Một số nước Châu Á nô nức chuẩn bị Tết Nguyên đán

28/01/2022 - 07:51

PNO - Dù còn nhiều tác động từ đại dịch, thế giới dường như đã tìm lại một phần bầu không khí lễ hội của dịp tết.

Đối với người dân châu Á, Tết Nguyên đán là thời điểm quan trọng nhất để gia đình quây quần bên nhau. Dù còn nhiều tác động từ đại dịch, thế giới dường như đã tìm lại một phần bầu không khí lễ hội của dịp đặc 
biệt này.

Đại dịch không thể chia rẽ niềm vui sum vầy

Mỗi năm tại Trung Quốc, hàng trăm triệu người rời quê hương để xây dựng cuộc sống ở các thành phố lớn, lại đổ xô lên tàu hỏa, xe buýt và máy bay để về đoàn tụ với gia đình. Một đợt nghỉ lễ kéo dài nhiều tuần cũng là cuộc di dân hằng năm lớn nhất của nhân loại. 

Các thợ lặn hóa trang thành lân và thần tài biểu diễn dưới nước nhân dịp tết Nguyên đán tại thủy cung Aquaria KLCC ở Kuala Lumpur, Malaysia - ẢNH: XINHUA
Các thợ lặn hóa trang thành lân và thần tài biểu diễn dưới nước nhân dịp tết Nguyên đán tại thủy cung Aquaria KLCC ở Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: XINHUA

Năm nay, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc dự kiến sẽ có 1,18 tỷ chuyến đi được thực hiện trong mùa du lịch tết Nguyên đán, tăng 35% so với năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số 3 tỷ chuyến trong năm 2019. Dù đã hơn hai năm trôi qua kể từ khi Trung Quốc phong tỏa toàn bộ TP.Vũ Hán với hơn 11 triệu dân để kiềm chế đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên trên thế giới, ở nhiều nơi trên đất nước, ngày càng có nhiều chính quyền địa phương không khuyến khích người dân du lịch để hạn chế sự lây lan dịch bệnh, đặc biệt là trước sự xuất hiện của biến thể Omicron. 

Tương tự, với tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tăng cao, đặc biệt là ở Bangkok, sự kiện mừng tết Nguyên đán trên đường Yaowarat, được gọi là khu phố người Hoa của Thái Lan, tiếp tục bị hủy bỏ trong năm nay. Đường Yaowarat nổi tiếng với lễ mừng năm mới sôi động, bao gồm các buổi biểu diễn được diễn ra suốt cả ngày. Con đường được trang trí bằng đèn lồng đỏ kiểu Trung Quốc, tấp nập du khách cũng như những người bán đồ ăn đường phố. Dù sự kiện mừng tết bị hủy bỏ nhung chiếc cổng chào Royal Jubilee Gate của khu phố vẫn được trang trí và mọi người được phép đến thăm các ngôi đền cổ, thờ cúng và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên của họ như bình thường. 

Du khách chụp ảnh trước chùa Xá lợi Răng Phật ở khu phố người Hoa của Singapore Ảnh NY Times
Du khách chụp ảnh trước chùa Xá lợi Răng Phật ở khu phố người Hoa của Singapore Ảnh NY Times

Trong khi đó, Malaysia công bố những hướng dẫn phòng COVID-19 “thoải mái” hơn cho các lễ kỷ niệm tết Nguyên đán sắp tới, bao gồm cả việc cho phép các bữa ăn tối đoàn tụ gia đình và thăm hỏi bạn bè. Không giống như năm 2021, khi bữa tối đoàn tụ chỉ giới hạn 15 thành viên gia đình sống trong bán kính 10km, năm nay không có giới hạn nào được đặt ra. Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật cũng được phép múa lân và rồng, miễn họ tuân thủ các biện pháp an toàn. 

Ở Hàn Quốc, một phong tục truyền thống đã được tái sinh tại Gwanghwamun, cổng chính của cung điện Gyeongbokgung ở trung tâm Seoul. Quay trở lại thời kỳ 1392 - 1910 của vương quốc Joseon, một bộ tranh vẽ gây tò mò sẽ được dán trên cổng chính của cung điện hoàng gia vào mỗi dịp tết Nguyên đán. Chúng là “munbaedo” - hình ảnh của cả động vật thực và động vật tưởng tượng, như hổ, rồng, chim ác là và “haetae” (một sinh vật có sừng giống sư tử), cũng như các vị tướng mặc giáp vàng - được đặt ở lối vào để xua đuổi linh hồn ma quỷ và mang lại may mắn. Với việc đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ ba, những munbaedo này dường như cũng đóng vai trò đặc biệt để xua đuổi “linh hồn xấu xa” của vi-rút.

Thời điểm để chữa lành

Nhà hàng China Live cao cấp của George Chen ở khu phố người Hoa tại San Francisco đã mất 90% số lượng khách đặt trước vào dịp tết Nguyên đán, do các bữa tiệc công ty và đại gia đình phải hoãn lại vì lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron tại Mỹ. Nhưng nhà hàng ba tầng của anh không còn vắng khách như một năm trước. Những bữa tiệc nhỏ hơn vẫn có thể diễn ra một cách riêng tư, thân mật và Chen hy vọng sẽ thấy nhiều hơn những cuộc tụ họp đó. Anh nói: “Năm nay thật khó khăn. Chúng tôi sẽ cầu nguyện và hy vọng mọi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn, đi tiêm phòng để ra ngoài và tận hưởng niềm vui của bản thân”.  

Tuy rất nhiều người quyết định ở nhà trong dịp giao thừa, lễ hội và lễ diễu hành năm mới đặc trưng của San Francisco vẫn diễn ra cùng các màn biểu diễn múa lân trên những con đường đồi núi đông dân cư, với các cửa hàng được trang trí bằng vải đỏ chạy dọc hai bên. Các hội chợ đường phố tết hằng năm của thành phố cũng diễn ra. William Gee - đại diện ban tổ chức cuộc diễu hành - chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng sẽ mang lại rất nhiều kỷ niệm và màn trình diễn mang tính biểu tượng mà mọi người mong đợi”.

Tại Singapore, tết Nguyên đán được tổ chức chủ yếu bởi các thành viên cộng đồng người gốc Hoa, vốn chiếm 3/4 dân số đảo quốc sư tử. Trong gần 20 năm, cô Shila Das - người mang dòng máu Ấn Độ và Việt Nam - vẫn duy trì thói quen mang món cà ri gà và nasi biryani của mình cho người bạn thân nhất của cô là Wendy Chua để cùng nhau ăn mừng tết Nguyên đán tại quê hương Singapore của họ. Cả hai người phụ nữ đều 51 tuổi, bắt đầu dành kỳ nghỉ cùng nhau khi còn là thanh thiếu niên, hào hứng xem các đoàn múa lân biểu diễn trong khoảng sân rộng của nhà ông bà Chua.

Theo Christopher Tan - nhà văn chuyên viết sách dạy làm bánh ngọt truyền thống Đông Nam Á - bởi vì Singapore là một thành phố cảng, nơi mọi người từ các nền văn hóa khác nhau đã hòa nhập và chia sẻ niềm vui trong nhiều thế kỷ, việc thưởng thức một bữa ăn đa văn hóa vào ngày lễ “đến tự nhiên như hơi thở”. 

Nhiều du khách Singapore muốn đến Việt Nam

Hội đồng Cố vấn du lịch Singapore (TAB) tiết lộ, theo kết quả thăm dò ý kiến khách du lịch quốc tế đi qua sân bay Changi của Singapore, khoảng 90% người Singapore được hỏi khẳng định họ sẵn sàng đến Việt Nam ngay khi các hạn chế đi lại quốc tế được dỡ bỏ. 

Người dân chờ đợi ở sảnh chính của ga xe lửa Hồng Kiều, Thượng Hải, Trung Quốc ngày 23/1 để về quê nghỉ tết Nguyên đán - Ảnh: Getty images
Người dân chờ đợi ở sảnh chính của ga xe lửa Hồng Kiều, Thượng Hải, Trung Quốc ngày 23/1 để về quê nghỉ tết Nguyên đán - Ảnh: Getty images

Cuộc khảo sát “Nhu cầu của khách du lịch Singapore đến Việt Nam” được Tập đoàn sân bay Changi thực hiện trong hai tuần, từ ngày 24/11/2021 đến ngày 8/12/2021, bằng cách phát phiếu cho khoảng 5.000 hành khách sử dụng dịch vụ của sân bay. Hầu hết những người được khảo sát cho biết, họ dự định ở lại Việt Nam hơn bảy ngày suốt kỳ nghỉ và các điểm đến yêu thích là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và vịnh Hạ Long. Đáng ngạc nhiên là 3/4 trong số những người trả lời đã từng đến thăm Việt Nam. Họ đặc biệt khen ngợi nền ẩm thực đa dạng, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống tại quốc gia hình chữ S. 

Việt Nam hiện đang xem xét mở cửa hoàn toàn trở lại cho khách du lịch nước ngoài vào ngày 1/5/2022, nhưng nhiều chuyên gia dự đoán việc mở cửa có thể diễn ra sớm hơn. Hiện tại, Thái Lan chuẩn bị triển khai chương trình Test & Go cho phép du khách đã tiêm chủng tự do đến nước này, bao gồm cả Việt Nam. Trong khi đó, hai nước láng giềng Lào và Campuchia hiện đã mở cửa du lịch, gần như hoàn toàn cho du khách đã tiêm chủng, có xét nghiệm âm tính.

Ngọc Hạ (theo CNN, NY Times, Korea Times, the Thaigers, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI