Một nước Mỹ “tương phản trần trụi” trong Lễ Tạ ơn

26/11/2020 - 19:55

PNO - Lễ Tạ ơn – theo truyền thống là ngày mừng thu hoạch được mùa và tạ ơn Thiên Chúa đã giúp cho cuộc sống no đủ và an lành, đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức của tất cả người lao động tại Mỹ - năm nay rơi vào ngày 26/11.

Bên bàn ăn ngày lễ, các gia đình quây quần bày tỏ lòng biết ơn Thượng đế đã cho các thành viên sức khỏe và thức ăn, họ cũng biết ơn vì gia đình đã có nhau trong những ngày đất nước trải qua cuộc chiến lâu dài và khốc liệt chống COVID-19, khi tình trạng thất nghiệp, thiếu ăn tràn lan và bệnh dịch, chết chóc không được kiểm soát đang đè nặng lên tâm tư mỗi người.

Nước Mỹ bước vào Lễ Tạ ơn nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ gần đây - Ảnh: CNN
Nước Mỹ bước vào Lễ Tạ ơn nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ gần đây - Ảnh: CNN

Tổ chức phi lợi nhuận Feeding America (Nuôi dưỡng người Mỹ) ước tính rằng đến cuối năm nay, hơn 50 triệu hộ gia đình Mỹ có thể bị mất an ninh lương thực - tức là thiếu khả năng tiếp cận ổn định với thực phẩm lành mạnh. Theo đó, cứ 6 người Mỹ thì có một người và 4 trẻ em Mỹ thì có một đứa trẻ – tổng số khoảng 17 triệu trẻ em – thuộc  diện “mất an ninh lương thực”.

Trong khi đó, một bài báo trên tờ Washington Post dẫn lời các chuyên gia cho biết: “Có nhiều khả năng tình trạng đói ăn ở nước Mỹ ngày nay nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1998, khi Cục Điều tra Dân số bắt đầu thu thập dữ liệu so sánh về khả năng có đủ lương thực của các hộ gia đình".

Người Mỹ chứng kiến những hàng dài trước các ngân hàng thực phẩm. Các quan chức học đường khắp đất nước đang cố gắng cân bằng giữa nguy cơ đối với sức khỏe học sinh khi trường học tiếp tục mở cửa với thực tế là hàng triệu trẻ em trông đợi vào các bữa ăn ở căng-tin trường, khi rất khó có bữa ăn như vậy ở nhà.

Theo kênh truyền hình CNN, khi trẻ em ăn không đủ, các em phải đối mặt với hàng loạt bệnh tật. Chức năng nhận thức của các em bị suy giảm, nhiều em có thể bị hen suyễn và thiếu máu. Và tất nhiên, những đứa trẻ này (cũng như cha mẹ các em) dễ bị tổn thương hơn trước COVID-19.

Ngày Lễ Tạ ơn, nhiều người Mỹ bày tỏ lòng biết ơn vì đã tránh được căn bệnh này trong năm nay. Nhưng nhiều người khác đã phải vật lộn với bệnh tật - do cơ thể họ nhiễm virus hay mất đi người thân vì COVID-19. Đến nay, 268.221 người Mỹ đã chết vì đại dịch, một con số mà theo nhiều chuyên gia, “có thể đã được ngăn chặn nếu chính phủ xem xét mối đe dọa nghiêm túc hơn và bắt tay vào hành động khi cần thiết”.

Sum họp gia đình trong Lễ Tạ ơn? Nhiều gia đình ở Mỹ năm nay “sum họp” thông qua phần mềm video trực tuyến Zoom. Mọi người đều hiểu rằng, đi du lịch và tụ tập khi đại dịch còn nằm ngoài tầm kiểm soát là quá rủi ro. Có người châm biếm, không biết đây có phải là kiểu "vĩ đại" của người Mỹ mà Tổng thống Trump đã hứa? Một nước Mỹ thiếu ăn, bệnh tật và bị cô lập?

Đây là thời gian người Mỹ đã nhận được hỗ trợ họ cần để vượt qua đại dịch. Và tình trạng thiếu ăn của người Mỹ không bắt đầu với COVID-19. Trước đại dịch, hàng chục triệu gia đình đã sống hết sức bấp bênh, họ biết rằng mất việc hoặc bệnh tật có thể đẩy họ xuống bờ vực.

Đó không chỉ là dấu hiệu của một xã hội theo chủ nghĩa cá nhân tàn nhẫn; nó hoàn toàn không cần thiết ở một nơi cực kỳ thịnh vượng như nước Mỹ. Đại dịch không tạo ra đau khổ cho người Mỹ, nhưng nó đẩy hàng triệu gia đình cùng một lúc đến bờ vực. Và chính phủ Mỹ đang thiếu hành động.

Người dân Mỹ có thể làm được những việc nhỏ: Quyên góp cho ngân hàng thực phẩm địa phương hoặc quyên góp tiền bạc nếu có thể, họ cũng có thể ngồi nhà, không tụ tập bên ngoài với người khác để tránh lây lan virus. Nhưng những nỗ lực đó không thể một mình nó giải quyết được tai họa. Để làm được điều đó, cần có sự lãnh đạo chính trị thực sự và các chính sách đảm bảo mọi người ở Mỹ có đủ ăn, có mái nhà và khả năng nhận được sự chăm sóc y tế mà họ cần mà không phải đối mặt với nguy cơ tài chính.

Trang CNN đăng lại những gì người Mỹ mong muốn trong lễ tạ ơn đặc biệt năm nay: “Chúng ta cần đảm bảo rằng các doanh nghiệp nhỏ có thể sống sót qua mùa đông khắc nghiệt sắp tới, mà các doanh nghiệp đó - như quán bar và nhà hàng - có thể tạm thời đóng cửa để hạn chế sự lây lan của virus trong khi vẫn phải trả tiền thuê nhà và trả lương cho nhân viên của mình. Trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta cần những nhà lãnh đạo làm việc siêng năng để đảm bảo rằng đại dịch được kiểm soát trong khả năng tốt nhất, và hậu quả của nó - chi phí chăm sóc sức khỏe, mất việc làm - sẽ bị loại bỏ bởi những khoản hỗ trợ hào phóng”.

Hoàng Diệu (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI