Một người tiêm 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 khác nhau được không?

19/06/2021 - 12:46

PNO - Mỗi loại vắc xin đều có thời gian tạo kháng thể và khoảng cách tiêm giữa 2 mũi khác nhau. Người dân nên tiêm cùng 1 loại thì tốt nhất.

Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam ngồi chờ theo dõi sau khi tiêm vắc xin AstraZenec mũi 1, ảnh Trọng Nguyễn.
Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam ngồi chờ theo dõi sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 1 - Ảnh: Trọng Nguyễn

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để đảm bảo đạt hiệu quả tối đa của vắc xin, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70% - 85% để có miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch bệnh COVID-19. 

Bộ Y tế đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng ngừa. Sáng 19/6, 500 công nhân của Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam và Công ty FPT Software tại Khu công nghệ cao TPHCM đã được vắc xin. Đây cũng là lần tiêm chủng lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.

Hiện tại, nhiều người thuộc đối tượng ở 3 đợt tiêm chủng trước đã được tiêm mũi 1 với vắc xin AstraZeneca, thời gian 12 tuần để tiêm mũi 2 sắp đến, trong trường hợp khi đến hạn tiêm, vắc xin AstraZeneca chưa về Việt Nam kịp, có thể thay thế bằng vắc xin Sputnik V hay Sinopharm được không?

Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng dịch COVID-19, giúp cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường. Cũng giống như các loại vắc xin giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vắc xin COVID-19 giúp cơ thể chúng ta tạo miễn dịch chống lại virus gây bệnh COVID-19.

Các loại vắc xin ngừa COVID-19 ngoài tác dụng bảo vệ, giúp giảm số người nhiễm virus SARS-CoV-2, cũng sẽ giúp giảm số trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng, giảm nguy cơ tử vong.

Tuy nhiên, đối với vắc xin phòng bệnh thông thường, một người có thể tiêm ngừa 2 loại vắc xin khác nhau theo chỉ định của cơ sở y tế. Với vắc xin ngừa COVID-19, tính đến hiện tại, trong trường hợp cấp thiết, một vài nước trên thế giới đã tiêm 2 loại trên 1 người, chưa ghi nhận 2 loại vắc xin phản ứng với nhau và hiệu quả phòng ngừa đang được theo dõi.

"Riêng tại Việt Nam, việc tiêm 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 cho một người hiện chưa được cấp phép, hiệu quả bảo vệ cũng chưa thể nghiên cứu được. Tuy ở những người được tiêm 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 ở các nước khác chưa thấy tác dụng phụ hay phản ứng của vắc xin, nhưng các hãng sản xuất vắc xin cũng khuyến cáo không nên tiêm 2 loại cùng một người.

Mỗi loại vắc xin đều có thời gian tạo kháng thể và khoảng cách tiêm giữa 2 mũi khác nhau, để đạt hiệu quả bảo vệ tối đa của vắc xin, người dân nên tiêm cùng 1 loại thì tốt nhất", bác sĩ Khanh nói thêm.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện tại, có thể xuất hiện tình huống do quá nôn nóng muốn tiêm ngừa COVID-19 đợt 2, sẽ có người khai báo không trung thực về loại vắc xin mà mình được tiêm đợt 1 để có thể tiêm tiếp vắc xin khác của đợt 2, điều này buộc Ngành Y tế quản lý người tiêm ngừa qua hệ thống phần mềm điện tử, kịp thời phát hiện 2 mũi tiêm khác loại, tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI