PNO - “Quyền và nghĩa vụ của ĐBQH chính là cất lên tiếng nói và nêu ra những vấn đề ấy. Tôi nghĩ rằng, khi đã được người dân bầu và trao niềm tin thì trách nhiệm của tôi là đứng về phía người dân. Do đó, tôi chọn cho mình một tâm thế nhập cuộc đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu” (Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phú Yên).
So với nam giới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội vẫn còn “khiêm tốn”, nhưng tại không ít kỳ họp, các nữ đại biểu đã chứng minh: góc nhìn của mình không thua kém nam giới.
Gai góc và dũng cảm làm “nóng” nghị trường
Ở phiên họp ngày 29/3, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - thẳng thắn: “Điểm chưa đạt được trong nhiệm kỳ này là sự đến nơi đến chốn trong cải cách, đặc biệt là ở những cải cách quan trọng có tác động lớn đối với nền kinh tế, chẳng hạn như cải cách về giáo dục đào tạo.
Đến thời điểm này, những nỗ lực về giáo dục đào tạo vẫn ở trạng thái lưng chừng, có chuyển động nhưng kết quả còn hạn chế, như chuyện học sinh tiểu học phải đi học thêm chưa có dấu hiệu dừng lại. Hay như lĩnh vực văn hóa, chúng ta hoàn toàn không có sự đột phá, sáng tạo, nếu không nói là đã thụt lùi. Hay một thí dụ khác là sự vươn lên và bứt phá từ các địa phương. Các cải cách về thể chế hiện nay vẫn chưa tạo điều kiện cho những thành phố lớn, những nền kinh tế trọng điểm như TPHCM, có một khung chính sách đủ tự chủ để có thể phát huy hết những tiềm lực của mình. Không chỉ giới hạn về số thu ngân sách phân chia lại trung ương mà còn giới hạn về khung chính sách khác, khiến cho TPHCM chẳng hạn, vẫn loay hoay trong thời gian vừa qua”.
Bà Tô Thị Bích Châu trên diễn đàn Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng
Ngay tại diễn đàn này, bà Bích Châu đã đề xuất những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, để việc cải cách của Việt Nam được đến nơi đến chốn. Bà đòi hỏi Chính phủ phải có quy định thời gian trả lời những công văn do địa phương gửi đến và có chế tài, có thư xin lỗi khi chậm hoặc không trả lời. Bà cũng yêu cầu Chính phủ phải “công bằng” trong đầu tư giao thông, cơ sở hạ tầng cho hai miền Nam - Bắc, theo bà, việc để vựa lúa lớn nhất đất nước như Đồng bằng sông Cửu Long bị trì trệ giao thông là vấn đề lớn, cần xem xét lại.
Những kiến nghị mạnh mẽ của bà Bích Châu đã làm nghị trường như lắng lại. Có thể nói, đến thời điểm này, gần kết thúc nhiệm kỳ, 132 nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV (chiếm 26,7%) đã góp tiếng nói mạnh mẽ trên diễn đàn Quốc hội. Nữ đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM - từng có phát biểu ấn tượng: “Thật đáng buồn khi ở Việt Nam sữa thì rất đắt, còn rượu, bia thì rẻ hơn nước ngoài”. Bà cho rằng, mục tiêu của chúng ta là nâng cao nhận thức để người dân từ bỏ rượu, bia, nhằm bảo vệ sức khỏe là chính xác, song phải có cảnh báo về tác hại của rượu, bia đối với tất cả các loại rượu, bia lưu hành trên thị trường, kể cả rượu nhập khẩu, chứ còn nếu chỉ khuyến khích thì không có tác dụng.
Tại kỳ họp lần thứ mười của Quốc hội khóa này, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) đã có phần chất vấn và tranh luận về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc bảo vệ môi trường với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trước ý kiến của ông cho rằng thủy điện nhỏ không có lỗi trong vụ bão lũ gây sạt lở ở miền Trung. Trước đó, bà cũng là người tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề rừng và bảo vệ môi trường, vấn đề xử lý chất thải của các dự án điện mặt trời. Bà nói thẳng: “Có gì đó sai sai” khi Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin: tổng diện tích rừng hiện nay của Việt Nam là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha và rừng trồng là 4,3 triệu ha. Sau đó, bà đã dùng quyền tranh luận để trao đổi lại những vấn đề mà bà thấy còn bất cập.
Nữ đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đứng) - Ảnh: D.T.
Cũng tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã chỉ ra những sai sót trong một số bộ sách giáo khoa lớp Một. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền trăn trở: "Đọc báo cáo và lắng nghe giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bộ sách giáo khoa, tôi chỉ có thể nói rằng người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược, chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng của người lớn, nó quá sức đối với sự tiếp thu của đứa trẻ”.
Những phát biểu của các nữ đại biểu được đánh giá là gai góc và dũng cảm, dám chỉ ra những trì trệ, yếu kém của cơ chế quản lý hiện tại với mong mỏi sẽ góp phần tạo ra những cải cách về thể chế giúp thúc đẩy nền kinh tế xã hội của đất nước phát triển một cách bền vững.
Cất lên tiếng nói của nhân dân
Có thể nói, cùng với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách như Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thúy Anh, Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Thị Thanh Hải... các nữ đại biểu Tô Thị Bích Châu, Phạm Khánh Phong Lan, Phạm Thị Minh Hiền, Ksor H'Bơ Khăp, Đặng Thị Phương Thảo… đã làm xã hội phải thay đổi cách nhìn nhận về giới. Họ không được bầu cho đủ số lượng theo cơ cấu mà thực sự cần thiết cho dân.
Thêm phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo cơ quan nhà nước sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân
Theo khảo sát của Ban công tác đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc Hội và các đơn vị phối hợp về vai trò của nữ đại biểu dân cử trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021 với 248 đại biểu Quốc hội, tổng thời gian đại biểu nữ dành cho các hoạt động cụ thể không có sự khác biệt so với đại biểu nam. Ví dụ, hoạt động lập pháp: nữ tham gia 41,4% (nam là 40,1%), hoạt động giám sát: nữ tham gia 30,01% (nam 28,5%), hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: nữ tham gia 22,5% (nam 23,0%).
Gần 84% nữ đại biểu và gần 68% nam đại biểu Quốc hội được khảo sát đồng tình với nhận định: có thêm phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo cơ quan nhà nước sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.
Phụ nữ có những trải nghiệm và những kinh nghiệm thực tế khác nam giới, nên sự nhìn nhận của họ trong giải quyết những vấn đề của cuộc sống cũng có những điểm riêng. Tiếng nói và quan điểm của họ sẽ giúp quá trình ra quyết định được thấu đáo và sáng suốt, làm cho chính sách có tính toàn diện và bao trùm, đem lại sự bình đẳng và công bằng cho giới và những đối tượng thiệt thòi trong xã hội. Những phát ngôn tâm huyết và chất lượng của các nữ đại biểu Quốc hội đã thể hiện trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho dân, cho giới. Đó cũng là trách nhiệm của đại biểu khi tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Chia sẻ về công việc của người đại biểu nhân dân, bà Phạm Thị Minh Hiền từng cho biết: “Ngay tại kỳ họp thứ nhất, nhiệm vụ của tân đại biểu Quốc hội là tham gia quyết định công tác nhân sự và thảo luận những vấn đề quan trọng. Tôi dành phần lớn thời gian quan sát và ghi chép. Khi lắng nghe ý kiến thảo luận, tôi có chút thắc mắc là thời gian họp hơi ngắn, ý kiến phản biện thì ít mà lại nhiều lời khen đến vậy. Bằng trải nghiệm từ thực tế công việc và đời sống, tôi thấy còn nhiều vấn đề đang bị bỏ ngỏ từ cách làm chính sách chưa thấu đáo. Đó đều là những vấn đề cần được phản biện, cần được chuyển tải đến nghị trường để giải quyết. Quyền và nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội chính là nói lên tiếng nói và nêu ra những vấn đề ấy. Tôi nghĩ rằng, khi đã được người dân bầu và trao niềm tin thì trách nhiệm của tôi là đứng về phía người dân. Do đó, tôi chọn cho mình một tâm thế nhập cuộc đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu”.
Còn đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp thì khẳng định: “Tôi không “phát ngôn” để làm “nóng” nghị trường mà đó là những vấn đề mà nghị trường và cử tri đang quan tâm nên trở thành vấn đề nóng”.
***
Ngày 23/5 tới đây, cử tri cả nước sẽ đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XV. Danh sách ứng cử viên đã bắt đầu đưa về các địa phương. Cầm trên tay lá phiếu của mình, lựa chọn ai, hay gạt bỏ ai là quyền lẫn trách nhiệm của mỗi cử tri. Nhưng quan trọng hơn cả là hãy chọn cho mình những đại biểu xứng đáng là đại biểu của nhân dân, để họ có không gian cần thiết để nói lên tiếng nói của nhân dân, đóng góp trí tuệ, tài năng và sự nhiệt tình vào sự phát triển của đất nước.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.