Một thân cõng cả gia đình

21/05/2013 - 16:16

PNO - Nghèo khó và bệnh tật ập xuống gia đình 12 người, cướp đi cuộc sống của người cha và ba người con. Người con gái thứ năm trong gia đình ấy đã gượng dậy, làm trụ cột cho tinh thần và cuộc sống của những người ở lại dù cái...

Nhà thương thu nhỏ

Cách đây chừng một năm, trong ngôi nhà nằm trên đường Lương Văn Can (phường 15, quận 8, TP.HCM) này, các thành viên đều đã quen với việc thức trắng đêm bởi có hai người con cứ lên cơn là cầm dao la hét và chạy khắp nhà! Họ còn sợ nhà có thể sập bất cứ lúc nào vì tường vách đã nứt nẻ do việc xây cất của nhà hàng xóm. Nhà ấy từng có 12 người, khăn gói từ Tuy Hoà (Phú Yên) vào đây lập nghiệp. Căn chòi lợp tạm gắn bó với họ đến mãi năm 2004 mới được thay bằng căn nhà gạch từ số tiền tích góp và vay mượn. Bệnh tật lần lượt cướp đi người cha và ba con, để lại người mẹ cùng bảy con gồng gánh mưu sinh. Người con gái thứ năm, Lê Thị Hoàng Lài, gánh trọng trách xốc vác gia đình sau khi hai anh, một chị lập gia đình xa nhà và gia cảnh cũng khó khăn.

Mot than cong ca gia dinh
Chị Lê Thị Hoàng Lài đang chăm sóc mẹ

Bưng tô cháo đút cho mẹ già 85 tuổi đã mất trí nhớ, mắt người con gái năm nay đã 48 tuổi rưng rưng: “Nhà tôi giống như nhà thương thu nhỏ vậy, mẹ tôi bị bệnh, anh chị ruột tôi bị bệnh, em tôi bị bệnh mà tôi cũng... bệnh nốt”. Trong ký ức của chị Lài, thời điểm người cha mất cả nhà lâm vào khủng hoảng thực sự. Lúc đó chị vừa tốt nghiệp về làm giáo viên trường tiểu học Hồng Đức (quận 8) và mấy tháng liền chị bị nợ lương. Người em gái khoẻ mạnh duy nhất trong nhà, chị Lê Thị Liễu lúc đó mới học lớp 10, phụ chị nhận thêm công việc may thêu để chống đói cho cả nhà. Gia cảnh càng túng quẫn khi lần lượt người chị kế và em trai mắc bệnh tâm thần phân liệt... Để chăm sóc hai thành viên lúc tỉnh lúc mê, chị Lài phải tự phân vai, vừa là người thân vừa là bác sĩ. Bệnh em trai nay đã bớt nhiều, chỉ còn người chị vẫn có lúc lên cơn bất chợt. Chị vay tiền công đoàn, mua đồ chơi cho thiếu nhi và mở tiệm tạp hoá để người chị được bận rộn với công việc, bớt đi mặc cảm bệnh tình…

“Đạo hiếu thuận với tôi quan trọng lắm”

Chị Lài từng có những mối tình, có nhiều người cảm thông và đến với chị. Nhưng giữa hạnh phúc cá nhân và người thân, chị đã chọn gia đình. Cách nay mười năm, đồng nghiệp còn làm mai cho chị một người Pháp, nếu đồng ý chị sẽ có cơ hội bắt đầu cuộc sống mới ở châu Âu. Nhưng một lần nữa, sức mạnh tình thân níu chị ở lại. Chị Lài bảo: “Bạn tôi trách cơ hội tốt như thế mà để vuột mất nhưng tôi chỉ nghĩ cho mẹ, các chị em. Tôi có thể đổi đời nhưng em gái út không thể lo xuể cho gia đình, không quen tay bằng tôi”. Sự quen tay mà chị đề cập là mỗi ngày thức dậy từ 4 giờ sáng, sau khi đi tập thể dục về bắt đầu tắm rửa cho mẹ, lo bữa ăn cho cả nhà, đến trường. Trưa về cùng cô em út lo ăn uống, thuốc thang cho cả nhà rồi chiều trở lại trường dạy. Cứ thế bất kể lễ, tết… Đến một ngày, chị phát hiện trong nhà mình có thêm bệnh nhân mới, lần này chính là chị! Lần lượt bệnh viêm đa xoang, viêm đa khớp, hội chứng ống cổ tay kéo tới. Những lúc chấm bài, chạy xe tay chị hoàn toàn tê cứng. Nhiều lần chị định đi phẫu thuật theo lời khuyên bác sĩ, nhưng rồi nhà lại có chuyện nên những món tiền ấy lại dành để chi tiêu cho các thành viên khác…
Số phận chưa buông tha chị khi cách đây năm năm, chị phát hiện mình còn bị u xơ tử cung. Đó là thời điểm chị cảm thấy hụt hẫng, nhưng hình ảnh những người chị, người em lo lắng chăm sóc lại mình giúp chị cảm nhận thật rõ giá trị của điều mà lâu nay vì nó chị chấp nhận hy sinh: tình thân trong gia đình.

Xúc động vì chuyện chị Lài, đồng nghiệp ở trường đề xuất công đoàn trường tạo điều kiện cho chị vay tiền trang trải chi phí điều trị. Cũng từ những kiến nghị ấy, liên đoàn Lao động quận 8 giúp 30 triệu đồng để chị cất nhà vào năm ngoái. Chị bảo gắn bó 28 năm với công việc giáo dục, ngoài tình cảm đồng nghiệp thì sự hồn nhiên, ngây thơ của học sinh cũng là những liều thuốc giúp chị vơi bớt buồn phiền trong cuộc sống.

Tôi hỏi chị Lài, có lúc nào chị cảm thấy bất hạnh khi sinh ra trong gia đình nghèo lại lắm bệnh tật. Chị thừa nhận có những lúc buồn đến phát khóc, nhưng chưa bao giờ chị thấy bất hạnh. Có hai quyết định đến nay nhìn lại chị cảm thấy hài lòng là nghề giáo và hy sinh bản thân để xốc vác gia đình, bởi “Có hiếu với mẹ là bổn phận của con cái, thuận hoà với anh em là bổn phận của người làm chị, làm em. Với tôi, hiếu thuận có ý nghĩa quan trọng lắm và nhờ vậy mà tôi có niềm tin để sống và hy sinh vì người thân”.



THEO TRỌNG VĂN
SÀI GÒN TIẾP THỊ

Từ khóa khó khănhy sinh
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI