Một Penang không của riêng ai

16/11/2017 - 08:57

PNO - “Tôi vẫn không biết bạn từ đâu đến, nhưng điều đó không quan trọng, bởi dù bạn sống ở đâu, bao nhiêu tuổi, bạn vẫn luôn có nhiều lựa chọn ở Penang bốn bề sông nước này".

Trên chuyến taxi đến Weld Quay - khu cầu cảng với những căn nhà gỗ trên sông nước nổi tiếng ở Malaysia, người tài xế tỏ ra thắc mắc khi thấy tôi đến đây từ khi mặt trời hãy còn ngái ngủ. Tôi có thể nói bởi vì tôi không muốn bỏ sót bất cứ khoảnh khắc nào ở Penang, nhưng tôi không chắc một người chưa từng tiếp xúc với mình sẽ tin vào điều đó.

Mot Penang khong cua rieng ai
Weld Quay - khu cầu cảng với những căn nhà gỗ nổi tiếng ở Malaysia.

Weld Quay, một nhóm cộng đồng nằm dọc theo cảng Penang, là nơi trú ngụ của những người Hoa nhập cư. Mỗi khu cầu cảng - tức một dãy những ngôi nhà sàn bằng gỗ lâu đời - được đặt tên theo các dòng họ lớn ở đây. Lúc trước, khu vực này có tổng cộng 8 khu cầu cảng, nhưng 2 trong số đó đã được tháo dỡ, nên giờ đây chỉ còn Lee Jetty, Lim Jetty, Tan Jetty, Yeoh Jetty, khu cầu tàu hỗn hợp và Chap Seo Keo.

Phần lớn người Hoa sống ở đây là những người di cư từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) vào năm 1882. Những ngôi nhà sàn nhanh chóng mọc lên dọc theo bến cảng. Để dễ dàng cho việc di chuyển trên sông nước, người dân đã sáng tạo một lối đi lát ván kết nối những ngôi nhà với nhau. Một điều thú vị là các hộ gia đình ở Weld Quay hầu như không phải trả một đồng thuế nào cho chính phủ, bởi một lý do rất đơn giản: nhà của họ không được xây dựng trên đất liền.

Ngày nay, các khu cầu cảng tạo thành con đường di sản Penang cùng các cửa hiệu nổi tiếng ở Georgetown, thu hút một lượng lớn khách du lịch mỗi năm. Những cây cầu cảng yên tĩnh một thời nay đã đông vui và náo nhiệt với hàng loạt cửa hàng lưu niệm cùng đủ thứ ngôn ngữ của khách du lịch từ tứ xứ đổ về. Đặc biệt, nơi này càng nổi tiếng hơn kể từ năm 2012, khi Ernest Zacharevic - một trong những nghệ sĩ đường phố nổi tiếng của Lithuania - đã múa bút thành những bức họa ngộ nghĩnh trên bức vách của những ngôi nhà nổi.

Như bao thành phố khác, đằng sau những góc đường, bên dưới những mái nhà, đều ẩn giấu những câu chuyện đang chờ được khám phá. Đôi lúc chúng ở đâu đó trên đường, rất dễ nhìn thấy, nhưng có khi ta cũng phải sục sạo tìm kiếm, như câu chuyện của Siti - một phụ nữ Hồi giáo mang chiếc hijab (khăn đội đầu) màu đỏ tía mà tôi đã gặp trong chuyến đi.

Siti làm việc trong một gallery nghệ thuật nhỏ ở Chew Jetty. Hai năm trước, Siti quyết định rời khỏi Kuala Lumpur hoa lệ để đến Penang khi nhận ra cuộc sống của cô tại thủ đô không hề có động lực hay một định hướng nào rõ ràng.

“Nghỉ hưu dường như không phải là một khái niệm dành cho những người sống ở Kuala Lumpur. Một thành phố xô bồ, ai cũng bận rộn, cô đơn và trống trải. Tôi ghét điều đó. Tôi luôn muốn về sống ở Penang sau khi nghỉ hưu, sự thanh tịnh của miền quê là thứ tôi luôn tìm kiếm...” - Siti trải lòng.

Cô gái này đã quyết định bán hết mọi thứ không chút do dự, từ căn hộ đến xe ô tô, và nhận công việc trông nom gallery nho nhỏ này thông qua một người bạn. Siti nói “không hối tiếc” một cách nhẹ bẫng, với ánh mắt lấp lánh và nụ cười hạnh phúc không giấu giếm, trong lúc bàn tay vẫn thoăn thoắt bày biện, lau chùi tỉ mỉ từng sản phẩm trong gallery, nơi cô đã tìm và đã thấy lại chính mình.

Trời dần về chiều, chợt nhớ có cái hẹn với hoàng hôn, tôi vội vã tạm biệt Siti. Cô gái đưa tôi ra cửa và nói vừa đủ để tôi nghe thấy: “Tôi vẫn không biết bạn từ đâu đến, nhưng điều đó không quan trọng, bởi dù bạn sống ở đâu, bao nhiêu tuổi, bạn vẫn luôn có nhiều lựa chọn ở Penang bốn bề sông nước này. Tuổi tác chỉ là một con số. Nếu bạn muốn làm việc, Penang sẽ luôn tạo cho bạn thật nhiều cơ hội”. 

 Hạnh Di 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI