Một nỗi lo đã được hốt đi

19/07/2023 - 19:17

PNO - Dường như ai cũng có mối bất an, nỗi lo một cái gai, một “yêu nhền nhện” khiến tinh thần phòng thủ của các bà tăng cao.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sáng chưa thức giấc đã nghe loa phường ồn ào. Bà hàng xóm tới trước cửa nhà tôi hào hứng thông báo: “Cà phê vỉa hè bị hốt cái tủ và bàn ghế rồi”. Chuyện người ta bị hốt đồ nghề làm ăn, sao lại sung sướng quá như vậy?

Chuyện là…

Sáng sáng, có anh đi xe SH, tòng teng túi đựng cơm hộp, đậu xịch trước tủ cà phê của cô 35. Chúng tôi quen gọi là cô 35 vì con trai cô ấy từ quê ra chơi, nói “mẹ con 35 tuổi”, chứ cô trát son phấn dày, rất khó đoán tuổi.

Anh khách uống cà phê, cô 35 bán cà phê cho khách, liên quan gì tới nhóm đàn bà ở khu phố. Thế mà nhóm chị em trong khu phố cứ… ngứa mắt.

“Tôi nghe cô ta hỏi và anh SH nói túi đựng cơm màu mè kia là do bà vợ dậy sớm nấu cho chồng mang đi làm. Cô cà phê ngày nào cũng lườm nguýt cái hộp cơm ấy. Vậy mà anh ra khỏi nhà thì sà vào quán, cười cười nói nói với cổ”.

“Anh ta ngồi sát rạt. Thậm chí cô 35 còn gác cái chân mặc đầm lên chân anh ta”.

Các “camera chạy bằng cơm” liên tục báo cáo chuyện cặp đôi hớn hở thế nào, vén tóc cưa cẩm nhau ra sao. Chuyện ấy kéo dài tới mấy tháng. Thời gian trôi qua, các “camera cơm” chưa có dấu hiệu mỏi mệt.

Xóm giềng dường như thân nhau hơn, các mẹ, các chị luôn có chuyện để xì xào:

“Tội bà vợ, sáng nào cũng hì hục nấu nướng để chồng mang đi ăn, vậy mà rồi nó đi vui vẻ với gái”.

“Nhưng cuối cùng vẫn ăn cơm vợ, về nhà vẫn nghe lời vợ, vẫn cung cúc, thế thôi còn hơn tám vạn ông khác”.

“Mấy gã như thế cắm sừng mình lúc nào không hay”…

Sâu trong các câu chuyện, dường như ai cũng có mối bất an. Có lẽ nỗi lo một cái gai, một “yêu nhền nhện” khiến tinh thần phòng thủ tăng cao. Chị Hai tôi thi thoảng vẫn kể lại chuyện anh rể “bị dụ”.

Hôm ấy, cô cà phê vào nhà anh chị xin xô nước để rửa ly. Chị Hai tôi nghỉ trưa xong, từ trên lầu đi xuống thì nghe tiếng nước xối ào ào, phát hiện có người lạ... tắm trong nhà tắm, ông chồng thì ngồi xem ti vi ngoài phòng khách.

Thấy chuyện lạ, chị Hai không đi làm nữa, ngồi canh cô kia tắm xong để hỏi. Cô cà phê điềm nhiên: “Nóng quá nên em tắm luôn. Em cảm ơn anh chị nhé”.

Chị Hai trách chồng, anh cũng điềm nhiên: “Thì cô ấy xin nước, chẳng lẽ không cho”.

Câu chuyện lan khắp xóm. Ai cũng nhắc chị Hai: “Có chồng lo mà giữ”. Chị than: “Giữ cách nào bây giờ? Ngày nào mẻ cũng mặc váy ngắn hở ngực, hở đùi đi qua đi lại. Chồng tui thì khen cà phê của mẻ ngon, ngày nào cũng uống”.

Anh rể không ít lần la vợ “tưởng tượng bậy bạ”, anh bực chị đem anh ra làm “mồi nhậu” chốn công cộng: “Uống cà phê cổ, vì tiện, chứ uống ly cà phê thì được cái gì”.

Cuối tuần trước, chiều mưa rả rích, xóm trên ồn ào vì một bà vợ đi tìm chồng. Đó là người phụ nữ chừng 60 tuổi, mặc cái đầm ở nhà tối màu. Bà phân bua ông bị chứng cà nhắc sau tai biến. Vậy chứ bà vừa loay hoay nhà bếp thì thoắt cái không thấy ông đâu nữa. Mấy người bán hàng cho bà biết có một ông già đi bộ lối này, nên bà tới xóm tôi.

Bà tá hỏa phát hiện ông ngồi trong quán cà phê của cô 35, đúng lúc cô ấy đang bóp vai cho ông. Bà nổi giận la mắng chồng, dắt ông về như dắt đứa con dại. Bà nhẹ nhàng nhắc cô cà phê chuyện hôm tết nhận 10 triệu đồng tiền lì xì của chồng bà: “Đó là tiền con cái góp lại cho ổng mua thuốc trị bệnh đó cô. Mà con ổng còn già hơn cô nữa đó”.

Anh Hai tôi nói uống cà phê vì tiện, chứ được gì, nhưng chị Hai vẫn ấm ức (ảnh minh họa
Anh Hai tôi nói uống cà phê quán bên đường vì tiện, chứ "được cái gì", nhưng chị Hai vẫn ấm ức (ảnh minh họa)

Bà 60 về làm đơn tố cáo tiệm cà phê lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, mở nhạc ồn ào, kinh doanh cà phê hóa chất (bà thuê người đi chụp cả loạt can cà phê loại lít mà cô 35 mua từ chợ Kim Biên về pha)… Đội trật tự của phường xuống lập biên bản, hốt xe cà phê và đống ghế. Anh cán bộ nói lớn: “Bán cà phê mà không có một chiếc máy pha hay phin pha cà phê nào. Cô dùng cà phê can không nhãn mác thế này, hại người ta ung thư sao”.

Vậy là một nỗi lo của không ít bà vợ đã được “hốt” đi. Nhưng, chuyện giữ chồng của các cô, các bà thì có lẽ không bao giờ chấm hết. 

Thảo Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI