Một ông Tây ruồng rẫy nhân tình, chối bỏ quyền làm cha

23/07/2018 - 12:00

PNO - Nhiều lần chị Yến đến nhà thuê của ông K.T. để tìm tiếng nói chung trong việc xác nhận cha cho con, nhưng ông lẩn trốn, không hợp tác.

Trong căn nhà ọp ẹp ở Q.3, TP.HCM, giữa tiếng ho sù sụ của người già, tiếng trẻ quấy khóc đòi sữa, chị Kim Yến (*) không ngơi tay, vừa buôn bán lặt vặt vừa nấu nướng, săn sóc những người thân đang nằm bệnh.

Chị đã bị HIV từ chính người đàn ông mà chị yêu thương. May mắn, đứa bé ra đời vẫn khỏe mạnh, lành lặn, nhưng ông bố nhất quyết không nhìn nhận. 

Mot ong Tay ruong ray nhan tinh, choi bo quyen lam cha
Chị Yến quyết đòi cho con quyền “được có cha”

Bốn năm trước, chị Yến lên mạng, vô tình nói chuyện, làm quen với K.T., người đàn ông người Áo. Do làm nghề nghiên cứu văn hóa, viết lách nên ông có cơ hội đi nhiều nước trên thế giới.

Ngay ngày đầu quen biết, ông đã chủ động hẹn gặp và hai người chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Chị Yến được biết ông đã ly hôn, không sống cùng con, nơi xứ lạ quê người, ông rất cô đơn.

Tình cảm nảy sinh theo năm tháng, chị Yến thường xuyên đến nhà thuê của ông để nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc ông. Thời gian ông làm việc tại Việt Nam hoặc khi về nước, hai người vẫn liên lạc qua điện thoại, email.

Một ngày, chị Yến ra sân bay Tân Sơn Nhất đón ông về nhà trọ sau chuyến về nước khá lâu. Khi chị Yến báo mình mang thai, ông K.T. bảo chị phải chứng minh thai nhi chính là con của ông.

Chị cam đoan là con của ông vì chị không hề có quan hệ tình cảm với bất kỳ ai và bảo ông đợi chị sinh xong sẽ có câu trả lời chính xác. Đến đợt khám thai có chỉ định xét nghiệm máu, đất trời như sụp đổ khi nhân viên y tế cho biết chị đã bị nhiễm HIV và tiếp sau đó khởi phát chứng bệnh da liễu do lây nhiễm qua đường tình dục.

Sốc, đau đớn, chị tìm gặp ông K.T. hỏi lý do ông biết mình có bệnh mà vẫn gieo rắc cho chị, ông phủ nhận tất cả và tìm cách lẩn tránh. 

Mot ong Tay ruong ray nhan tinh, choi bo quyen lam cha
Người đàn ông Áo luôn tìm cách lẩn tránh việc nhìn nhận con

Đủ ngày tháng, chị một mình vượt cạn trong tình cảnh thiếu thốn và tâm trạng bẽ bàng, chua xót. Chị che giấu người thân về tình trạng sức khỏe của mình. May mắn được phát hiện HIV ở đầu thai kỳ nên tiếp cận thuốc phòng tránh lây truyền từ mẹ sang con, đứa bé ra đời khỏe mạnh, lanh lợi, nước da trắng, mũi cao, tóc xoăn...

Không như những bé khác vừa chào đời được cha ôm ấp, cưng yêu, con của chị chỉ biết hơi ấm vòng tay mẹ. Hằng đêm, chị ôm đứa con mang họ mẹ mà khóc tủi. 

Sau khi bé ra đời, ông K.T. có liên hệ lại chị Yến nhưng chỉ đề cập vấn đề nhà thuê và cương quyết không nhìn mặt con dù chị Yến phân giải hết lời. “Tôi yêu cầu ông làm thủ tục đăng ký họ tên cha cho con, ông bảo không tin đó là con ông.

Tôi đề nghị ông đi giám định ADN và sẵn sàng chấp nhận thanh toán chi phí, ông nói không tin tưởng vào kết quả giám định ở Việt Nam. Ông còn bảo tôi hãy tìm một người cha cho con tôi đi.

Khi ấy, tôi cả tin, yêu vội nên rước họa vào thân, nhưng còn đứa bé có tội tình gì mà phải chịu thiệt thòi. Sau này tìm hiểu tôi mới biết, ông gieo rắc HIV cho biết bao cô gái ở những quốc gia mà ông đến công tác và “rải” con từ châu lục này đến châu lục khác.

Sao ông có thể vô tâm, chối bỏ núm ruột của mình? Làm sao tôi có thể giành cho con thơ quyền lợi chính đáng của nó, ít nhất là một cái tên cha để nó ngẩng mặt với đời?” - chị Yến quay mặt, nghẹn lời. 

Nhiều lần chị Yến đến nhà thuê của ông K.T. để tìm tiếng nói chung trong việc xác nhận cha cho con nhưng ông lẩn trốn, không hợp tác. Hàng xóm cho biết ông chưa về nước, sống cùng nhà trọ với ông còn có một cô gái người Việt đang… mang bầu.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Khởi kiện xác định cha cho con

Hội chứng HIV/AIDS lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Nếu chị Kim Yến cho rằng, người đàn ông người Áo biết mình bị HIV mà vẫn cố ý quan hệ tình dục không phòng bị với chị thì chị có thể nộp đơn khởi kiện ông về tội lây truyền HIV cho người khác theo điều 148 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về xác định cha, mẹ: “1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. 2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định”. 

Trường hợp người đàn ông không thừa nhận đứa bé là con, người mẹ cần làm đơn khởi kiện xác định cha cho con gửi tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp huyện (hoặc tòa án nhân dân cấp tỉnh nếu có yếu tố nước ngoài) nơi cư trú của người đang có tranh chấp với người đăng ký nhận cha cho con. Cụ thể trong trường hợp này, chị Yến nộp đơn cho Tòa án nhân dân TP.HCM. 

Chứng cứ là thư từ, email qua lại trong suốt thời gian hai người quen nhau. Một trong những căn cứ để tòa phán quyết là kết quả giám định. Khi người mẹ yêu cầu tòa lấy mẫu thử của người đàn ông đó để xét nghiệm ADN, mà người đàn ông đó khi nhận được quyết định trưng cầu giám định không hợp tác sẽ có hình thức cưỡng chế nhất định do theo khoản 2 điều 90 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định: “Người giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định phải tiến hành giám định theo quy định của pháp luật”. Đây là quy định bắt buộc đối với người giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định.

Luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI