Một Sài Gòn quen mà lạ trong "Hỗn kỳ đài"

22/07/2022 - 16:20

PNO - Nhà văn Tống Phước Bảo vừa trở lại với tập truyện ngắn Hỗn kỳ đài (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) - một quyển sách thể hiện những tìm tòi sáng tạo từ vô vàn ảnh hình, lát cắt đời sống tưởng quen mà lạ về Sài Gòn.

Trước Hỗn kỳ đài, Tống Phước Bảo từng ghi dấu ấn với giải Nhất cuộc thi tạp bút Sài Gòn - Thành phố tôi yêu. Tác giả chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn - trên mảnh đất gắn với bao ký ức thăng trầm, buồn vui. Sài Gòn đã cho tôi những cơ hội sống và trải nghiệm, còn tôi nợ Sài Gòn những ân tình. Khi lòng còn thao thiết, tôi còn viết. Song, chọn viết bất cứ điều gì về Sài Gòn, tôi cũng chắt lọc kỹ.

Đề tài Sài Gòn rất nhiều người đã viết. Tôi không muốn đem đến sự rập khuôn. Tôi muốn một Sài Gòn chân thật nhất. Tôi muốn mang hồn xứ, hương đất chốn này vào truyện, thô mộc, hồn hậu, như vốn dĩ Sài Gòn lê la phố xá mà đậm đà nghĩa nhân” - trích lời mở đầu sách.

Trong Hỗn kỳ đài, độc giả có thể bắt gặp nhiều chân dung cuộc sống: có khi là chánh dân thị thành; có khi là dân tứ chiếng quá giang một phần đời với nơi này; có khi là dân ngụ cư tìm về đây mưu sinh, để rồi gá luôn phận mình ở chốn phồn hoa đô hội. Sài Gòn nào chỉ có phố xá đông đúc, bon chen, náo nhiệt mà đâu đó vẫn còn những câu chuyện ấm áp len lỏi nơi các con hẻm, sâu trong các xóm nghèo… Các nhân vật từ những cuộc tương phùng vô tình giữa lao xao phố xá lại mang đến những câu chuyện đầy sắc màu. Cứ thế, tất cả được góp nhặt, chắp nối thành nguồn chất liệu dồi dào cho ngòi bút của một tác giả vốn chẳng ngại dấn thân. Thành ra, Sài Gòn còn bao chuyện để kể và được Tống Phước Bảo gửi gắm trong Hỗn kỳ đài

Với từng truyện ngắn, tác giả chọn cách đi sâu vào từng mảnh đời, thể hiện qua những câu chữ mộc mạc, dung dị. Đó là câu chuyện “sống bằng niềm tin, sự đoan chính” của Thuần và Quyên trong Cuộc gặp. Họ không còn là những kẻ đơn độc giữa phố thị xô bồ, lòng người đa đoan “vì con người ta luôn cần tin nhau mà sống”. Đó là niềm tin chiến thắng được âm thầm ấp ủ từ ý chí của con người nơi đảo muối Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) luôn phải “chạy như là để sống”.

Đó là câu chuyện về tấm Di bố phù được người Sài Gòn gìn giữ, trân quý cả một đời với tâm nguyện chân thành. Đó là sự tha thứ cuối cùng để mở ra kết cục “lòng người sáng nhất chính là lòng phải bằng an” của một người con gái Sài Gòn bị phụ tình trong truyện ngắn Hỗn kỳ đài. Cũng không thể bỏ qua thông điệp “chỉ có tình người mới đọng lại mãi trong lòng” được truyền tải xúc động qua các truyện ngắn ra đời từ những ngày giông bão COVID-19 quét qua Sài Gòn.

Bên cạnh nội dung nhiều cảm xúc, Hỗn kỳ đài còn mang văn phong đậm chất Nam bộ, giản dị, nhẹ nhàng cùng các thể nghiệm cốt truyện, lối hành văn mang sắc thái đặc trưng của một người gắn chặt phần lớn đời mình với miền đất phương Nam… Những yếu tố đó được tác giả trung thành chọn lựa, tìm tòi và chắt lọc từ các chất liệu điển hình, nhằm thể hiện thông điệp về tình đời, tình người: “Thiệt tình, Sài Gòn hổng có gì hết trơn! Chỉ có cái tình mà ôm người ta vào lòng, dung dưỡng trọn vẹn cuộc đời con người ta, trên mảnh đất này!”.

Chẳng thể nào ôm trọn Sài Gòn vào một cuốn sách, nhưng nếu hữu duyên, đến với tập truyện ngắn mang cái tên lạ lẫm Hỗn kỳ đài, người đọc sẽ tìm thấy những hình ảnh, lát cắt quen mà lạ về một Sài Gòn tưởng hời hợt, thực dụng, gấp gáp mà lại vô cùng nhân ái, bao dung và sâu sắc; để dù đi đâu, tim ta cũng khắc khoải hướng về miền đất ấy. 

Dự kiến toàn bộ lợi nhuận từ việc phát hành sách sẽ được đóng góp cho quỹ thiện nguyện Sài Gòn nghĩa tình do nhà văn Tống Phước Bảo và các bạn văn khởi xướng. 

Trần Duy Thành 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI