Đàn ông cần... thở

Một người đàn ông chuẩn là...

03/11/2023 - 06:10

PNO - Đã bao giờ các chị em thử một phen “chuyển vế đổi dấu” đứng vào vị trí của người đàn ông ngoài kia? Có thể lúc đó, chị em cũng cần đến… một cái máy trợ thở.

Một chuỗi nhà hàng mở cửa 24/24 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) được mệnh danh là “thánh địa cuối cùng dành cho đàn ông ở tuổi trung niên”. Đây là nơi các đấng mày râu thường ăn tối một mình, thoải mái bộc lộ cảm xúc và tìm cách thoát khỏi áp lực cuộc sống. Quản lý nhà hàng chia sẻ, hầu hết khách hàng đến vào buổi tối muộn là nam giới trung niên. Họ có thể uống với một hoặc vài người bạn, thậm chí còn khóc. Không ít người ngồi đây khóc một mình trong đêm muộn vì căng thẳng trong cuộc sống.

Đã bao giờ các chị em thử một phen “chuyển vế đổi dấu” đứng vào vị trí của người đàn ông ngoài kia? Có thể lúc đó, chị em cũng cần đến… một cái máy trợ thở.

Có trách nhiệm. Tất nhiên rồi! Trách nhiệm là thước đo mức độ trưởng thành của đàn ông. Hành trình từ một cậu bé đến một chàng trai, sau đó là một người đàn ông của gia đình được đo đếm bằng trách nhiệm của anh ta không chỉ với bản thân mà còn với người phụ nữ anh ta yêu thương và cưới, gia đình nhỏ, gia đình lớn, công việc anh ta đang làm. Lớn lao hơn thì đó còn là trách nhiệm với dòng tộc, cộng đồng, xã hội.

 

Hãy bắt đầu từ những cậu bé. Nếu may mắn có người mẹ hiểu biết, người cha chính trực, cậu bé đó sẽ được dạy dỗ tử tế. Là việc sẵn sàng giúp đỡ người khác vì là phái mạnh; bảo vệ mẹ và mọi phụ nữ. Con trai nói dối là xấu, bố dạy thẳng lưng để thẳng lòng. Trong mọi cuộc tranh chấp với các em hoặc con gái thì con trai phải biết nhường nhịn. Vai trò nặng hơn nếu cậu bé là con trưởng.

Nhiều cha mẹ truyền tai nhau câu này: “Dạy con gái theo kiểu nhà giàu - Dạy con trai theo kiểu nhà nghèo” hay quan điểm: Con trai ngã đau một tí, có vài vết sẹo trên chân tay càng oách hơn. Con trai thế là thường. Rồi “đàn ông con trai ai lại khóc nhè”. Các cậu bé lớn lên trong hằng hà sa số định kiến giới dành cho phái mạnh - con trai - đàn ông và cả trụ cột trong nhà. Điều đó quả thực khiến những cậu bé đó trở nên (hoặc nghĩ là) mình mạnh mẽ dù trong đầu óc non nớt của chúng luôn thường trực cảm giác bất công: Tại sao phải nhường món đồ của mình? Tại sao không được khóc? Tại sao phải chịu trận khi bị con gái đánh? Tại sao… Chỉ có 1 câu trả lời: Vì con là con trai.
***
Khi lớn lên, đi học và… yêu đương, việc cậu bé - chàng trai đó phải đối diện và trải qua những áp lực nam nhi bắt đầu được nâng lên mức cao hơn, từ việc phải chiến đấu với những gã trai khác như một chiến binh thực thụ đến việc chứng tỏ mình xứng đáng có… 10 người yêu. 

Đừng nghĩ bọn con trai mới lớn vô tư và hồn nhiên nhé! Những sức ép từ bạn đồng trang lứa, cùng giới tính cũng không hề nhỏ. Nếu muốn gia nhập nhóm bạn trai với nhau, cậu bé phải lựa chọn thay đổi bản thân. Như con trai tôi năm lớp Năm vốn không hề thích đá bóng nhưng vẫn phải tham gia chỉ vì nếu con trai không biết đá bóng là “loại con trai mặc váy”. Cậu bé đã bị tẩy chay chỉ vì “đá hỏng trong một trận bóng”. Hay như tôi, năm lớp Mười, tập tành hút thuốc dù biết rõ thuốc lá không tốt cho sức khỏe chỉ vì nếu không hút sẽ bị tụi bạn trai xua đuổi “ra chỗ khác chơi với con gái đi”. 

Những cô gái mới lớn cũng gặp sức ép của bạn gái với nhau nhưng con trai mới lớn còn gặp cả sức ép với chính cô gái mà cậu bé yêu thích. Những cậu bé mới lớn luôn phải thể hiện bản thân rất nhiều nếu muốn bạn gái chú ý, thậm chí phải khác đi với chính con người thật của mình. Rồi cách chiều chuộng bạn gái, việc đàn ông phải chi trả tiền ăn và mua quà cho bạn gái, bảo vệ bạn gái trước những thằng con trai xung quanh trêu chọc…

Khi trở thành một người đàn ông trưởng thành, đi làm, lấy vợ, sinh con, áp lực chưa bao giờ giảm đi dù đã có thêm một phụ nữ gánh vác cùng họ. Bởi trách nhiệm trụ cột gia đình, gánh vác tài chính. Bởi đôi khi còn phải đứng giữa mẹ mình với vợ mình. Bởi có thể trở thành thế hệ bánh mì kẹp: vừa lo cho gia đình nhỏ, vừa báo hiếu cha mẹ già, chịu trách nhiệm trước họ tộc… Đi làm cũng vậy. Đàn ông mà! Phải làm việc nặng hơn, phải xông xáo hơn. Phải rượu bia tiếp khách, phải quan hệ xã giao, phải đón ý sếp, phải thăng tiến… Tất cả đều là PHẢI. Cấm than vãn, cấm khóc lóc. Đàn ông than vãn trên mạng thử xem, đá ném rào rào. Đàn ông con trai ai lại thế?
***
Vừa rồi tôi đọc báo, thấy kể ở Bắc Kinh (Trung Quốc) có hệ thống nhà hàng Jin Ding Xuan dành riêng cho đàn ông, được mệnh danh là “thánh địa cuối cùng của đàn ông” - nơi đàn ông trung niên có thể vào ăn uống một mình hoặc đi cùng bạn bè cũng là đàn ông. Ở đó, họ có thể vừa ăn vừa khóc. Hay như ở New Zealand có những “cabin để thở” dành cho đàn ông gặp áp lực cuộc sống. 

Đàn ông cũng cần được thở. Họ cũng cần được tư vấn tâm lý để gỡ bỏ những áp lực làm đàn ông thay vì chịu những áp lực đó để rồi trở thành những gã đàn ông sẵn sàng dùng cú đấm để giải tỏa. Họ cũng cần những nơi không treo biển “Đàn ông phải…”. Họ cần được thở dài, thậm chí khóc và nói ra hết những thứ nặng nề trong lòng mà không bị phán xét, chê trách. 

Ngay trong chính cuộc hôn nhân của họ cũng vậy. Nếu may mắn, họ cưới được những phụ nữ hiểu chuyện, biết lắng nghe chồng thay vì chỉ ca ngợi “chồng người ta”; những phụ nữ hiểu áp lực mà chồng họ phải trải qua để cùng san sẻ gánh nặng tài chính, cùng chia sẻ những vui buồn, ấm ức, bức xúc trong cuộc đời làm đàn ông của chồng họ. Thực ra, phụ nữ kiểu đó cũng rất nhiều. Chỉ là đàn ông lại bị “khóa miệng” bởi “là đàn ông thì không được than vãn”. Chỉ là nhiều người chồng chọn cách tự mình giải quyết thay vì nói với vợ. Nên nhiều phụ nữ hiểu chuyện lại bị thành “người vợ vô dụng”. Nên nhiều người vợ muốn chia sớt với chồng đều không được vì cạy miệng chồng không ra. Cứ thế mà thành hôn nhân ngột ngạt. Cứ thế mà thành chồng lầm lì, kín tiếng trong khi vợ thì suốt ngày ca cẩm, cằn nhằn, than vãn, kêu ca…

Hôm trước, tôi có nghe tâm sự của một người đàn ông qua đài. Anh kể rằng chưa có ngày nào anh được sống một cuộc đời như mình mong muốn. Từ khi anh còn bé, cha mẹ anh đã quyết định mọi điều. Anh lớn lên với đôi vai trĩu nặng trách nhiệm con trưởng dòng họ. Rồi khi lấy vợ, anh phải dạy vợ theo yêu cầu của mẹ. Trong khi đó, vợ anh luôn muốn anh phải có trách nhiệm với gia đình nhỏ, các con và cả với vợ mình. Anh phải từ bỏ công việc yêu thích, đam mê vì nó không mang lại nhiều tiền bạc, địa vị xã hội. Anh luôn đau đáu việc được sống đúng với bản thân mình nhưng anh chưa bao giờ thực sự sở hữu cuộc đời mình theo cách mình muốn.

Bao nhiêu người đàn ông như vậy? Hay chúng ta mới chỉ nhìn thấy đàn ông với vô vàn lợi thế và câu chuyện bình đẳng giới luôn chỉ dành cho phụ nữ? Đàn ông là thủ phạm gây ra bất bình đẳng giới còn phụ nữ là nạn nhân của bất bình đẳng giới?

Tạm kết lại để… thở.

Đúng! Phụ nữ có cái khổ của phụ nữ nhưng đàn ông cũng có những nỗi khổ của đàn ông. Kể ra đây chẳng phải nhằm đòi công bằng cho đàn ông mà chỉ là để chúng ta cùng nhìn lại một cách rộng lòng hơn về những định kiến hẹp hòi xã hội đã quy ước để cả 2 giới được thở một chút giữa cuộc đời khó khăn này; để chúng ta đôi khi “chuyển vế đổi dấu” đứng vào vị trí của nhau mà yêu thương, trân trọng nhau hơn. 

Hoàng Anh Tú 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI