Một phụ nữ giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út kêu cứu vì bị bỏ đói, vắt kiệt sức

22/04/2017 - 13:41

PNO - “Hãy cứu lấy vợ tôi! Cô ấy bị ngược đãi, bị bắt làm quá giờ, bị sàm sỡ, ăn uống kham khổ, hiện đang suy kiệt cơ thể và chưa biết ngày nào được giải thoát trở về Việt Nam...

Đó là lời khẩn cầu của anh Nguyễn Văn Lắm, ngụ tại đường Huỳnh Tấn Phát, tổ 5, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.HCM, có vợ đang  giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út (Arab Saudi). 

Mot phu nu giup viec nha tai A Rap Xe Ut keu cuu vi bi bo doi, vat kiet suc
Hình ảnh chị Ngân tại Ả Rập Xê Út

Anh Lắm kể, sau khi ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt (P.Văn Quán, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội), được huấn luyện vài buổi tại trụ sở Công ty Du lịch quốc tế Tân Hoàng Minh (Q.Tân Bình, TP.HCM), ngày 28/12/2016, vợ anh là chị  Nguyễn Kim Ngưng (tên gọi khác là Ngân, SN 1981) rời Việt Nam đi Riyadh, Ả Rập Xê Út.

Đến Ả Rập Xê Út, chị Ngân được đưa đến văn phòng môi giới, đón về nhà chủ với hợp đồng đính kèm, trong đó ghi rõ: lương 1.500 SAR/tháng (khoảng trên 9 triệu đồng), làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ, mỗi ngày được nghỉ 9 giờ liên tục, ăn uống đủ dinh dưỡng hai bữa chính, ba bữa phụ, được sử dụng điện thoại hợp lý, được quyền liên lạc về gia đình và với đại sứ quán.

Hợp đồng là vậy, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Anh Lắm chua xót kể: “Ngân chăm sóc một bà cụ tâm thần, thường xuyên bị bà đánh, giằng tóc, phun nước bọt vào mặt. Ngân còn bị bố của chủ nhà sàm sỡ nhiều lần”.

Ngoài chăm sóc bà cụ, chị Ngân phải làm toàn bộ việc nhà của đại gia đình, tổng thời gian làm việc từ 20 - 22h mỗi ngày. Chị chỉ được ăn thức ăn thừa của bà cụ, bữa ăn thường là một miếng bánh bột, vài cọng rau, nửa chén nước sốt loãng. Trong hợp đồng ghi rõ chị được ăn hai bữa chính, ba bữa phụ nhưng chị thường xuyên được chỉ một bữa. 

“Vợ tôi bị giữ hộ chiếu và cấm dùng điện thoại. Mới đây, Ngân lén nhắn tin Zalo với tôi, kể về cuộc sống cực nhọc bên đó. Có lần, vợ tôi bị con của chủ nhà thấy cô ấy chụp hình đĩa thức ăn, liền giật điện thoại và đánh đập, bỏ đói hai ngày, đến khi vợ tôi liên tục ói mửa, chủ nhà mới vứt cho một miếng bánh bột” - anh Lắm kể.

Không những thế, bà cụ mà chị Ngân chăm được anh em trong đại gia đình ở các tỉnh thành khác nhau luân phiên nhận nuôi. Trong hai tháng, chị Ngân phải chuyển nhà tám - chín lần, ở đâu chị cũng phải làm việc quần quật. 

Theo anh Lắm, sau hai tháng làm việc kiệt sức, Ngân liên lạc với  Công ty Tân Hoàng Minh xin đổi chủ khác, và được hứa hẹn giải quyết. Thời gian đó, những người đi cùng nhóm với Ngân bị bóc lột và bạo hành đã cầu cứu các cơ quan chức năng và có hỏi ý Ngân để cùng về, nhưng Ngân muốn ở lại kiếm thêm chút tiền nên từ chối.

Đến tháng  thứ ba, không thể cầm cự lâu hơn, Ngân nói với chồng tìm cách làm việc với bên môi giới để được về nước. “Không nhận được sự trợ giúp của Công ty Tân Hoàng Minh, tôi và gia đình đã liên lạc thẳng với Công ty cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt gặp cô Vân, cô Thảo, anh Việt với yêu cầu hủy làm việc vì phía chủ nhà vi phạm hợp đồng nghiêm trọng. Ông Lê Hồng Việt, Tổng  giám đốc công ty này hứa sẽ đưa vợ tôi về trong hai tuần” - anh Lắm nói.

Anh Lắm cho hay, thời điểm đó, chị Ngân nhận được nhiều cuộc điện thoại tự xưng là đại diện đại sứ quán, đại diện công ty gọi đến, thuyết phục tiếp tục làm việc tại nhà này hoặc chuyển chủ mới, nhưng chị Ngân không đồng ý và khẳng định mong muốn được cứu thoát về Việt Nam. 

Phía Công ty Nam Việt cho rằng Ngân vẫn muốn ở lại làm chứ chưa muốn về, và hướng dẫn nếu muốn về thì phải viết đơn. Ngân đã nhắn tin cho chồng và anh Lắm đã viết đơn thay mặt vợ khẳng định nguyện vọng chấm dứt hợp đồng để về nước. Theo anh Lắm, khi biết anh viết đơn thay mặt vợ nêu nguyện vọng chấm dứt hợp đồng để về nước, nhân viên Công ty Nam Việt gợi ý gia đình anh phải nộp phạt hai tháng lương do đơn phương hủy hợp đồng. 

“Chị Vân - nhân viên công ty - cũng yêu cầu vợ tôi phải trả lại 10 triệu đồng đã nhận từ Công ty Tân Hoàng Minh. Theo hướng dẫn của Công ty Nam Việt, vợ tôi phải tự ngưng làm việc để được chủ nhà trả cho đơn vị môi giới. Những ngày này, Ngân bị la mắng và bỏ đói. Đáng lẽ đơn vị môi giới phải đứng ra công khai thông báo với chủ nhà về yêu cầu ngưng hợp đồng của vợ tôi thì họ lại để người lao động tự giải quyết một cách bất lợi như vậy” - anh Lắm bức xúc.

Sau ba tuần bị bỏ đói, sức khỏe suy kiệt, sáng 4/4/2017, chị Ngân được chủ nhà đưa ra sân bay Riyadh. Ở sân bay, gia đình anh Lắm liên tục liên hệ với Công ty Nam Việt để nắm tình hình nhưng không ai trả lời cụ thể. Tin nhắn cuối cùng mà anh Lắm nhận được từ vợ là vào lúc 11g16 tối 4/4 (giờ Việt Nam), báo tin Ngân đang được chủ nhà chở ra đơn vị môi giới, sau đó mất liên lạc hoàn toàn.

Tiếp đó, anh Lắm  ráo riết  liên lạc với Công ty Nam Việt để biết cụ thể thời gian Ngân về nước thì nhận được thông tin: Ngân phải ở lại để chờ chủ nhà ký visa mới được về. Chủ nhà chưa chịu ký visa vì công ty chưa đổi được người. Công ty cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt đã bị đình chỉ dịch vụ đưa người đi Ả Rập Xê Út nên phải tìm cách khác mới đưa được người đi thay chị Ngân. Phải mất 30 - 45 ngày Ngân mới về được, công ty sẽ cố gắng trong tháng Tư, nhưng không biết ngày cụ thể. 

Đến 11g đêm 10/4, tức sáu ngày sau khi đứt liên lạc, chị Ngân gọi về từ số điện thoại +966-5901000294 cho biết, đang bị chủ nhà giam giữ, đánh đập, bị nhốt trong phòng, bỏ đói ba ngày. Trong khi đó, liên hệ với Công ty Nam Việt, anh Lắm được trả lời: chị Ngân đang được đơn vị môi giới tiếp nhận. 

“Công ty hẹn 13h ngày 14/4sẽ báo gia đình biết cụ thể thông tin Ngân về nước, nhưng lại thất hẹn. Gia đình tôi tiếp tục mất liên lạc với Ngân, không biết cô ấy còn bị nhốt không, hay đã bị ép đi làm cho nhà khác? Tôi khẩn cầu các cơ quan chức năng  cứu vợ tôi sớm thoát khỏi cảnh bị hành hạ, đánh đập, nguy hại đến tính mạng” - anh Lắm vừa khóc, vừa nói.

Ngày 20/4, trả lời phóng viên báo Phụ Nữ, ông Lê Hồng Việt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt - cho hay, chị Ngân được công ty tuyển chọn đi làm giúp việc tại Ả Rập Xê Út. Sang bên đó, nhiều người lao động không hòa nhập được cuộc sống, điều kiện văn hóa khác biệt, muốn về nước. Theo quy định, ở nhà chủ này không hợp thì sẽ thay thế người khác, chị Ngân không chịu khó nên công ty muốn đổi chủ nhưng chị không muốn làm nữa.

“Hiện nay, sức khỏe chị Ngân vẫn bình thường, chị Ngân đang ở công ty môi giới. Công ty đã làm các thủ tục, đặt vé, và thông báo với gia đình, ngày  22/4/2017, chị Ngân sẽ về nước” - ông Việt khẳng định.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, cục đã nhận được phản ánh của gia đình chị Ngân.

Ngày 14/3, cục đã có công văn yêu cầu Công ty Nam Việt tạm dừng đưa lao động đi giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út vì qua kiểm tra, công ty có dấu hiệu không thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động (NLĐ) trước khi đi làm việc; không tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ ở nước ngoài.

Ngày 18/4, Công ty Nam Việt đã có báo cáo gửi cục cho biết, phía công ty sẽ trả tiền vé máy bay, lo chi phí và thủ tục để đưa NLĐ về nước. Về việc NLĐ phản ánh bị bạo hành, lạm dụng tình dục, công ty cho rằng, chị Ngân phản ánh không đúng sự thật. Cục đang giám sát việc công ty hứa ngày 22/4 sẽ đưa chị Ngân về nước. Bên cạnh đó, với những tố cáo của NLĐ bị bạo hành, lạm dụng tình dục… cục sẽ phối hợp cơ quan chức năng để làm rõ trách nhiệm của đơn vị đưa người đi xuất khẩu lao động.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI