Một số nơi còn thiếu sâu sát đối với những gia đình có tiềm ẩn nguy cơ xung đột

17/06/2023 - 08:19

PNO - Hội LHPN quận 4 vừa phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin quận tổ chức tọa đàm “Giải pháp phòng, chống bao lực gia đình” và Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống bạo lực gia đình hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Tại buổi tọa đàm, Hội LHPN các cơ sở cũng như các CLB Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội, CLB Xây dựng hạnh phúc trên địa bàn phường đã chỉ ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Đáng chú ý là các ý kiến cho rằng các chế tài xử phạt các hành vi bạo lực gia đình hiện đang còn quá nhẹ, không tương xứng với hậu quả mà hành vi đã gây ra, do đó, tính phòng ngừa răn đe còn hết sức hạn chế.

Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy, việc hòa giải ở cơ sở là giải pháp góp phần phòng ngừa và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những hành vi bạo lực, tuy nhiên, ở 1 số nơi, tổ hòa giải chưa nắm rõ quy định pháp luật, trình tự hòa giải, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đặc biệt là sự thiếu sâu sát đối với những gia đình có hoàn cảnh phức tạp, mâu thuẫn giữa các thành viên, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột, xô xát.

Bà Nguyễn Thị Minh - thành viên CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc phường 3 - chỉ ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống bạo lực gia đình hiện nay
Bà Nguyễn Thị Minh - thành viên CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc phường 3 - chỉ ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống bạo lực gia đình hiện nay

“Ngoài ra, các vụ việc bạo lực gia đình xảy ra tại địa phương thường chưa xử lý triệt để, chính quyền chỉ vào cuộc với những vụ bạo lực gia đình có hậu quả nghiêm trọng khi nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân có đơn kêu cứu. Và trong công tác hòa giải, thường khuyên phụ nữ nhịn, chấp nhận thiệt thòi về mình mà không triệt để xử lý theo pháp luật người gây bạo lực gia đình”, bà Nguyễn Thị Minh – thành viên CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc khu phố 2, phường 3 – nhìn nhận.

Tại buổi tọa đàm, thành viên các CLB cũng đưa ra nhiều đề xuất để ngăn ngừa bạo lực gia đình, như nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc tư vấn, hòa giải; đẩy mạnh truyền thông xã hội qua các trang thông tin điện tử, báo mạng bên cạnh việc phát hành rộng rãi các sản phẩm truyền thông, đặc biệt là các tài liệu tuyên truyền cho cộng đồng. Đây được cho là một trong những đề xuất thực tế, phù hợp với thời buổi công nghệ hiện đại, khi mà hầu như tất cả mọi người để sử dụng mạng xã hội.

Bà Ngô Như Ngọc - Phó Chủ tịch Hội LHPN quận 4 - tuyên truyền 1 số điểm mới trong bộ luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 đến các đại biểu tham dự tọa đàm
Bà Ngô Như Ngọc - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 4 - tuyên truyền 1 số điểm mới trong bộ luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 đến các đại biểu tham dự tọa đàm

“Ngoài việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật, cán bộ hội cần phát huy vai trò của mình trong việc chia sẻ, nắm bắt, kết nối, làm sao để bản thân nạn nhân phải chủ động lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tham mưu để Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 thực hiện tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Loan – Trưởng ban Chính sách – Luật pháp Hội LHPN TPHCM phát biểu tại tọa đàm.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2009 cả nước có đến 53.206 vụ bạo lực gia đình nhưng đến năm 2021 chỉ còn 4.967 vụ. Thống kê cho thấy việc tuyên truyền phòng, chống bao lực gia đình đã và đang được thực hiện có hiệu quả.

Để đẩy lùi triệt để tình trạng bạo lực gia đình, Quốc hội đã ban hành bộ Luật phòng, chống bạo lực gia đình và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023 tới đây. Cụ thể, mức phạt hành chính đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình từ 1.000.000 đồng lên đến 20.000.000 đồng.

Với đối tượng có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì bị phát cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nhật Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI