KHI KIỀU DIỄM, LÚC OAI PHONG
Kiều diễm hay oai phong là để mô tả người phụ nữ lúc ở trong gia đình và khi làm lớn ngoài xã hội. Hỏi rằng ở mỗi nơi, người phụ nữ ấy nên hành xử như thế nào thì phải có một nền tảng nếu muốn trả lời. Có một sự thật là dẫu ở trong nhà hay ngoài xã hội thì nàng cũng giống như con cá vàng, khi nó ở trong cái hồ kính, hay lúc ở cái bể nước có hòn non bộ. Ở nơi nào nó cũng là… con cá! Người phụ nữ mà ta nói ở đây cũng vậy, có khác chăng là khung cảnh sinh hoạt thay đổi. Nếu ở bể lớn, con cá vàng không thể cắn nhau với con cá trê, thì người phụ nữ cũng không thể đanh đá cá cầy khi làm lớn được!
Bản chất của người phụ nữ
Vậy ta sẽ xác định bản chất của người phụ nữ trước khi trả lời câu hỏi nêu ở trên. Phụ nữ ở đây được giới hạn vào các bà đã có gia đình và là đa số phổ biến. Họ có một thiên chức: làm vợ và làm mẹ. Ở trong nhà hay ở ngoài xã hội thì chính người phụ nữ cũng không quên thiên chức này; nhưng ở mỗi nơi, mỗi cái sẽ gia giảm. Vậy ta sẽ lấy thiên chức của người phụ nữ làm nền tảng để bàn về sự ứng xử của họ khi ở ngoài xã hội và có quyền cao; hoặc khi ở nhà với chồng con. Và dẫu ở hoàn cảnh nào, điểm yếu của phụ nữ - như là một người vợ - cũng là họ cần sự chăm sóc của chồng.
Khi được chồng chăm sóc, họ sẽ chiều chuộng lại. Đó là sự có đi có lại trời phú và có tính nhân bản. Mọi người có thể nhớ lại cảm giác này lúc mới yêu nhau. Nhờ sự “chăm sóc - chiều chuộng” này đôi vợ chồng có hiện tại. Đối với họ, con cái là tương lai. Khi đôi vợ chồng ly hôn thì họ quên tương lai mà chỉ nhớ đến hiện tại!
Sự chăm sóc mà người vợ muốn thường được thể hiện bằng những cách khác nhau. Nó là một chỗ tựa về mặt tâm lý để có sự yên tâm khi phải đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Các bà hay nói “cao hơn một cái đầu” có vẻ là cho sự mong muốn này. Nó có thể là một sự chung tay lo toan cho cuộc sống của gia đình hay là sự chia nhau để làm một công việc nào đó. Riêng đối với nhiều bà nắm giữ chức vụ cao trong xã hội thì họ không cần sự chăm sóc như thế, vì họ đã có thừa, hay có thể thuê người làm; nhưng họ cần sự thấu hiểu của người chồng đối với công việc của họ, con người của họ và chia sẻ với họ. Họ cần sự thấu hiểu. Họ ngại nói ra nhưng rất mong. Niềm mong mỏi đó sẽ trở thành khắc khoải khi họ không nói cho chồng được vì tự ái.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích cùng gia đình
Hành xử khi ở ngoài xã hội và lúc về nhà
Khi muốn được chồng chăm sóc, thấu hiểu thì trong công việc của một người có địa vị cao, người phụ nữ phải ứng xử với người khác làm sao để ông chồng không bị liên tưởng đến; nghĩa là trông việc làm của bà, người ta không nghĩ đến ông chồng. Muốn vậy, người ấy cần phân biệt quyền hành và thái độ sử dụng quyền hành. Bà ta không nên cư xử với người khác, nhất là người dưới quyền, nam hay nữ, theo một cách mà người thứ ba nhìn vào và thấy “gớm, bà ấy cao tay, bà ấy dữ dằn ghê, ông chồng ở nhà chắc lép vế”. Đó là sự nhận xét về thái độ hành xử quyền lực. Thái độ là cái vẻ, cái nét của mình hiện ra khi ta làm một việc gì đó. Là sếp lớn, người phụ nữ thực thi quyền hành của mình theo các quy định của tổ chức. Bà có quyền làm việc ấy, nhưng thái độ bày tỏ lúc sử dụng quyền hành sẽ bị xem xét. Điều này đơn giản như khi thấy một cây hoa hồng tươi hay héo người ta nghĩ đến đất. Vậy thì bà sếp có quyền gọi nhân viên vi phạm kỷ luật lên, giảng giải và ký quyết định sa thải. Thế nhưng khi làm, bà ta không cần đập bàn, mắng mỏ nhân viên, dẫu rất tức giận. Đó là thái độ khi hành xử quyền hành. Bà ấy là một bông hồng xinh tươi (thái độ) dẫu có gai sắc (quyền hành). Dịu dàng là tính chất của người phụ nữ. Bày tỏ nó ra trong thái độ của mình khi sử dụng quyền hành là điều người phụ nữ có quyền lực cao trong xã hội nên làm. Vì nó không làm cho người thứ ba liên tưởng đến chồng bà, khiến ông chồng không phải bận tâm với ý nghĩ rằng mình bị coi là lép vế. Khi ấy họ sẽ quan tâm đến vợ. Một khi ông chồng hãnh diện về một nửa của thân xác mình thì ông ta sẽ chăm sóc vợ ngay! Em muốn anh thấu hiểu em ư? Ừ, em là nàng tiên của anh!
Lúc ở nhà với chồng con, tôi xin mách cho các bà rằng: đàn ông khi mới lấy vợ thì thích vợ xinh xắn, nhưng lúc đã ở với nhau lâu thì mong vợ hiền dịu. Người vợ hiền dịu, chứ không phải đẹp, sẽ cho người chồng tận hưởng hạnh phúc. Khi được hưởng sự hiền dịu, đàn ông sẽ nhắm mắt! Vậy điều mà người con gái làm ngay từ nụ hôn đầu thì đàn ông phải qua hàng trăm cái hôn mới nhắm mắt theo… phản xạ! Người ta đã nhắm mắt thì cái đẹp của các bà thành vô nghĩa! Sự hiền dịu, sự độ lượng tạo nên hạnh phúc. Sách vở cũng đã chỉ cách để các bà trở nên hiền dịu. Tôi xin dịch ra để không bị mắng là chỉ bênh các ông. Ấy là: không bao giờ cả hai người cùng tức giận; không bao giờ la hét với nhau, trừ khi nhà cháy; nếu một người mà bạn cần thắng họ khi tranh luận, hãy để họ thành bạn mình; nếu phải chỉ trích, nói một cách êm dịu; quên cả thế giới chứ đừng quên nhau; đừng bao giờ moi móc lỗi từ quá khứ; không bao giờ đi ngủ mà còn hậm hực vì một điều tranh cãi; ít nhất mỗi ngày một lần nói một câu khen ngợi bạn đời của mình; khi đã làm điều gì sai, hãy sẵn sàng nhận lỗi và xin tha thứ; khi có hai người cãi nhau, ai ở bên sai thường hay nói nhiều. Còn khi làm mẹ ư, bản năng người phụ nữ sẽ hướng dẫn họ làm. Trừ khi là… mẹ mìn!
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào
XÃ HỘI CẦN HỌ
Người phụ nữ ngày xưa thường gắn với việc bếp núc, là “cái bóng” bên chồng và vai trò của họ chỉ là làm mẹ, làm vợ. Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, họ đã dần bước ra khỏi chỗ đứng của mình để khẳng định năng lực, trở thành một lực lượng không thể thiếu. Ngoài việc có mặt trong tất cả các công việc, lĩnh vực, họ còn “soán ngôi” nắm giữ nhiều vị trí quan trọng. Phụ nữ ngày nay đều phấn đấu có một công việc ổn định và tìm kiếm các cơ hội học tập nâng cao trình độ, biết thụ hưởng cuộc sống. Tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều nữ đồng nghiệp giỏi thu vén chuyện gia đình để phát triển, học này học kia để nâng cao trình độ chuyên môn không thua kém ai.
Xã hội nói chung, đàn ông chúng tôi nói riêng, rất cần phụ nữ cùng gánh vác công việc và thực tế chứng minh họ đã đảm đương, hoàn thành tốt. Đó là nhờ ngoài sự cầu tiến, muốn khẳng định bản thân, người phụ nữ còn có đặc quyền phù hợp với đòi hỏi của công việc, của sự phát triển xã hội hơn nam giới: “Quyền lực mềm” của họ là sự mềm mỏng, tỉ mẩn, chu đáo, ân cần, khéo léo và kiên định… trong giải quyết vấn đề. Đơn cử, trong ngành y có nhiều vị trí, công việc gần như chỉ dành riêng cho người phụ nữ như y tá, điều dưỡng, hộ lý, tư vấn viên… Đã có rất nhiều trường hợp phát sinh mà đối với chúng tôi là “khó đỡ” nhưng với phụ nữ lại rất dễ dàng. Trong quá trình làm việc, chúng tôi thường gặp tình huống bệnh nhân bực tức hay người nhà sốt ruột, thậm chí mang cả những bực bội từ đâu vào bệnh viện trút cho bác sĩ thông qua sự khó chịu, có cử chỉ, lời nói khó nghe, muốn “gây sự” với chúng tôi. Khi ấy, là nam giới, dù chưa biết đúng sai thế nào, chúng tôi cũng dễ dàng nổi nóng đáp trả hoặc xử lý lúng túng. Nhưng, với sự xuất hiện của đồng nghiệp nữ bằng “quyền lực mềm” đặc trưng, thái độ mềm mỏng, ăn nói nhỏ nhẹ khiến mọi chuyện được giải quyết êm. Hoặc trong cơn đau, nghe một giọng nói ngọt của y tá, bệnh nhân cũng thấy nguôi đi rất nhiều. Có khi, bệnh nhân vì bệnh lý của mình mà ái ngại với bác sĩ nam, chúng tôi phải viện đến đồng nghiệp nữ hoặc tư vấn viên tham gia xử lý tình huống… Đối xử với đồng nghiệp cũng vậy, phụ nữ biết thể hiện sự tự tin, bản lĩnh, cởi mở, thân thiện nhưng rất khiêm nhường, nhã nhặn… và giành được sự yêu mến.
Tuy nhiên, việc người nữ bước ra xã hội “sánh vai” nam giới cũng có những nhược điểm nhất định. Có khi đó là sự mềm lòng, cả nể với đồng nghiệp, với cấp trên nhưng quan trọng nhất vẫn là: chịu áp lực của vai trò gia đình. Thu vén chuyện nhà cửa, chuyện chồng con đôi lúc khiến họ gần như kiệt sức nên với nhiều công việc, họ vẫn không thể đảm trách như nam giới. Ví dụ chuyện trực gác ban đêm, đi công tác thường xuyên dễ lấy mất của họ sức khỏe và thời gian dành cho gia đình. Giả sử nếu có sự chọn lựa, phụ nữ vẫn ưu tiên cho gia đình nhiều hơn… Song, chính điều đó lại càng khẳng định sự giỏi giang của phụ nữ, khiến chúng tôi nể phục, kính trọng, ngưỡng mộ vì cho dù hoàn cảnh nào, đòi hỏi nào, họ vẫn chu toàn và đặt trọng vai trò, trách nhiệm của người vợ, người mẹ mà xã hội nào cũng cần đến, đòi hỏi phải có.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM)
Thạc sĩ Hoàng Kim Chiến
NỘI TƯỚNG NGÀY NAY
Tôi hỏi mấy chị em làm cùng cơ quan nghĩ thế nào về vai trò của “nội tướng” ngày nay, người thứ nhất là thạc sĩ luật nói, phụ nữ có thể ở hậu trường nuôi dạy con cái thành tài mà không nhất thiết phải lộ diện ra ngoài mới là hiện đại; người thứ hai là cử nhân ngữ văn nói lo xong mọi thứ ở nhà rồi thì đi làm thấy yên tâm và hiệu quả công việc cao; người thứ ba là một bà chị từng học ở Tiệp Khắc (cũ) thì bảo nhiều món chị làm rất cầu kỳ, mong “lão” khen mình một tiếng mà “lão” chẳng khen cứ ngồi chén tì tì, “tức không chịu được”. Con của chị ấy bảo, ba ăn nhiều thế là khen mẹ rồi còn gì nữa. Mọi người hỏi tôi thế ý anh thế nào?
Phụ nữ cũng là… phái mạnh!
Theo cách nhìn của tôi thì phụ nữ nói chung và “nội tướng” nói riêng thiệt thòi trăm bề. Đàn ông không mạnh mẽ như nhiều người tưởng mà yếu đuối lắm. Yếu nhưng lại được cho khoác áo của kẻ mạnh, thế là nội ngoại bất nhất nên dễ sinh tâm lý tự kỷ tiêu cực, có khi ra ngoài làm ăn thất bại hoặc thua kém bạn bè là về nhà lại đổ hết lên đầu “nội tướng” mà không dám thừa nhận sự kém cỏi của mình. Đương nhiên cũng có những người đàn ông xuất sắc, cơ mưu, nhưng số này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và trong thành công của họ hiển nhiên không thể thiếu dấu ấn bàn tay của “nội tướng”. Để giữ lửa cho tổ ấm của mình cần phải có sự hợp tác từ cả hai phía, tôi đồng tình nhưng cho rằng như thế là mới chỉ đúng một phần, bởi trong sự hợp tác thì người yếu không thể giữ lửa mà phải là người mạnh, để người yếu giữ lửa thì cháy nhà như bỡn. Trường hợp “nhà cháy” thì ai cũng thiệt hại, nhưng tổn thất “nội tướng” phải gánh chịu nặng nề hơn rất nhiều, có thể là con cái, tài sản vật chất và cả tuổi thanh xuân của mình.
Chìa khóa giữ lửa
Vậy thì chìa khóa để giữ hạnh phúc, mà cụ thể là giữ chồng, giữ tổ ấm bé nhỏ của mình trước mọi chữ ngờ đầy bất an rình rập nằm ở đâu? Cái chìa khóa ấy không thuộc về đàn ông mà ở đâu đó trong nụ cười của “nội tướng”. Để nụ cười nở được trên môi “nội tướng” khi người đàn ông của mình đang thất bại trong sự nghiệp, đang không kiếm được tiền, đang “say nắng” hoặc về nhà trong tình trạng say khướt, đòi hỏi này thực sự khó khăn và thậm chí là nhẫn tâm và vô lý. Mặc định “nội tướng” là phái mạnh thì mọi vướng mắc trong việc giữ lửa ổn cả. Tâm lý nhún nhường chỉ đến từ người mạnh là “nội tướng”, với sự yêu thương, đồng cảm và chia sẻ với kẻ yếu là chồng mình. Tất nhiên, đôi khi “nội tướng” cũng cần “nổi loạn” để răn đe. Nổi loạn để răn đe trong tình yêu thương cũng là một chút hương vị cho bếp lửa gia đình thêm nồng đượm.
Đừng nên “vào bếp” quá nhiều
Câu “xấu chàng, hổ ai” thâm thúy và sâu sắc lắm. Đừng chờ đợi mà hãy dành thời gian tự chăm sóc và làm đẹp cho mình nhiều hơn tùy theo túi tiền và khả năng có thể. Cũng nên dành cho chồng nhiều hơn những cử chỉ vuốt ve thay vì chỉ lo lắng cho bữa ăn ngon. Ăn ngon mặc đẹp chỉ là một phần trong những đòi hỏi vô lý của đàn ông, họ cần được âu yếm và chia sẻ nhiều hơn là chúng ta tưởng. Hãy san sẻ bớt chuyện bếp núc cho chồng. Nhưng san sẻ bằng cách nào? Đàn ông không thích sự áp đặt bởi họ là “phái yếu” nên tâm lý “vùng lên” luôn thường trực trong ý thức. Không áp đặt thẳng thừng được thì nghệ thuật ở đây là sự nhờ vả. “Em nhờ anh giúp cái này, em nhờ anh làm giùm cái kia”. Tôi dám đoan chắc 99% đàn ông sẽ cảm thấy vô cùng mãn nguyện khi được “nội tướng” áp đặt chuyện san sẻ bếp núc qua phương thức “nhờ giúp” ấy. Một khi đã bắt tay vào rồi thì đàn ông sẽ không thể dừng lại được, “nội tướng” sẽ có trợ thủ ưng ý trong bếp.
ThS Hoàng Kim Chiến
(Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP. HCM)