Một tảng băng trôi khổng lồ vỡ ra ở Nam Cực gây ngạc nhiên

28/02/2021 - 14:35

PNO - Một tảng băng trôi khổng lồ đã vỡ ra từ Thềm băng Brunt ở Nam Cực hôm 27/2, cách không xa một tiền đồn khoa học của Anh. Theo tuyên bố của Cơ quan khảo sát Nam Cực Anh Quốc (BAS), tảng băng lở ra tự nhiên có diện tích 1.270 km2, lớn hơn thành phố New York của Mỹ.

Quan sát vết nứt North Rift ở Thềm băng Brunt tháng Giêng năm nay - Ảnh: CNN
Quan sát vết nứt North Rift ở Thềm băng Brunt tháng Giêng năm nay - Ảnh: CNN

Trạm Nghiên cứu Halley của BAS – được xây dựng trên Thềm băng Brunt - đã đóng cửa khi bước vào mùa đông Nam Cực và đội ngũ nhân viên 12 người của trạm đã rời đi vào đầu tháng này.

Các nhà khoa học đang chờ đợi một tảng băng trôi lớn bị vỡ ra sau nhiều năm vì những vết nứt rộng lớn đã hình thành trong thềm băng nổi dày đến 150 mét. Một vết nứt mới, được gọi là North Rift, bắt đầu di chuyển về phía một vết nứt lớn khác hồi tháng 11,  North Rift di chuyển mỗi ngày thêm  1km trong tháng Giêng.

Video quay từ trên không vào giữa tháng Hai cho thấy North Rift trải dài đến hết tầm mắt nhìn bằng mắt thường. Vết nứt đã mở rộng đến vài trăm mét vào sáng 26/2 và tách tảng băng trôi khỏi phần còn lại của thềm băng.

Giám đốc Cơ quan khảo sát Nam Cực Anh Quốc (BAS) - cô Jane Francis – cho biết “các nhóm nghiên cứu của BAS đã chuẩn bị cho việc chào đời một tảng băng trôi từ Thềm băng Brunt trong nhiều năm nay”. Cô cho biết họ nhận được thông tin cập nhật hàng ngày về thềm băng từ một mạng lưới tự động gồm các thiết bị GPS có độ chính xác cao cũng như hình ảnh vệ tinh.

"Tất cả dữ liệu được gửi về Cambridge để phân tích, vì vậy chúng tôi biết điều gì đang xảy ra ngay cả trong mùa đông ở Nam Cực, khi không có nhân viên trên trạm vì trời tối đen như mực và nhiệt độ xuống dưới âm 50 độ C”, cô nói.

Năm 2016, BAS đã di chuyển Trạm nghiên cứu Halley xa hơn vào đất liền để đề phòng và các nhân viên chỉ làm việc ở đó trong mùa hè Nam Cực kể từ năm 2017 vì việc sơ tán sẽ hết sức khó khăn trong mùa đông tối tăm.

"Đây là một tình huống lạ. Bốn năm trước, chúng tôi đã chuyển Trạm Nghiên cứu Halley vào đất liền để đảm bảo nó sẽ không bị cuốn trôi khi hình thành một tảng băng trôi", Giám đốc Hoạt động của BAS, Simon Garrod, ra tuyên bố cho biết. Ông nói, công việc của họ bây giờ là “theo dõi chặt chẽ tình hình và đánh giá bất kỳ tác động tiềm tàng nào của việc hình thành tảng băng trôi lên thềm băng còn lại”.

Năm 2017, một tảng băng trôi thậm chí còn lớn hơn đã tách khỏi Thềm băng Larsen C và trôi ra biển khơi vào cuối năm ngoái.

Có tất cả sáu Trạm Nghiên cứu Halley được đặt trên Thềm băng Brunt kể từ năm 1956 để thực hiện các quan sát khí quyển và thời tiết không gian. Thềm băng đang di chuyển về phía biển với tốc độ khoảng 2km mỗi năm và các tảng băng trôi vỡ ra trong những khoảng thời gian không đều đặn.

Theo BAS, "sự thay đổi trong băng ở Halley là một quá trình tự nhiên và không có mối liên hệ nào với sự kiện sinh tảng băng trôi được nhìn thấy trên Thềm băng Larsen C, và cũng không có bằng chứng nào cho thấy biến đổi khí hậu đóng một vai trò quan trọng ở đây".

Các nhà khoa học hiện đang theo dõi chặt chẽ tảng băng trôi để xem diễn biến tiếp theo của nó là gì. Giám đốc BAS Jane Francis cho biết: "Trong vài tuần hoặc vài tháng tới, tảng băng có thể di chuyển đi, hoặc nó có thể mắc cạn và ở gần Thềm băng Brunt".

Quế Lâm (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI