Một người khuyết tật may mắn

18/10/2017 - 15:55

PNO - Bị khuyết một chân, nhưng Phương Thảo là người năng nổ trong công tác xã hội, đồng thời là chủ một dự án sản xuất

Năm 1980, một bà nội trợ ở tỉnh Tiền Giang sinh được một cô con gái xinh đẹp, đặt tên là Lê Thái Thị Phương Thảo. Nhưng khi Thảo vừa chập chững những bước đi đầu đời thì gặp một trận sốt kinh hoàng, sau đó bị bại liệt, không ngồi dậy hay nhúc nhích gì được. Cha mẹ Thảo chạy ngược chạy xuôi đưa Thảo đi xoa bóp, bấm huyệt. Một thời gian sau, Thảo gượng dậy và di chuyển được. Vượt qua mặc cảm, Thảo ráng học giỏi để không phụ lòng cha mẹ và cô bạn thân thường xuyên cõng Thảo đi, về. 

Mot nguoi khuyet tat may man
Gia đình nhỏ của Thảo giờ vững như kiềng ba chân

Vừa đi học, vừa trị bệnh, nhưng Thảo thường xuyên nằm trong top đầu của lớp. Quyết tâm và miệt mài, Thảo đã đậu vào Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Năm cuối đại học, Thảo thèm được tự mình đến trường, cô xin mẹ gắn thêm một bánh nữa vào chiếc xe máy hiệu Charly rồi rụt rè hòa vào đường phố đông đúc.

Ra trường, không kiếm được việc làm, Thảo lại khăn gói lên TP.HCM học một khóa về sinh hóa, xét nghiệm với hy vọng xin được vào bệnh viện tỉnh nhà. Đúng lúc ấy, cô được giới thiệu đến một công ty của một Việt kiều, chuyên nghiên cứu về gien để phục vụ cho ngành y. Cô được tuyển dụng, nhưng công ty chỉ có trụ sở ở TP.Cần Thơ nên cô lại một mình khăn gói đến vùng đất lạ để mưu sinh. Ngoài giờ đi làm, cô còn nhận dạy kèm môn Anh văn và hóa cho học sinh. 

Thảo về TP.Cần Thơ năm 2004, tham gia câu lạc bộ người khuyết tật (KT), làm thư ký cho cô Bùi Thị Hồng Nga - Chủ tịch Hội Người KT TP.Cần Thơ - với tâm nguyện hỗ trợ cho những người đồng cảnh ngộ. Duyên lành cũng đến từ đây, cô quen với anh chàng bằng tuổi, đồng cảnh, làm trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y, tên là Lê Thái Sơn. Năm 2008, họ kết hôn, bắt đầu một chặng đường mới của cuộc đời. Vượt qua những chông gai, trở ngại của sự khiếm khuyết cơ thể, điểm lại những gì đã qua, cô nói: “Em thấy mình còn may mắn hơn bao người khác”. Vợ chồng cô mỗi người bị khuyết một chân nhưng đều được học hành, có công việc ổn định, có con, tự mua được mảnh đất nhỏ rồi cất nhà. 

Từ ngày tham gia câu lạc bộ người KT, Thảo dần tự tin hơn. Cô tham gia những lớp học nhằm nâng cao nhận thức cho người KT và cô muốn san sẻ điều đó với tất cả những người đồng cảnh ngộ. Cô quyết định nghỉ việc ở công ty, chính thức vào làm việc cho Chi hội Người KT Q.Ninh Kiều. Thời gian đầu, làm việc không lương, Thảo được chồng sát cánh hỗ trợ. Lúc khó khăn nhất, Sơn trông con, coi sóc việc nhà và hỗ trợ tài chính cho những chuyến công tác xa của cô. Gần đây, Thảo tham gia một dự án thiện nguyện do Canada tài trợ với mục đích giáo dục hòa nhập cho trẻ em gái KT và được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Người KT Q.Ninh Kiều.

Năm 2016, con gái bị cảm sốt, nghe chỉ dẫn của bạn bè, Thảo làm chanh đào mật ong cho con uống và đem tặng mọi người. Thấy có hiệu quả, Thảo mạnh dạn lập nhóm “Chanh đào mật ong” và tiếp cận với chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan do Tổ chức Simva Phần Lan hỗ trợ. Chương trình này không tài trợ vốn nhưng tạo điều kiện để phát triển thương hiệu. Thảo ra tận vườn chanh đào ở Chương Mỹ, Hà Nội đặt mua chanh, đến các nhà vườn  đặt mua mật ong, rồi về đăng ký chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy phép kinh doanh…

Mới đây, dự án của cô được Simva Phần Lan trao bằng khen vì nằm trong “top 10” cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp. Ý nghĩa hơn, từ công việc này, bốn phụ nữ KT khác có việc làm, có nơi để sinh hoạt, giao lưu, vượt qua mặc cảm để hòa nhập vào thế giới của người bình thường. 

Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI