Nếu bạn từng đọc những tác phẩm bưng biền buồn đến khô cả nước mắt của Nguyễn Ngọc Tư, thì ắt hẳn bạn cũng sẽ thấy cuộc đời của người phụ nữ tôi sắp kể cũng buồn đến nao lòng. Đó chính là bà nội của tôi, bà hiện nay đã 83 tuổi và đã dọn về ở cùng một người con, sau khi căn nhà mồ hôi nước mắt bị ngân hàng phát mãi...
|
Cuộc đời bà buồn đến nao lòng. Ảnh minh họa |
Từ thời con gái, bà được ông bà cố tôi - vốn là ông hương quản ở Cai Lậy, Tiền Giang - cho ăn học đến nơi đến chốn. Năm bà 20 tuổi, tình cờ gặp và yêu ông nội, nhưng sự thật trớ trêu là ông đã có vợ và 4 người con ở quê. Chuyện xưa tôi xin phép không nói thêm nhiều, nhưng bà đã về làm vợ ông mà không có đám cưới nào, ông bà cố cũng không dự.
Bà nội tôi sáng đi làm tạp vụ ở công ty dược, chiều về bán bún để trang trải qua ngày. Bà sinh cho ông 7 đứa con, 4 trai 3 gái. Dựng chồng gả vợ cho hai đứa con đầu lòng xong cũng là lúc ông bị bệnh hiểm nghèo. Ngày tôi vừa tròn 8 tháng tuổi cũng là lúc ông nội tôi qua đời, để lại bà nội chỉ mới 49 tuổi và một đàn con chưa trưởng thành.
Vượt qua nỗi đau mất chồng, chưa kể biết bao nhiêu chuyện buồn mà bà gánh chịu khi làm vợ lẽ của ông, bà nội tôi quyết tâm gầy dựng sự nghiệp để nuôi những đứa con nên người. Nhờ bạn bè tư vấn, bà mở xưởng làm giấy, đóng thùng. Thời đó, nghề này là một trong số những nghể thịnh nhất ở miền Tây vì người ta cần thùng đựng mì gói, trứng, tập vở... Sau 5 năm, bà nội đã kiếm được số tiền kha khá để chỉnh trang, nâng cấp ngôi nhà cũ của gia đình.
|
Bà tôi khổ từ thời con gái |
Ba mẹ tôi ly hôn, bà nội nuôi tôi từ ngày còn nhỏ. Thấy ba tôi và chú Tám chưa có việc làm ổn định, bà giao xưởng giấy cho hai anh em làm, những người cô của tôi thì lên thành phố làm việc, cũng coi như cuộc sống tạm ổn. Chú út là dược sĩ, là niềm hy vọng lớn nhất của bà vì chú là người thực hiện ước mơ của ông nội. Nhưng sóng gió lại chưa buông tha bà tôi. Vợ chồng chú út ly hôn, chú sinh ra trái tính trái nết, ăn nhậu bê tha và bỏ nhà ra đi.
Bà tôi già hẳn sau khi đứa con bà yêu thương nhất bỏ đi, đêm nào bà cũng khóc. Nhưng rồi bà đã không thể khóc thêm giọt nước mắt nào khi biết rằng ba tôi và chú Tám làm ăn thua lỗ, chú Tám còn bị người ta hại phải ngồi tù vì tội ký khống hoa đơn. Suốt 2 năm đi ra đi vào thăm con trai trong khám, bà tôi như người mất hồn. Bà không thể tin được gia đình lại có người vướng vòng lao lý như thế này.
Ba tôi bỏ lên thành phố kiếm sống, nhưng lại không may tiếp tục nợ nần, bà đã phải bán một phần đất để trả nợ cho con trai. Tài sản hao kiệt dần, sức bà mòn mỏi dần... Con số nợ không dừng lại ở đó, ba tôi đã làm ra những chuyện tày trời, nhưng hậu quả đều đổ dồn lên đôi vai cô đơn của bà. Lúc còn ở bên cạnh bà nội, tôi quá nhỏ để có thể hiểu hết sự cam chịu của bà tôi, tôi không thể hiểu hết nơi tôi đang sống vừa đáng sợ, vừa đáng thương như thế nào.
Bây giờ khi nhìn ngược về những tháng năm tôi ăn bữa cơm ngon, nhưng chan nước mắt của bà, tôi lại tự trách mình vô dụng. Phải chi tôi ôm bà mỗi khi ngủ, biết đâu nỗi nhọc nhằn sẽ dịu được phần nào...
|
Một tay bà gầy dựng cơ nghiệp, nhưng cuối đời đành nhìn cảnh nhà tan hoang... |
Người cô thứ tư của tôi lấy chồng, nhưng chỉ mới sống với nhau 6 năm thì dượng mất do tai biến. Cô quay về sống với bà nội tôi, nhưng tinh thần cô cũng đã bị nỗi đau ăn mòn. Khi nhớ, khi quên, có nhiều khi cô không kiềm được cảm xúc của mình rồi la hét với mọi người trong nhà. Không biết bà nội có còn nước mắt để khóc cho người con gái bất hạnh của mình nữa không. Lúc đó, tôi đã lên thành phố sống cùng với cô sáu, đi học, làm việc và ở lại trên đó luôn.
Cách đây vài tháng, căn nhà mà tôi tích cóp để xây đã bị bán rẻ cho ngân hàng do số nợ chồng chất, bà không còn khả năng trả nữa. Chú thím Bảy đã vay được ít tiền từ bạn bè, xây một ngôi nhà khác ở một huyện nhỏ gần nhà cũ để sống và chăm sóc tuổi già cho bà nội. Vợ chồng chú thím tôi là người đã sống cùng bà nội trong những năm tháng khó khăn nhất. Bà nội thường nói nếu không có người con dâu này, có lẽ bà không còn sống được nữa.
Tuy đã chấp nhận buông bỏ mồ hôi nước mắt suốt một đời người, nhưng bà tôi vẫn còn ngồi nhìn đau đáu ra sau vườn mà không nói gì. Bà nội còn buồn, buồn nhiều lắm. Ba tôi, chú tám và chú út làm sai đã đành, lại cũng không hối lối mà quay về bên bà, đâu ai biết được khi nào bà nhắm mắt. Người già mà, ở bên mình hôm nay chứ làm sao biết ngày mai. Nhiều lần tôi gọi cho ba, nhưng ông ậm ờ rồi cũng biệt tăm. Thỉnh thoảng bà thở dài, nói phải chi mình đừng sanh ra mấy đứa con trai, thì đâu có làm ai khổ như vầy!
Nói là nói vậy, chứ đám giỗ ông nội, bà cứ cầm tấm ảnh 7 đứa con lên mà ngắm nghía, rồi bà khóc...
Tú Anh