|
Giếng Bá Lễ ở Hội An (Quảng Nam) |
Tôi ghé Hội An (Quảng Nam) rất nhiều lần. Khi con đường Võ Nguyên Giáp ở Đà Nẵng mở rộng, việc thuê một chiếc xe máy đi từ Đà Nẵng đến Hội An càng thuận lợi. Cứ đi hết đường đó, rẽ qua đường Hai Bà Trưng, tới giáp đường Phan Chu Trinh, gửi xe đi bộ, là gặp Hội An. Mỗi lần như thế, tôi đều ghé giếng cổ Bá Lễ. Ngay giữa đường, con hẻm nhỏ với những bức tường vàng và một số nhà hàng lấy tên “Giếng cổ Bá Lễ”, rẽ vào chừng 10m là gặp giếng. Đô thị cổ Hội An ngày nay được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX.
Đến Hội An, ngoài việc dạo phố, ngắm đèn lồng, thưởng thức các món ăn địa phương cũng là điều vô cùng thú vị với du khách. Và giếng cổ Hội An là một phần không thể thiếu trong lòng đô thị cổ này.
Giếng cổ Bá Lễ có nguồn nước rất độc đáo. Người Hội An dùng nguồn nước ở đây để chế biến 2 món ăn nổi tiếng là cao lầu hay chè xí mà (tên gọi khác là chè mè đen). Giếng Bá Lễ nằm ở phường Minh An, thành phố Hội An, nơi con hẻm ăn thông qua đường Phan Châu Trinh và Trần Hưng Đạo, miệng giếng có hình vuông. Theo dân gian, giếng được xây từ thế kỷ thứ X. Nhìn xuống giếng thấy đá xếp chồng vẫn còn vững chắc, rong rêu bám vào thành giếng tạo ra vẻ cổ kính. Nước giếng trong, có thể soi thấy mặt người.
|
Giếng Ngọc ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) |
Tôi thường có những cuộc hành trình kéo dài đến nhiều vùng đất nhưng không bao giờ ngưng thích thú dẫu đã đến và trở lại thăm những di tích lịch sử. Đến một khu di tích, lòng ta như trầm lắng hơn, để khi đi qua những thăng trầm vang bóng một thời ấy rồi trở về, bắt đầu những ngày khác, ta yêu đời hơn đồng thời biết quý trọng cái mà mình đang có và đang nhận được.
Trong những cuộc hành trình đến các di tích, những chiếc giếng cổ luôn thu hút sự chú ý của tôi. Giếng cổ gần như là một phần không thể thiếu ở những trầm mặc trăm năm kia. Có thể thấy rõ rằng nước là một phần quan trọng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân Việt từ ngàn xưa. Cho nên ở tất cả di tích, bên cạnh việc xây các đền đài, chùa chiền…, người xưa luôn tìm nơi gần nguồn nước như sông, suối và đào giếng. Giếng lúc đầu chủ yếu dùng trong sinh hoạt vào thời đó. Sau này, chúng trở thành điểm tham quan trong di tích hơn là chức năng cung cấp nguồn nước.
|
Giếng cổ làng Nôm (Hưng Yên) |
Ở làng Nôm (Hưng Yên) - một ngôi làng có lịch sử 600 năm với hồ nước hình chữ nhật giữa làng rất đẹp - có một giếng cổ. Theo đó, giếng này có từ thời lập làng, sau bị hư hại, được một người dân trong làng phục dựng. Giếng cổ làng Nôm trở thành điểm dừng chân của du khách khi ghé qua nơi này.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Con đường lên Đền Hùng là một vòng cung ôm trọn ngọn núi. Tại đây, ngoài đền Hạ, đền Trung, đền Thượng còn có giếng Ngọc. Giếng Ngọc nằm trong đền thờ cuối cùng của cuộc hành trình, nhìn ra một hồ sen. Giếng làm bằng đá xanh, được truyền tụng là nước giếng rất lành, uống vào rất tốt. Tuy nhiên, trước tình trạng rải tiền, ban quản lý đã phải làm một tấm lưới sắt chặn lại lưng chừng giếng để tránh những đồng tiền rải xuống gây ô nhiễm.
Câu chuyện giếng Ngọc gắn liền một huyền thoại. Vào đời Hùng Vương thứ 18, khi Vua Hùng cùng quần thần lên núi Nghĩa Lĩnh làm lễ tế đất trời thì các công chúa cùng theo. 2 nàng công chúa xinh đẹp là Tiên Dung và Ngọc Hoa đã đi dọc theo núi vui chơi. Trong lúc đi dạo, họ gặp một vũng nước trong, đã lấy nước uống thử, sau đó thường xuyên tới đây vui chơi. Đến thế kỷ XVI, từ truyền thuyết ấy mà giếng Ngọc được xây lên từ vũng nước ngọt.
|
Giếng Ngọc ở Đền Hùng (Phú Thọ) |
Một giếng khác ở lưng chừng núi tại Đền Hùng có tên gọi là giếng Rồng. Theo đó, tục truyền khi Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở trăm con, đã dùng nước giếng này tắm cho các con. Năm 2002, các nhà khoa học tiến hành khai quật giếng cổ, thấy trong lòng giếng những dấu tích các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
Chùa Bái Đính được xem là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á với rất nhiều kỷ lục mà ai đến Ninh Bình cũng đều tìm đến. Ở đây cũng có giếng Ngọc nằm ngay trung tâm chùa, như một hồ nước rộng. Giếng Ngọc ở chùa Bái Đính cũng gắn liền một huyền thoại cách đây 1.000 năm. Khởi đầu, giếng được xây tạm hình bán nguyệt, là nguồn nước trong để thiền sư Nguyễn Minh Không (khi đó trụ trì chùa Bái Đính cổ) lấy để sắc thuốc chữa bệnh. Giếng xây hình vuông với tổng diện tích 6.000m2, 4 góc xây 4 lầu bát giác, độ sâu lên tới 6m. Đây cũng là giếng cổ lớn nhất được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận kỷ lục.
|
Giếng cổ Lam Kinh (Thanh Hóa) |
Một giếng khác lại nằm trong vị trí cực kỳ thơ mộng ở thành Lam Kinh là giếng cổ Lam Kinh. Lam Kinh (còn gọi là Tây Kinh) thuộc địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hóa 52km về phía Tây Bắc. Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 30ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê.
Đến Lam Kinh, bạn sẽ bước qua chiếc cầu Tiên Loan dài chừng 50m và sau khi qua cầu, phía bên phải là giếng cổ Lam Kinh rất đẹp. Giếng hiện được một hàng rào cây xanh bao bọc. Đường kính của giếng 15m, thành giếng lót đá hoa cương. Giếng được đào vào thời điểm xây dựng Lam Kinh (sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428), vua Lê Thái Tổ lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất. Đồng thời, nhà vua cho xây dựng ở quê hương đất tổ một kinh thành gọi là Lam Kinh).
Ngày 22/10/1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án tổng thể về tu bổ, phục hồi, tôn tạo khu di tích lịch sử này và hoàn thành vào năm 2008.
Khi đến Tràng An cổ, bước ra hậu viên, bạn sẽ gặp giếng Rồng nằm dựa theo vách núi. Được gọi là giếng Rồng bởi mọi người cho rằng nguồn nước giếng là từ miệng một con rồng. Giếng Rồng được xây đá, miệng giếng theo thuyết âm dương, rộng chừng 2m. Đi tiếp lên độ cao chừng 10m theo các bậc cấp sẽ gặp giếng Giải Oan nằm trên cao, sau lưng vẫn là nắp theo kiểu âm dương, xây đá chắc chắn.
Giếng cổ Tràng An (giếng Rồng và giếng Giải Oan) đã có từ thế kỷ thứ X (năm 968 Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư - tức Tràng An, Ninh Bình bây giờ). Tuy nhiên, sau thời gian bị hư hại, mãi sau này, giếng mới được khôi phục tại vị trí cũ.
|
Giếng Giải Oan ở Tràng An cổ |
Tôi cũng đã đến nhiều nơi có giếng cổ. Là giếng cổ bằng đá ong trên Thiên Ấn Niêm Hà (Quảng Ngãi) với tường đá bao bọc. Là giếng nước ở Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) hay tại làng rau Trà Quế (Quảng Nam) vẫn có giếng cổ trăm năm soi bóng...
Khuê Việt Trường