Một Nguyễn Nhật Ánh vừa quen vừa lạ trong "Tiệm sách của nàng"

09/12/2024 - 19:55

PNO - Trong truyện dài mới "Tiệm sách của nàng", nhiều điều thân quen từ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã trở lại, kết hợp cùng các thử nghiệm mới, qua đó gửi gắm bài học về sự tha thứ, bao dung.

Những thử nghiệm mới

Tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ hết sức “nóng”. Ông được xem là cây bút điêu luyện về quá khứ, ký ức, tuổi thơ, tuổi học trò… và cả ở… “kỷ luật” cứ mỗi năm lại ra mắt 1 tác phẩm mới. Đặc biệt là mỗi lần trở lại, ông đều mang đến những điểm mới mẻ, không lặp lại mình.

Thông điệp nhân văn tiếp tục được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trao gửi trong tác phẩm này - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Trẻ
Thông điệp nhân văn tiếp tục được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trao gửi trong tác phẩm này - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Nếu Mùa hè không tên có đến tận 2 cái kết vô cùng mới lạ thì Tiệm sách của nàng lại sử dụng mô típ truyện lồng trong truyện với 3 truyện nhỏ đan xen vào nhau. Trong đó, nhân vật chính yếu, kết nối các câu chuyện này là Di - cô gái 18 tuổi, quản lý một tiệm sách cũ và Quyến - người đàn ông ở tuổi 30 nhìn thấy những điều đặc biệt ở Di. Cả 2 người họ hiện diện trong truyện được lấy làm tựa của tập sách này và được kết nối với nhau qua 2 truyện khác được viết song song là Trước tuổi mười lămBên kia đồi Quạ.

Không tuân theo mạch kể tuyến tính như thường thấy, ở tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã “tự làm khó” mình với những thử nghiệm có phần mới lạ. Thật ra, cấu trúc “truyện lồng truyện” không phải lần đầu ông áp dụng. Trước đó, Lá nằm trong lá hay Cám ơn người lớn đã từng sử dụng thủ pháp này, nhưng đây là lần đầu có đến 3 truyện đan cài song song. Như tác giả chia sẻ, nếu những tác phẩm trước đây đa phần ông viết cho độc giả thì đây là cuốn sách ông viết cho mình, bởi việc thay đổi thủ pháp là điều ông muốn làm từ lâu nhưng chưa tìm được cơ hội phù hợp. Điểm yếu của cấu trúc phân mảnh đó là đôi khi cảm xúc của độc giả dễ bị đứt gãy khi theo dõi câu chuyện, nhưng bù lại điều đó sẽ cho hành trình đọc tập trung hơn, qua đó tìm ra những điểm liên kết giữa 3 câu chuyện.

Lối viết mới này không chỉ là thể nghiệm của cá nhân ông, mà còn từ thôi thúc của chính mạch truyện. Các nhân vật có quá khứ bí ẩn được ẩn giấu kín đáo, lớp lang và chỉ đến khi mỗi câu chuyện nhỏ đi đến hồi kết thì những giao điểm mới được vén lên. Yếu tố này giúp Tiệm sách của nàng trở nên thú vị với nhiều bất ngờ. Tuy lạ về mặt cấu trúc, Tiệm sách của nàng vẫn rất quen thuộc với những ai yêu thích thế giới của Nguyễn Nhật Ánh. Ở cuốn sách này, độc giả cũng sẽ gặp lại những thành viên quen thuộc của nhóm Mặt Trời Khuya như Cỏ Phong Sương, Hận Thế Nhân, Trầm Mặc Tử… đã từng xuất hiện trong Lá nằm trong lá. Giọng văn dung dị nhưng chuyên chở được nhiều cảm xúc của ông cũng không mất đi, trong khi tính hài hước và sự phức tạp của những cảm xúc cũng rất “Nguyễn Nhật Ánh”.

Thức tỉnh và sống đẹp

Thông điệp mang tính nhân văn luôn đầy ắp. Đây là quan điểm mà suốt văn nghiệp ông luôn tâm huyết mang đến cho độc giả. Tuổi thơ luôn là những điều tươi đẹp với sự hồn nhiên con trẻ, nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, ông cho ta thấy sự nhạy cảm vẫn luôn hiện diện và luôn có thể thay đổi cả số phận con người.

Tiệm sách của nàng ra mắt lần đầu với kỷ lục 80.000 bản in. Ảnh: NXB Trẻ.
Tiệm sách của nàng ra mắt lần đầu với kỷ lục 80.000 bản in. Ảnh: NXB Trẻ.

Chẳng hạn như nhân vật Quyến, lúc ấu thơ bị những người lớn hơn dè bỉu, chế giễu chuyện gia đình, khiến cậu ôm niềm oán hận. Để giải tỏa, cậu đã bắt nạt những người nhỏ hơn và yếu thế hơn, từ đó để lại vết sẹo mãi không thể lành cho cả người bắt nạt và bị bắt nạt. Bởi như nhà văn viết: “Tuổi thơ là quãng đời vô tư nhất, nhưng phải chăng chính vì vậy mà những vết khắc trong quãng thời gian này thường đậm sâu và khó tẩy xóa hơn những vết khắc khi con người ta đã cứng cáp, trưởng thành?”. Hầu hết nhân vật trong tác phẩm này đều phải trải qua những khó khăn đó, dẫn hướng đời họ không thể đoán trước.

Thế nhưng khi càng lớn lên, con người càng biết được sự thấu hiểu mới là quan trọng. Trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, dẫu nhân vật chính phải trải qua nhiều gian khó thì đến cuối họ vẫn nhẹ lòng tha thứ cho nhau, bởi họ biết ai cũng có khoảnh khắc sai lầm và điều quan trọng đó là nhận ra, dần dần thay đổi. Một điều khác cũng đáng chú ý là sự thức tỉnh hay việc ngộ được sai trái của mình luôn đến một cách bản năng, không cần thúc ép hay cưỡng cầu; bởi qua những hành động đẹp, tính “người” của bất kỳ ai cũng sẽ trở dậy và là động lực để thay đổi mình.

Chẳng hạn nhân vật người anh trai ở Trước tuổi mười lăm, dù mách lẻo những lá thư tình để em gái bị cha đánh nhưng cô em vẫn luôn đứng lên bảo vệ anh, khiến anh nhận ra suốt bao năm qua mình đã “tiểu nhân” đến mức độ nào, để tự đổi thay. Hay như nhân vật bị Quyến bắt nạt ở tuổi ấu thơ, sau bao năm nhìn lại, anh coi việc đó nhẹ tựa lông hồng, từ đó hiểu thấu cũng như thông cảm vì sao bạn mình lại làm điều đó…

Cũng từ việc ngộ ra những hiểu lầm ấy, họ đã mạnh mẽ và dám sống thật. Cuốn tiểu thuyết tuy không có 2 cái kết như Mùa hè không tên, nhưng các nhân vật phải trải qua rất nhiều dằn vặt để hiểu được mình, hiểu được người khác, từ đó biết sống sẻ chia, sống cho mọi người.

Thuận Phát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI