Một phụ nữ té mương, bùn sình lấp đầy hai phổi

05/08/2020 - 11:25

PNO - Khi người trong gia đình phát hiện và đưa lên khỏi mương nước, chị Th. đã bất tỉnh, người tím tái, miệng mũi có nhiều bùn đất.

Kết quả chụp X-quang cho thấy các vết mờ do bùn đất lấp đầy ở cả 2 lá phổi của chị Th.
Kết quả chụp X-quang cho thấy các vết mờ do bùn đất lấp đầy ở cả 2 lá phổi của chị Th.

Ngày 5/8, bác sĩ Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện này vừa cứu sống bệnh nhân N.T.D.Th. (sinh năm 1987, ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) bị ngạt nước, suy hô hấp, nước bùn sình lấp đầy hai phổi dẫn đến nguy kịch.

Người nhà bệnh nhân cho biết, chị Th. bị bệnh động kinh từ năm 4 tuổi, có uống thuốc điều trị ngoại trú thường xuyên. Vào cuối tháng 7, chị Th. lên cơn co giật rồi ngã xuống mương nước bẩn gần nhà. Khi người trong gia đình phát hiện và đưa lên khỏi mương nước, chị Th. đã bất tỉnh, người tím tái, miệng mũi có nhiều bùn đất.

Chị Th. được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, được xử trí đặt ống thở máy rồi tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Tại bệnh viện, chị rơi vào tình trạng hôn mê sâu, được can thiệp thở máy. Kết quả chụp X-quang cho thấy, chị có vết mờ lan tỏa ở cả 2 phổi, gãy xương sườn và được chẩn đoán viêm phổi hít, suy hô hấp cấp nguy kịch, hôn mê sau ngưng tim sau khi ngạt nước. Thời gian sau đó, chị Th. được chỉ định nội soi khí phế quản 3 lần với kết quả viêm cấp nặng phế quản 2 bên, ứ đọng nhiều đàm có lẫn bùn đen, đất sình.

Hiện chị Th. tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt và tự thở.

Các y bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi diễn tiến tình trạng sức khỏe của chị Th. sáng 5/8.
Các y bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi diễn tiến tình trạng sức khỏe của chị Th. vào sáng 5/8.

Bác sĩ Dương Thiện Phước  - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khuyến cáo: tỷ lệ tử vong do hậu quả của ngạt nước thường cao do không được cấp cứu kịp thời, hoặc cấp cứu chưa đúng cách.

Nguyên tắc cấp cứu cho nạn nhân đuối nước là tại chỗ, khẩn trương để giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Người dân không nên theo phương pháp dân gian như: dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy cho nước chảy ra. Đây là hành động hoàn toàn sai vì nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân.

Gia Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI