PNO - PN - Khi được hỏi cơ duyên nào đã đưa hai người đến với nhau, ông tủm tỉm: “Tại thấy tui tát mương giỏi quá, bả mê”. Bà đập nhẹ vào vai ông, cười: “Bậy không hà!”. Quay sang chúng tôi, bà bộc bạch: “Tui nghĩ mình có một...
edf40wrjww2tblPage:Content
Nợ nhau vòng nhẫn cưới
Trận đánh đầu năm 1972 tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thiếu úy Nguyễn Hoàng (xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) bị tàu giặc bắn trọng thương. Tỉnh dậy sau ca mổ, anh bàng hoàng nhận ra mình đã mất cả đôi tay, mắt phải, lại còn bảy mảnh đạn ghim vào đầu. Được đưa về địa phương dưỡng thương, anh không chịu nằm ở quê nhà (xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam) hay về xã Bình Khánh như tổ chức sắp xếp mà đòi về nhà chị Bảy ở xã Phước Hiệp. “Tui về đó để cưới vợ” - anh nửa đùa nửa thật. Trong thời gian điều trị, anh nghĩ nhiều về tương lai. Trong “dự án cuộc đời” anh, nổi rõ cái tên Trần Thị Sải - em bà con của chị Bảy. Càng nghĩ, anh càng thương và càng muốn gắn bó với cô Sải. Cô là giao liên, con của một bà mẹ chiến sĩ rất hiền hậu, kiên cường ở ấp An Thới, nơi anh từng đóng quân. Thuở 15, cô Sải bị mất một cánh tay khi đưa mía ép đường. Dù chưa một lần hò hẹn nhưng anh đã xa gần bóng gió với cô: “Hễ giặc càn dữ quá thì chạy, êm thì về đây, đừng đi nơi khác, mất dấu tui tìm không ra!”.
Ngày chị Bảy chuyển lời cầu hôn của anh Hoàng, Sải nhanh chóng gật đầu đồng ý. Trước đó không lâu, như linh cảm sự ra đi của mình, má cô Sải đã ôm cô, thổn thức: “Mai này má có bề gì, không biết con ở với ai!”. Mấy ngày sau, má đột ngột qua đời vì đạn pháo. Nay đã gặp được người xứng hợp, cô Sải hy vọng má ở suối vàng không còn lo âu, bận lòng vì mình. Ba mẹ đã mất, các anh đi bộ đội, hàng xóm chạy giặc không còn mấy người, anh và cô cứ xáp lại sống chung. Vài năm sau, dưới sự chứng kiến của chi bộ địa phương và bà con, anh thương binh 1/4 và cô giao liên tổ chức lễ tuyên bố khi con trai đầu lòng đã hai tuổi. Cô dâu không son phấn lụa là. Hai người không có nhẫn cưới vì không có tiền mua mà cũng chẳng thể đeo, chỉ có lời thề cùng năm tháng: “Chúng tôi nguyện sống thủy chung, không gây gổ, giận hờn, khó khăn mấy cũng cố gắng vượt qua, ít tay thì làm nhiều để đủ sống, lo cho các con, gầy dựng mái ấm trọn đời hạnh phúc”.
Cô sinh nở vào những ngày giáp hạt, không để vợ con thiếu đói, anh tìm bất cứ thứ gì ăn được để độn cơm: rau, khoai mì, chuối hấp… Con chào đời, ngày mấy lượt anh bơi xuồng vào bệnh viện huyện tiếp tế cơm nước. Cô sinh con gái út tại nhà, tiễn bà mụ vườn ra về, là anh một mình lo liệu. Mọi chuyện bếp núc anh đều làm gọn, chỉ có ẵm em bé còn non thì nhát. Đợi con vài tháng tuổi, anh mới dám cắp con lên trong niềm vui sướng lâng lâng của hai vợ chồng.
Cháu ngoại trong vòng tay yêu thương của ông bà Hoàng - Sải
Gieo cười vào đất
Khi xưa, mảnh đất nơi nền nhà ông bà có hố bom rộng hơn 50m2, sâu lút đầu người, xung quanh là lau sậy, cây cối um tùm. Những ngày đầu chung sống, ông bà dọn một khoảnh đất nhỏ bằng bóng cây để dựng chòi. Đêm chui vào ngủ, ngày ra ngoài phát hoang. Ông bà xuống sông móc bùn mang về lấp hố bom. Trồng lúa, ông bà không nhất thiết sạ cấy ở thửa ruộng hẳn hoi mà bạ đâu cấy đó. Chỗ đất chỉ rộng bằng cái nia ở triền sông, ven mương, ngõ vào nhà, ghim được vài ba bụi lúa, ông bà cũng không bỏ qua. Nhờ tận dụng đất, nhà không những đủ lúa ăn mà còn có cho mượn hoặc đem giúp người nghèo.
Khi chuyển từ ruộng lúa lên bờ mía, vườn cam quýt rồi đến trồng dừa, ông bà đều bàn bạc, đồng thuận trước khi làm. Nguyên tắc sống chung của ông bà là chuyện gì cũng phải hỏi ý kiến nhau, quyết tâm làm, thất bại thì cùng chịu, không được trách cứ, đổ thừa. Những đêm trăng, ông bà thức xắn đất, cuốc hộc để đặt mía. Chân quen đất, đầu đội sương, đôi vợ chồng “một bàn tay” vẫn không thấy cực vì luôn có nhau, nhiều khi làm tới sáng không hay vì mải mê cười nói, kể chuyện tiếu lâm. Đến đợt lột lá mía, đốn mía thì ông “bó tay” nên về nhà vừa chăm sóc con vừa trông giữ tiệm tạp hóa để bà ra đồng. Thỉnh thoảng, ông bà dắt các con ra bờ mía để vừa làm vừa trông coi. Trưa về, món ăn quen thuộc bên nồi cơm trắng là… còng kho khô do cả nhà bắt được tại bờ mía.
Bằng giọng mộc mạc, hồn hậu rặt Bến Tre, ông khẳng định: “Việc khó mấy, nếu mình nói “được” thì sẽ làm được; còn mình cứ nói “không được” là thua chắc”. Bà không giấu sự ngưỡng mộ khi ông kể chuyện tập chài. Đầu tiên, ông mua một miệng chài nhỏ về thử vãi ra đất, lúc đầu thì méo xẹo, sau tròn dần. Tiếp đến, ông trèo lên bộ ván, thử vãi xuống đất. Khi đã thuần thục vãi chài “trên bộ”, ông mới hạ thủy ở mương, rạch. Thừa thắng, ông mua chài lớn hơn, nặng hơn. Hàng đêm, bà bơi xuồng, ông tung chài. Tép cá trọng trọng thì bán, vụn để ăn. Các con ở nhà tự quản lý nhau. Anh hai nằm tấn ở ngoài giường để các em không lọt xuống đất. Ánh lửa leo lét từ đèn mù u canh giấc cho các con thay ông bà.
Nhọc nhằn là vậy, ông vẫn tích cực tham gia công tác địa phương: chi bộ, công an, cựu chiến binh... Ngày cũng như đêm, nghe tin ở đâu có bạo hành, đề đóm, trộm cắp là ông tìm đến tuyên truyền, vận động, giải quyết. Không có đôi bàn tay, ông vẫn cố tập viết được đôi ba dòng: họ tên, ký tên, ngày tháng. Trước đây, vì việc làng xã, nhiều đêm ông không về nhà. Con bệnh, bà phải nhờ người nhắn giúp. Ông đi, bà ở nhà cũng không ngủ yên, sợ ông đi đường trơn trợt, cầu khỉ chông chênh. Dù vậy, bà không ngăn cản mà luôn ủng hộ ông góp sức cho đời.
Có một dạo, vết thương tái phát, ông bệnh nặng, không đi nổi, sụt cân chỉ còn ba mươi mấy ký. Bà túc trực chăm sóc, dìu đỡ ông ở bệnh viện mấy tháng ròng. Ông ăn uống bị sặc, nghẹn, bà nấu nhừ thịt, củ cải, rau xanh… đút ông từng muỗng. Bà thương nhất là dù bệnh tật hành hạ, ông vẫn không cáu gắt, khỏe chút là chọc ghẹo bà và những bệnh nhân cùng phòng. Ông cười hề hề phân trần: “Lúc bệnh, mình phải dễ dãi, dễ thương để không bị vợ bỏ. Lúc khỏe thì có khó ưa cũng không sao vì nếu vợ bỏ, mình cũng tự lo được”. Dù hơi “sốc” khi nghe ông bật mí “thủ đoạn tinh vi”, bà vẫn tin chắc ông luôn cần bà. Nhắc đến cái nghĩa, bà nói đơn giản: “Ở với nhau lâu năm không thấy chán thì cứ muốn tiếp tục sống chung, lo cho nhau”. Ông thì ví von thật ngộ nghĩnh: “Nghĩa vợ chồng giống như món đồ mình xài lâu quen ý, cứ muốn xài hoài”.
Từ ba công đất nhà nước cấp, ông bà tích cóp mua thêm hai công nữa. Con trai đầu của ông bà là công an xã, con gái giữa buôn bán, cô út công tác ở xã. Ông bà có năm cháu nội ngoại, một cháu cố. Chị Ánh Nguyệt (con giữa) có chồng ở xã Định Thủy, nhưng vợ chồng bàn nhau về sống cạnh nhà ba mẹ để đỡ đần vì ông bà đã vào tuổi U70. Lẽ khác, vợ chồng chị cũng muốn học tập nếp ăn nếp ở nhường nhịn, hòa thuận, vui vầy của ba mẹ để xây tổ ấm nhỏ của mình.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.