Một phước ân tinh khiết

26/10/2024 - 08:11

PNO - Tròn 10 năm Như Bình mới trở lại văn đàn bằng một ấn phẩm đầy cảm xúc. Hóa ra mớ ký ức của nhà văn, nhà báo Như Bình vô cùng gần gũi, như đâu đó trong quãng sống mà mỗi người chúng ta đều có được.

Từ câu chuyện người mẹ tảo tần, những câu chữ mở ra thật nhiều yêu thương. Bà mẹ luôn giữ gìn tấm lụa hồng để dành cho chính mình của những ngày heo may chờ ngày về với đất: “Tấm lụa thời bao cấp mẹ giữ đến mức mỗi lần lấy ra ngắm, sờ, vạt lụa thêm một lần bị nấm mốc, hoen ố. Mẹ xót đứt ruột nhưng vẫn không dám may, sợ lỡ sau này chết không có tiền mua một tấm áo liệm tử tế”.

Ký ức đau đáu nỗi niềm của những bà mẹ quê một đời dành hết mọi điều tốt đẹp cho con, chỉ chắt chiu những thứ cũ mòn cho ngày xế bóng. Câu chuyện mở đầu tập tản văn Thương những xa xôi (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của Như Bình cứ thế cuốn tôi vào dòng cảm xúc. Tôi tin, không chỉ mẹ chị mà bất kỳ bà mẹ nào trên đất nước này đều như thế, rút hết mật đời mình dành cho con.

Thương những xa xôi gồm hơn 20 bài viết góp nhặt mớ ký ức của quá nửa đời người. Đôi khi, Như Bình vẽ vời, tranh của chị lại được người ta mua vì yêu thích. Làng văn kháo nhau Như Bình giờ làm họa sĩ. Đằng đẵng thời gian chị im hơi lặng tiếng. Người ta tiếc Như Bình của thời Xác đào đẹp đau đớn hay Bùa yêu như một thứ ngải văn chương đầy mê đắm.

Nhưng, có lẽ đó là quãng lắng cần thiết của chị, sau một hành trình miệt mài với hàng loạt ấn phẩm định danh một Như Bình trên văn đàn như: Giông biển (1999), Dòng sông một bờ (2000), Đêm vô thường (2002), Bùa yêu (2015) cùng nhiều giải thưởng về nghề viết.

Ký ức như một cuốn phim quay chậm mà ở đó chúng ta được trở về với chính mình, trong nỗi niềm ấm áp. Từ chuyện mẹ cha đến những người trong gia đình, đi ra đến vườn nhà, mở thêm cánh cổng để ra làng và từ đó bước chân lại hướng về phố thị. Những trang viết của Như Bình trước tiên có lẽ là những lời tự sự về những vui buồn lẫn vấp ngã hay hạnh phúc mà người viết đã chiêm nghiệm sau bao lần nếm trải. Người viết vì tình mà viết. Người đọc vì tình mà thao thiết theo từng con chữ.

Cái hay của Như Bình là dù kể những câu chuyện rất đời thường nhưng bằng giọng văn thủ thỉ, bằng lối kể chân phương… mà những mảnh đời từ trang sách tự khắc khiến người đọc bồi hồi, thổn thức.

Tôi thích Nhớ khói của Như Bình, một tạp bút mà ở đó người con quê nhìn khói phố thị chợt thèm khói quê xứ. “Khói là thật mà như hư ảo” - câu ngắn nhưng ý dài. Miên man trong làn khói đó bao nhiêu ký ức cứ ẩn hiện đan cài, quyện lấy nhau như một sợi dây của 2 miền sống. Một miền hiện thực của khói phố với xã hội đang dần đi lên hiện đại hóa. Còn lại là miền xa xăm của khói quê với làng xóm mộc mạc vẫn giữ nếp xưa lề cũ. Người ta có thể sống với những ngọn khói phố ngày thường nhưng riêng ngày tết, ngọn khói đó lại khiến người ta khoắc khoải.

Thương những xa xôi còn nhiều lắm những câu chuyện dung dị như Những ô cửa mở ra vời vợi, Biển lạnh, Trong gió bụi, Những cái bóng bên hồ… Để rồi chính những gần gũi đó nhắc nhở người đọc quay về một thời mình đã sống, đã trải qua mà mấy khi thấu tận. Chỉ bây giờ, khi ngồi lại cùng câu chuyện, khi đọc nó trong tâm thế bình an tĩnh tại mới hay hóa ra cuộc đời còn có ký ức đó đã là một phước ân tinh khiết.

Tựa hồ như độc giả ngồi cạnh bên, nghe Như Bình thủ thỉ chuyện chị, chuyện đời nhưng hóa ra đó là chuyện mình. Trong riêng có chung, trong văn có người và trong ký ức có niềm thương tưởng. Trang sách lật qua rất nhẹ nhàng nhưng lòng người lại mênh mang quá đỗi.

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI