30 năm trước, khi mới về đầu quân cho Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần (tiền thân của nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM), ấn tượng của cô diễn viên trẻ Hồng Vân về “anh” Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM là sự chan hòa, gần gũi và nhiệt huyết dành cho các hoạt động của hội. Hơn 30 năm gắn bó ở nhiều vị trí khác nhau, từ diễn viên, đạo diễn đến làm công tác lãnh đạo hội, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hồng Vân nói chị càng nể phục tài năng, sức sáng tạo và tấm lòng của ông đối với sân khấu, với anh chị em nghệ sĩ.
|
Tác giả Lê Duy Hạnh - Nguồn ảnh: Internet |
Lê Duy Hạnh nổi tiếng ở vai trò tác giả với nhiều kịch bản lịch sử: Hoàng hậu hai vua, Chiếc áo thiên nga, Tâm sự Ngọc Hân, Mặt trời đêm thế kỷ, Nỏ thần, Lý Chiêu Hoàng, Dời đô, Vua Thánh triều Lê… Nhưng có lẽ không nhiều người biết ông còn rất giỏi trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật. “Hiếm tác giả nào chịu khó như anh Ba (cách gọi thân mật của NSND Hồng Vân và nhiều nghệ sĩ khác với ông - PV), anh không bao giờ góp ý suông sau khi xem bản dựng mộc. Anh có thể “lê lết” với anh em suốt 4-5 ngày, xem từng cảnh và góp ý cụ thể, chi tiết để mỗi cảnh diễn thật chắc và đều phải bật được thông điệp. Những gì tôi thực hiện khi giữ vị trí chỉ đạo nghệ thuật đều học được từ anh” - NSND Hồng Vân chia sẻ.
Có lẽ không ngoa khi nói Lê Duy Hạnh là một bậc thầy tài hoa ở lĩnh vực sáng tác kịch bản, đặc biệt là kịch lịch sử. Sẽ rất khó nếu buộc phải chọn kịch bản nào là kịch bản hay nhất trong số các sáng tác của ông. Những kịch bản lịch sử ông viết luôn có góc nhìn riêng về từng sự kiện lịch sử, thấm đẫm tính nhân văn và giữ nguyên giá trị bất chấp thời gian.
Với Diễn kịch một mình, đã 30 năm trôi qua, những cuộc tranh luận giữa đúng - sai, về cách xử lý tình huống trong từng vị trí của 3 nhân vật nhà vua, trung thần, nịnh thần vẫn ngồn ngộn thời sự và khiến mỗi người trong cuộc sống hiện nay phải trăn trở, suy nghĩ. Ở Dời đô, qua câu chuyện trị quốc, bình thiên hạ và chiến lược lâu dài của vua Lý Thái Tổ là lời gửi gắm về việc trọng dụng người tài, là những quyết sách mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và xây dựng đất nước cường thịnh.
Dựng và diễn kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh không dễ. Nhưng ở lĩnh vực sân khấu, hầu như đạo diễn, diễn viên nào cũng muốn được làm việc với kịch bản của ông. Không chỉ có những câu thoại đầy chất văn học, người làm nghề còn vừa bị “buộc” phải lao động nghệ thuật cật lực, vừa được thỏa sức bay bổng, sáng tạo để thăng hoa với tác phẩm, nhân vật và thể hiện tài năng của mình.
Tác giả Lê Duy Hạnh là trường hợp hiếm hoi của sân khấu Việt Nam khi có đến 5 nhiệm kỳ giữ chức Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM. Ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng cho hoạt động hội và sự phát triển của sân khấu TPHCM. Một trong số đó là giải thưởng Trần Hữu Trang. Ra đời năm 1991, giải Trần Hữu Trang được xem là giải thưởng danh giá mà bất kỳ nghệ sĩ cải lương nào cũng mong ước được chạm đến. Giải thưởng đã phát hiện nhiều tài năng, để từ bước đệm đó, họ đã tỏa sáng thành sao: Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vũ Linh, NSƯT Phương Hồng Thủy, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Tứ…
|
|
Ông cũng là một trong những người đóng góp nhiều công sức để duy trì và phát triển đời sống của Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần, đồng thời mạnh dạn đề xuất thành lập mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên. NSND Hồng Vân chia sẻ: “Sân khấu kịch miền Nam được định vị, kịch xã hội hóa tạo dấu ấn, đủ sức để giới làm nghề phải thay đổi cách nhìn về kịch Sài Gòn là nhờ có bộ 3 NSƯT Văn Thành, đạo diễn Huỳnh Minh Nhị và tác giả Lê Duy Hạnh”.
Nặng lòng với việc phát triển đội ngũ tác giả trẻ, các trại sáng tác do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức hằng năm luôn được ông tìm kiếm những phương thức tổ chức mới. Giới làm nghề vẫn hay nhắc lần ông kiên quyết trả lại kinh phí được cấp cho trại sáng tác vì không tìm được kịch bản hay. Luôn khích lệ và mạnh dạn “trao quyền” cho lớp trẻ, nhưng ông cũng rất khắt khe trong yêu cầu chất lượng các tác phẩm và kiên quyết không thỏa hiệp, nhượng bộ vì bất kỳ lý do nào.
Là một tác giả nổi tiếng, nghiêm túc, khắt khe khi làm việc, nhưng trong cuộc sống đời thường ông lại là người sống giản dị, chan hòa và rất tinh tế trong ứng xử. Mỗi ngày đến Hội Sân khấu TPHCM, ông không thích ngồi trong phòng riêng mà chọn một góc nhỏ phía trước. Ai đến hội, dù là nghệ sĩ nổi tiếng hay diễn viên mới chập chững vào nghề, đều có thể đến bên ông trò chuyện hoặc nhờ ông góp ý thêm cho kịch bản, vai diễn.
Ngày ông thôi giữ chức Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, ít tới lui trụ sở hội vì lý do sức khỏe, ngôi nhà riêng của ông thỉnh thoảng lại đầy ắp tiếng cười nói của nhiều thế hệ nghệ sĩ kịch nói lẫn cải lương tụ tập về. Ông vẫn cười rất hiền, vẫn hài hước trêu chọc những “thói hư, tật xấu” của khách đến thăm.
Nhưng giờ đây ông đã đi rất xa… Tiễn biệt ông, một con người tài hoa nhưng rất đỗi giản dị.
Bình An