng họ muốn trì hoãn hoặc hoàn toàn từ bỏ ý tưởng có con trong năm 2020.

Vào tháng Sáu, Viện Brookings (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ) công bố nghiên cứu dự đoán Mỹ đang hướng đến cuộc suy thoái dân số lớn, kéo dài. Các tác giả cảnh báo vào năm 2021, số trẻ sinh ra sẽ giảm từ 300.000-500.000 do ảnh hưởng từ đại dịch, tương đương khoảng 10% tổng mức sinh trên toàn quốc gia vào năm 2019. Điều đó nghĩa là bên cạnh hàng trăm ngàn người Mỹ tử vong do COVID-19, sẽ có xấp xỉ nửa triệu trẻ sơ sinh tại Mỹ không có cơ hội chào đời vì đại dịch.

Tori Marsh - giám đốc nghiên cứu của một trang web so sánh giá thuốc theo toa có trụ sở tại bang California - tiết lộ, rất nhiều người quen của cô tại nơi làm việc và bạn bè nói rằng họ không muốn có con cho đến khi đại dịch kết thúc. 

Nếu các cặp vợ chồng bù đắp thời gian đã mất bằng cách sinh thêm con sau này thì việc giảm tỷ lệ sinh không còn đáng lo ngại. Nhưng các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng, nhiều người chọn trì hoãn sinh sẽ không bao giờ thực hiện kế hoạch có con của mình. Thiếu thời gian là lý do quan trọng nhất khiến tỷ lệ sinh không có khả năng quay trở lại xu hướng ban đầu một khi đại dịch kết thúc. Phụ nữ trẻ vẫn còn nhiều năm để “đạt chỉ tiêu” số lượng con mong muốn nhưng những người lớn tuổi hơn có ít sự lựa chọn do ảnh hưởng từ đồng hồ sinh học và viễn cảnh mơ hồ về thời điểm cuộc sống của họ cải thiện.

Karen Guzzo - giáo sư xã hội học tại Đại học Bowling Green bang Ohio (Mỹ) - giải thích: “Mỗi khi mọi người quyết định đẩy lùi thời gian có con đầu lòng hoặc sinh con tiếp theo, một số cuối cùng sẽ không có con và khi bạn chờ đợi quá lâu để có đứa con thứ hai hoặc thứ ba, bạn bắt đầu hài lòng với những gì mình có”.

Vào nửa sau của thế kỷ XX, mô hình ở Mỹ và các nơi khác ghi nhận mức sinh có xu hướng giảm trong cuộc đại suy thoái, sau đó phục hồi khi nền kinh tế cải thiện. Thế nhưng, sự phục hồi không bao giờ đến ngay cả khi nền kinh tế Mỹ phát triển trở lại sau cuộc suy thoái toàn cầu 2007 - 2009. Tỷ lệ sinh của phụ nữ ở độ tuổi 20 đã giảm 25% và con số không ngừng hạ thấp qua các năm. Ngoài ra, khi đại dịch bùng phát, các nhà cung cấp sản phẩm kiểm soát sinh báo cáo sự gia tăng doanh số từ những người dự trữ cho trường hợp thiếu hụt. 

Do kinh tế hay lựa chọn cá nhân?

Theo tiến sĩ Gillian Dean - giám đốc cấp cao về dịch vụ y tế của tổ chức Planned Parenthood, Mỹ - một số phụ nữ tìm đến cô để nhờ giúp chấm dứt việc mang thai mà họ “vẫn muốn duy trì nếu ở trong tình trạng kinh tế tốt hơn”. Với gần 18 triệu người Mỹ mất việc trong quý II/2020, không lạ khi nhiều cặp vợ chồng không còn tâm trạng chào đón một đứa trẻ ra đời.

Trên thực tế, không phải ai cũng sẽ nuối tiếc những đứa trẻ không có cơ hội chào đời. Một nghiên cứu năm 2017 từ Đại học Lund (Thụy Điển) công bố trên tạp chí Nghiên cứu môi trường cho thấy, có ít con là điều tốt nhất mà mọi người ở các nước giàu có thể giúp bảo vệ hành tinh, hiệu quả hơn nhiều so với việc mua một chiếc xe điện hoặc từ chối di chuyển bằng đường hàng không.Nếu nghĩ về tất cả những đứa trẻ đã bỏ học để tham gia các cuộc tuần hành vì môi trường hoặc đứng trước các nhà lãnh đạo thế giới tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc và đòi quyền lợi về một thế giới mà các em đáng được hưởng, liệu bạn có muốn con mình cũng sẽ giống như thế?

Mặt khác, mỗi đứa trẻ được mong đợi nhưng không thể chào đời là bi kịch thầm lặng cho các gia đình. Khảo sát quốc gia về tăng trưởng gia đình tại Mỹ công bố cuối năm 2018 cho thấy, trung bình một phụ nữ Mỹ muốn có 2-3 con. Tùy thuộc vào thời gian kéo dài, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể buộc nhiều phụ nữ từ bỏ mong muốn đó do khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động ở tương lai thấp sẽ tạo ra gánh nặng lớn hơn cho mỗi cá nhân trong việc hỗ trợ những người về hưu. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, nhiều yếu tố làm giảm tỷ lệ sinh trên thế giới vẫn sẽ duy trì, chẳng hạn như việc phụ nữ phải đánh đổi sự nghiệp để có con hay chi phí chăm sóc trẻ, giáo dục và bảo hiểm y tế cao. 

Ngoài tác động từ yếu tố bên ngoài, xu hướng “không sinh con” còn xuất hiện như một lựa chọn tự do. Emma Gannon - nhà văn, phát thanh viên từ Anh nói rằng sống vui với bạn bè, có một công việc, bước đi trên con đường của riêng mình mới là mục tiêu khiến cô hứng thú và làm mẹ không phải là ưu tiên trong danh sách những việc cô muốn làm. Thế nhưng Emma cũng hiểu rằng đối với xã hội, “không thể có con” và “không muốn có con” là hai khái niệm khác nhau. Ở vế đầu tiên, bạn nhận được sự cảm thông nhưng ở vế thứ hai, đó có thể là một ánh nhìn e dè.

Vô số nghiên cứu đã phát hiện rằng mọi người nhìn nhận một cá nhân trưởng thành không có con là phản tự nhiên và ích kỷ. Phụ nữ chịu gánh nặng này nhiều nhất; cựu Thủ tướng Anh Theresa May và nhà lãnh đạo của đảng Quốc gia Scotland Nicola Sturgeon từng bị buộc phải chia sẻ tin tức về trải nghiệm sẩy thai và vô sinh; cựu thủ tướng Úc Julia Gillard bị chỉ trích vì tạo ra hình ảnh xấu khi không muốn có con. 

Nhìn chung ở mọi nền văn hóa, làm cha mẹ được xem như sự đầu tư lớn nhất cho một tương lai tốt hơn. Nhưng lựa chọn có con không nên bị xem như việc phải làm hay hành động vì mục đích an hưởng tuổi già và lựa chọn không có con cũng không phải là sự ích kỷ đi ngược lại tự nhiên. 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI