Một nửa thanh niên Hàn Quốc bị béo phì, 1/3 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp

03/02/2025 - 22:05

PNO - Theo một nghiên cứu mới, gần một nửa số nam thanh niên Hàn Quốc hiện được xếp vào loại béo phì, và cứ 3 người thì có 1 người mắc tiền tiểu đường hoặc tiền tăng huyết áp.

tình trạng béo phì ở Hàn Quốc đang gia tăng với tốc độ ngày càng cao ở nhóm người trẻ tuổi
Tình trạng béo phì ở Hàn Quốc đang gia tăng với tốc độ ngày càng cao ở nhóm người trẻ tuổi

Nghiên cứu do giáo sư Lee Yong-ho và Kim Seung-hee của Bệnh viện Sanbon thuộc Đại học Wonkwang dẫn đầu đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 3.609 công dân Hàn Quốc độ tuổi từ 19-39, từ năm 2019 đến 2021.

Những phát hiện của họ, được công bố trên Tạp chí Thực hành Gia đình Hàn Quốc vào tháng 12/2024, cho thấy béo phì ở nhóm tuổi này có liên quan chặt chẽ đến tình trạng căng thẳng, trình độ học vấn, thu nhập và thói quen lối sống - với nhiều khác biệt giữa nam và nữ.

Bên cạnh một số nghiên cứu tại Mỹ cho thấy béo phì có liên quan đến tình trạng ít vận động, nghiên cứu của Hàn Quốc đặc biệt chỉ ra rằng áp lực kinh tế - xã hội và căng thẳng tâm lý là tác nhân chính dẫn đến tăng cân ở nước này.

Người trẻ Hàn Quốc đang tăng cân

Trong nghiên cứu này, béo phì được định nghĩa bằng BMI (chỉ số khối cơ thể). Theo đó, người có BMI từ 25 trở lên được gọi là béo phì (ở Mỹ, châu Âu là 30).

Chỉ số này cũng có hạn chế, ví dụ không phân biệt được giữa mỡ và cơ. Do đó, một số người có khối lượng cơ cao cũng có thể bị phân loại nhầm là béo phì. Trong khi những người khác có lượng mỡ cơ thể cao thì được xem là cân nặng bình thường - dù những người này vẫn có thể phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe.

Để có được bức tranh rõ nét hơn về sức khỏe trao đổi chất, các nhà nghiên cứu cũng xem xét lượng đường trong máu, cholesterol, huyết áp và mức độ men gan, và kết quả thật đáng báo động.

Đầu tiên, tình trạng béo phì ở Hàn Quốc đang gia tăng với tốc độ ngày càng cao ở nhóm người trẻ tuổi. Năm 2009, có 32,2% người Hàn Quốc ở độ tuổi 30 bị béo phì thì năm 2019 con số đó đã vọt lên 39,6%.

Trong số những người đàn ông tham gia nghiên cứu, 45,4% được phân loại là béo phì và gần 1/3 mắc tình trạng tiền tiểu đường (29,2%) và tăng huyết áp (31,1%) - những dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Đối với phụ nữ, tỉ lệ béo phì thấp hơn, ở mức 20,5% và ít người mắc tình trạng tiền tiểu đường (17,7%) hoặc tiền tăng huyết áp (12,5%). Tuy nhiên, nguy cơ béo phì của phụ nữ có liên quan chặt chẽ hơn đến tình trạng thất nghiệp và khó khăn về kinh tế, trong khi các yếu tố nguy cơ của nam giới được nêu là tiền sử uống rượu, hút thuốc và đã kết hôn.

Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng béo phì tăng?

Nghiên cứu phát hiện ra rằng căng thẳng là một trong những tác nhân lớn nhất gây ra béo phì ở cả nam và nữ. Mức độ căng thẳng cao có thể phá vỡ quá trình trao đổi chất, tăng lượng mỡ dự trữ và dẫn đến thói quen ăn uống và ngủ không lành mạnh.

Các yếu tố kinh tế - xã hội cũng đóng vai trò quan trọng. Trình độ học vấn thấp hơn có liên quan đến tỉ lệ béo phì cao hơn, có thể là do thiếu nhận thức về sức khỏe hoặc ít cơ hội tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Ở nam giới, mức thu nhập thấp hơn là yếu tố dự báo chính về béo phì, trong khi phụ nữ thất nghiệp hoặc làm công việc đòi hỏi thể lực có nguy cơ cao hơn.

Thói quen lối sống cũng quan trọng. Những người đàn ông uống rượu thường xuyên có nhiều khả năng bị béo phì, trong khi đối với phụ nữ thì ngược lại - những người uống rượu lại ít có khả năng bị béo phì hơn.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng điều này có thể liên quan đến sự khác biệt về lối sống. Với những người đàn ông tham gia vào các hoạt động xã giao có lượng calo cao trong khi những người phụ nữ uống rượu có thể có cuộc sống xã hội năng động hơn.

Đáng ngạc nhiên là trong nghiên cứu này cho thấy, hoạt động thể chất không cải thiện nhiều trong việc làm giảm béo phì, thừa cân. Theo đó, tập thể dục không giúp giảm cân nhiều bằng chế độ ăn uống khoa học. Chính chế độ ăn mới giúp giảm cân, còn hoạt động thể chất giúp cơ thể khỏe hơn, chống lại bệnh tật.

Nghiên cứu không giải thích rõ lý do nam thanh niên Hàn Quốc lại kém khỏe mạnh hơn so với nữ cùng độ tuổi. Mặc dù nghiên cứu xác định các yếu tố rủi ro về lối sống, chẳng hạn như tiêu thụ nhiều rượu hơn (72,9% so với 61,0%), hút thuốc (33,1% so với 9,0%) và lượng calo tiêu thụ (2.405 so với 1.717 kcal/ngày), nhưng không phân tích cách những yếu tố này trực tiếp góp phần làm sức khỏe trao đổi chất kém hơn.

Trọng Trí (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI