|
Căn nhà số 2A/4 xây dựng trên hệ thống thoát nước hẻm khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng |
Xây nhà lấp cống
Trong đơn phản ánh gửi đến Báo Phụ nữ TPHCM, người dân ở tổ 94 (khu phố 9, phường 2, quận Tân Bình) cho biết, hẻm 1A và 2A đường Bạch Đằng lâu nay dùng chung một cống thoát nước chảy ra kênh Nhật Bản. Nhưng vào tháng 9/2022, hộ 2A/4 Bạch Đằng xây nhà đã phá hủy cống khiến nước thải của các hộ dân không có lối thoát.
Bà Tạ Thị Phú Kiều - người dân sống trong hẻm 2A Bạch Đằng - cho biết, do cống bị chặn nên nước thải sinh hoạt của gần 100 hộ dân trong hẻm không có lối thoát, bị đọng lại bốc mùi hôi thối, nhất là những ngày nắng nóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. “Ngày nắng thì bốc mùi. Ngày mưa thì nước trào ngược. Nếu không giải quyết kịp thời thì vài bữa nữa cả con hẻm sẽ bị ngập trong nước thải và mùi hôi. Thật không thể chấp nhận” - bà Kiều bức xúc.
Bà con trong hẻm 2A cho biết, trước đây nhà 2A/4 có diện tích khá nhỏ, nhưng sau này diện tích được cấp tăng lên và căn nhà được xây dựng cả trên cống thoát nước. Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2017, người dân trong hẻm đã có đơn phản ánh gửi đến UBND phường 2, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
“Chúng tôi không hiểu vì lý do gì và bằng cách nào mà căn nhà 2A/4 được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất bao gồm cả phần cống thoát nước của gần 100 hộ dân chúng tôi” - bà Kiều thắc mắc.
Nước chỗ trũng làm sao chảy đến chỗ cao?
Bà Kiều cho biết, sau nhiều lần gửi đơn kêu cứu, tháng 10/2022, lãnh đạo phường 2 đã họp tổ dân phố để giải đáp bức xúc của dân. Phường thông tin rằng hộ 2A/4 có chủ quyền trên đoạn cống và có quyền xây dựng. Lãnh đạo phường cũng đưa ra phương án xử lý là sẽ nâng sửa đoạn cống từ hố ga trước nhà 2A/4 đến hố ga ngã ba (trước nhà 2A/12) và từ hố ga ngã ba đến hố ga đầu hẻm, rồi đấu nối vào hệ thống thoát nước của thành phố nằm trên đường Bạch Đằng.
Tuy nhiên, người dân không đồng tình với phương án này. Lý do là vào năm 2014, khi làm đường hẻm 2A, cơ quan chuyên môn đã khảo sát để nối cống thoát của hẻm ra hệ thống cống thoát trên đường Bạch Đằng. Do hệ thống thoát nước của hẻm thấp hơn nên không thể đấu nối với cống thoát trên đường Bạch Đằng, mà buộc phải đấu nối ra kênh Nhật Bản. Việc làm đường hẻm thời điểm đó được thực hiện theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” nên người dân đã giám sát và nắm rất rõ vấn đề trên. Một người dân quả quyết: “Hệ thống thoát nước của hẻm 2A thấp hơn hệ thống thoát nước trên đường Bạch Đằng gần nửa mét. Nếu nối ra đó thì nước sẽ chảy ngược gây ngập hẻm”.
Cũng theo người dân, trước đây, mỗi hộ trong hẻm đã bỏ 4 triệu đồng để làm đường hẻm. Đến nay, mặt đường vẫn còn rất đẹp. Do đó, việc làm lại hệ thống thoát nước như phương án UBND phường thông tin là lãng phí và không khả thi. Bà con mong muốn hiện trạng hệ thống thoát nước của hẻm phải được trả lại như trước.
Yêu cầu ngừng thi công
UBND quận Tân Bình cho biết, nhà 2A/4 Bạch Đằng của bà N.N.T., được UBND quận Tân Bình cấp giấy phép xây dựng ngày 31/12/2021. Diện tích khu đất là 214,2m2, diện tích xây dựng là 143,17m2; tổng diện tích sàn xây dựng là 787,38m2, gồm có hầm, 3 tầng, lửng và mái che cầu thang.
“UBND quận Tân Bình cấp giấy phép xây dựng cho bà N.N.T. theo đúng giấy chứng nhận được cấp là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình bà N.N.T. tổ chức thi công, UBND quận nhận được đơn của một số hộ dân phản ánh và đề nghị xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận, giấy phép xây dựng và yêu cầu dừng thi công vì bên dưới căn nhà có đường cống thoát nước của khu vực” - văn bản của UBND quận Tân Bình nêu.
UBND quận Tân Bình cũng cho biết, đường cống thoát nước của hẻm 2A Bạch Đằng chưa được đấu nối ra đường Bạch Đằng. Để giải quyết việc thoát nước cho khu vực, UBND phường 2 đã có đề xuất đầu tư, sửa chữa, cải tạo một phần đường cống - mặt đường hẻm 2A và đấu nối hệ thống thoát nước của hẻm ra đường Bạch Đằng. UBND quận chấp thuận phương án nói trên và giao UBND phường 2 làm chủ đầu tư dự án. Nhưng do một số người dân không đồng thuận, nên dự án tạm ngừng cho đến khi có sự đồng thuận của tất cả các hộ dân.
Hiện nay, UBND quận Tân Bình cũng đề nghị bà N.N.T. tạm thời dừng thi công để làm rõ vì sao trong khuôn viên nhà đất 2A/4 Bạch Đằng được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lại có đường cống thoát nước bên dưới như phản ánh của người dân.
Sở Xây dựng cấp tăng diện tích căn nhà 2A/4 UBND quận Tân Bình cho biết, năm 1994, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà 2A/4 Bạch Đằng cho ông T.V.G. và bà N.T.L.A. với diện tích khuôn viên 159,5m2, trong đó diện tích xây dựng và diện tích sử dụng là 40m2. Tuy nhiên, đến năm 2004, Sở Xây dựng đã cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho bà A. và ông G. với diện tích khuôn viên lên đến 215,1m2, trong đó diện tích xây dựng là 135m2. Sau nhiều lần chuyển nhượng, đến nay căn nhà đã thuộc sở hữu của bà N.N.T. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã có văn bản đề nghị UBND quận Tân Bình quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xem xét, trả lời phản ánh của người dân về việc cấp giấy chứng nhận, giấy phép xây dựng nhà 2A/4. Sở Xây dựng TPHCM cũng chuyển đơn phản ánh của người dân đến UBND quận Tân Bình để đơn vị xem xét, giải quyết. |
Thu Lê