Rước đủ thứ bệnh do rượu
Kết thúc kỳ nghỉ tết Nguyên đán, anh H.T.T. - 43 tuổi, ở TP Hà Nội - được người thân đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sức khỏe suy giảm. Thời gian gần đây, tính tình anh cục cằn, thường xuyên mắng chửi và bạo hành vợ.
Tiến sĩ Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần - cho hay, cách đây 6 năm, bệnh nhân T. đã đến khám với kết quả đã có nghiện rượu, rối loạn nhân cách và cảm xúc do rượu. Sau mỗi đợt điều trị, do không hợp tác, bệnh nhân ra viện và vẫn không cai được rượu nên phải thường xuyên quay trở lại điều trị, đặc biệt là sau những kỳ nghỉ lễ dài.
 |
Uống nhiều rượu gây ra tác hại nghiêm trọng tới hệ thần kinh của con người ẢNH MINH HỌA: ANH NGỌC |
Anh T. nghiện rượu từ khi còn rất trẻ. Bố anh cũng nghiện rượu và đã mất do xơ gan, suy tủy. Mỗi ngày, anh T. uống rượu như uống nước dẫn đến rối loạn nhân cách, rối loạn giấc ngủ. Khi không ngủ được, anh không uống thuốc mà uống rượu cho dễ ngủ hơn nên bệnh ngày càng nặng.
Cũng điều trị ở Viện Sức khỏe tâm thần, anh L.S.P. - 30 tuổi, ở tỉnh Bắc Kạn - vừa bị rối loạn tâm thần, vừa bị cao huyết áp, xơ gan do rượu. Anh cho biết, bắt đầu uống rượu từ khi 15-16 tuổi. Sau giờ tan ca, anh đi nhậu tới khuya mới về.
Khi vào viện để cai rượu, ngoài bệnh xơ gan, cao huyết áp, các bác sĩ còn nhận thấy P. có biểu hiện hoang tưởng ghen tuông - một trong những tình trạng thường gặp ở người nghiện rượu. P. luôn nghi ngờ vợ ngoại tình dù cô chỉ ở nhà làm nông, không giao tiếp với ai. Ngay cả khi vợ ra tiệm tạp hóa mua đồ, P. cũng dò xét, hoạnh họe cô vì nghi vợ “tơ tình” bên ngoài.
Khi điều trị tăng huyết áp tại Bệnh viện Bạch Mai) ghi nhận ông N.T.T. - 58 tuổi, ở tỉnh Nam Định - có triệu chứng hay quên nên chuyển ông tới Viện Sức khỏe tâm thần. Tại đây, ông được chẩn đoán mắc hội chứng quên do rượu. Bệnh nhân thấy vợ rất quen nhưng không nhớ tên, nhìn cây bút mà nghĩ là ống thuốc lào. Sau khi điều trị 1 tuần không có kết quả, các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị rối loạn tâm thần mạn tính do rượu, rất khó hồi phục.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, số bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện rượu gia tăng gấp đôi so với thông thường. Hiện tại, Viện Sức khỏe tâm thần đang điều trị nội trú 19 ca rối loạn tâm thần do rượu, riêng Phòng Điều trị nghiện chất có 7 ca.
 |
Ông N.H.S. (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) phải khâu hàng chục mũi ở cổ sau 2 lần tự tử trong ảo giác do nghiện rượu - ẢNH: PHAN NGỌC |
Cần thêm giải pháp hạn chế rượu, bia
Bác sĩ Lê Thị Phương Thảo - Phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - phân tích, khi vào cơ thể, rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn, sau đó tới não và các mô trong cơ thể, tác động mạnh vào hệ thần kinh, gây ra rối loạn tâm thần.
Theo bác sĩ Phương Thảo, rối loạn tâm thần do rượu có mã bệnh với các biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn, hội chứng nghiện rượu là tình trạng bệnh nhân bồn chồn, bứt rứt, thèm nhớ rượu khi không được uống; hội chứng cai rượu có mê sảng là tình trạng bị ảo giác khi giảm hoặc ngừng uống rượu; rối loạn tâm thần và hành vi do rượu là tình trạng hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm, lo âu hoặc các triệu chứng hỗn hợp…
Trong đó, thường gặp nhất là hội chứng cai rượu, rối loạn tâm thần và hành vi do rượu. Theo một nghiên cứu của nước ngoài, tỉ lệ tự sát ở bệnh nhân nghiện rượu, rối loạn do rượu chỉ đứng sau bệnh nhân trầm cảm.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, hầu hết bệnh nhân vào Viện Sức khỏe tâm thần không chỉ bị rối loạn tâm thần do rượu mà còn bị nhiều bệnh lý khác do bị suy giảm hệ thống miễn dịch hay do tác hại của rượu tới các cơ quan đó, như xơ gan, xơ vữa động mạch, viêm phổi, lao phổi, cao huyết áp…
Rượu không chỉ gây hại cho người nghiện rượu mà còn tác động xấu tới gia đình, người thân về nhiều mặt. Về kinh tế, bệnh nhân hầu hết không có công việc ổn định, không lo được cho bản thân, lại tiêu tốn chi phí điều trị. Về mặt tinh thần, bệnh nhân luôn chửi bới, đánh đập, nghi ngờ những người xung quanh.
Có trường hợp chồng nhập viện điều trị loạn thần do rượu thì vợ cũng phải điều trị rối loạn lo âu bởi thường xuyên bị chồng mắng chửi, bạo hành. Do đó, bác sĩ Thu Hà khuyên mỗi người cố gắng “nói không” với rượu bia hoặc uống ít nhất có thể.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã quy định các biện pháp để giảm mức tiêu thụ rượu, bia, tăng cường quản lý việc sản xuất, cung cấp rượu, bia nhằm giảm bớt việc lạm dụng và tác hại của rượu, bia đối với đời sống con người cũng như những tác động tiêu cực của rượu, bia đối với đời sống kinh tế, xã hội.
 |
Ngày càng nhiều người trẻ uống rượu, bia - ẢNH MINH HỌA: ANH NGỌC |
Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã tăng mức phạt tiền đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu, bia. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng uống rượu, bia tràn lan.
Theo ông, để công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu quả lâu dài, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cần hoàn thiện quy định chế tài cả về hành chính lẫn hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia.
Ông dẫn chứng, Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới chỉ quy định: hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình và không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
Do đó, trên thực tế, ngày càng nhiều người live stream, đăng hình ảnh, clip ăn nhậu, uống rượu, bia… lên mạng xã hội mà không bị xử lý.
“Mạng xã hội lan truyền thông tin rất nhanh và có tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm, tư tưởng, nhận thức của con người. Do vậy, pháp luật cần có quy định hạn chế việc đăng bài, hình ảnh, clip có cảnh uống rượu, bia lên mạng xã hội” - ông Nguyễn Tri Đức kiến nghị.
Suýt giết vợ do nghiện rượu Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An, sức khỏe của ông N.H.S. - 48 tuổi, ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - dần được cải thiện, không còn nghi ngờ vợ ngoại tình như trước. Ông S. cho biết, đã uống rượu nhiều năm qua. Khi làm việc ở Cộng hòa Séc, nghe nhóm bạn cùng phòng nói uống rượu ngâm cần sa giúp tăng cường sức khỏe, ông S. uống đều đặn vài ly trong mỗi bữa cơm, sau đó bị nghiện rượu. Giữa năm 2024, ông S. về nước, vẫn tiếp tục uống rượu hằng ngày. Giữa tháng 1/2025, sau chầu nhậu kéo dài nhiều ngày, ông bị tím tái người, bị ảo giác và hoang tưởng vợ mình ngoại tình. Mất kiểm soát hành vi, ông bóp cổ vợ để “tra hỏi”. Khi thấy vợ nằm bất động, nghĩ vợ đã chết nên ông dùng dao cắt cổ tự tử. Người thân phát hiện, đưa vào bệnh viện cấp cứu nên ông và vợ đều thoát chết. Sau khi xuất viện, ông S. lại tiếp tục uống rượu, tiếp tục dùng dao cắt cổ tự tử vì nghĩ bị vợ phản bội. Ông S. là 1 trong 48 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do nghiện rượu đang được điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực chống độc, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An. Bác sĩ Phạm Thị Anh - Trưởng khoa - cho biết, trong 1 tháng qua, khoa đã tiếp nhận, điều trị gần 100 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do nghiện rượu và ma túy. Đa số bệnh nhân vào đây đã uống rượu vượt quá ngưỡng dung nạp của cơ thể, dẫn đến rối loạn nhận thức, xuất hiện ảo giác, hoang tưởng, thậm chí có những hành vi gây nguy hiểm cho mình và người khác. |
Người phụ nữ 30 tuổi, đã có 15 năm uống rượu Mới 30 tuổi, chị L.T.T. - ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An - đã có 15 năm uống rượu. Ban đầu, chị uống rượu cần cho vui, sau đó nghiện, uống đều đặn mỗi ngày. Gần đây, chị bị sụt cân, thiếu máu nghiêm trọng nên đến bệnh viện kiểm tra, được bác sĩ khuyên bỏ rượu để phục hồi sức khỏe. Đây cũng là cách duy nhất để chị có cơ hội sinh con sau nhiều năm kết hôn. Nghe lời bác sĩ, chị T. quyết tâm bỏ rượu. Nhưng sau 3 ngày không có rượu, chị bắt đầu chán ăn, mất ngủ do thường xuyên thấy rắn, rết bò lên giường mỗi đêm (ảo giác). Hoang tưởng chồng ngoại tình, chị bỏ việc, theo dõi chồng, thậm chí cắn chồng khi chồng “lén” đi ra ngoài một mình. Quá mệt mỏi, người thân đã đưa chị đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An khám, điều trị và cai rượu. Theo bác sĩ Phạm Thị Anh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tích cực chống độc, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An - có nhiều phương pháp để điều trị loạn thần do rượu, như dùng thuốc, áp dụng chế độ ăn uống phù hợp, trị liệu tâm lý, liệu pháp vận động. Nếu bệnh nhân hợp tác và quyết tâm cai nghiện thì tỉ lệ thành công rất cao. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã nghiện rượu lâu năm nên không dễ bỏ, thường tái nhập viện điều trị sau thời gian ngắn xuất viện. Với bệnh nhân uống rượu lâu năm, đang uống với liều cao và liên tục, nếu dừng uống đột ngột rất dễ xuất hiện ảo giác do chức năng gan đã suy giảm, hệ miễn dịch kém. Phan Ngọc |
Kích thích từ trường xuyên sọ để cai rượu Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Long - Phó khoa Khám - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - việc điều trị rối loạn tâm thần do rượu gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do bệnh nhân tái nghiện rượu sau khi ra viện và không có nhiều bệnh nhân kiên trì theo đuổi liệu trình điều trị do bác sĩ đưa ra. Thông thường, khi nhập viện, các bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu sẽ phải điều trị cùng lúc bệnh tâm thần và các bệnh lý khác. Hiện nay, một trong những phương pháp mới được Viện Sức khỏe tâm thần áp dụng là kích thích từ trường xuyên sọ (transcranial magnetic stimulation), tức là dùng từ trường để kích thích các nơ ron thần kinh trong não, nhằm hỗ trợ điều trị các rối loạn liên quan đến hoạt động của não bộ mà không cần dùng thuốc. Phương pháp này giúp giảm cơn thèm, nhớ rượu. Thông thường, bệnh nhân phải điều trị bằng phương pháp này 10 lần, giá mỗi lần khoảng 200.000 đồng. H. Anh |
Minh Quang