1. Gia đình cô có một cái ô tô nhỏ, gửi ở bãi xe cách nhà chừng năm phút đi bộ. Ngang qua con hẻm, băng qua đường, là tới. Bi kịch ở chỗ, cuối hẻm có một cái nhà được thuê để ở, bày thêm mấy bộ bàn ghế nhựa, bán các thể loại bia, nước ngọt. Phía trong cơ man là hàng hóa bình dân.
Chủ nhân của cái tiệm tả pí lù ấy là một cặp vợ chồng, chẳng biết lớn tuổi thật sự hay cảnh lam lũ khiến họ trông già hơn tuổi. Khách hàng của cái quán ấy mỗi sớm sớm chiều chiều là lu xu bu người lớn trẻ con xì xoạp bưng húp, ăn tục nói phét, chơi bài và bình phẩm thiên hạ. Cô mỗi ngày qua đấy, tất nhiên trở thành chủ đề hấp dẫn rồi.
Cô không mấy bận tâm đến việc họ công khai lườm nguýt mụ đàn bà sáng nào cũng áo đầm nhã nhặn rảo qua, túi xách mang bên hông cho đỡ nguy cơ trộm cướp, nước hoa không hề có mùi rẻ tiền. Cô cũng chẳng ngại ngần e dè khi đi trước đám người ô tạp đó, mà điềm nhiên bước, có hôm, cô còn hứng thú ngó nghiêng, quan sát họ. May thay, vẫn chưa tới mức có kẻ nào dám xấc xược với cô.
Chỉ là bọn họ hay ông ổng hát mấy câu cải lương ngớ ngẩn mỗi khi thấy mặt cô thì phải. Điệp ơi Lan đi tu vì đầu Lan có ghẻ, chứ Lan không phải là kẻ tu hành tành tành tành... Sau thì cô cũng nhận ra, gã chủ quán gầy nhom đen nhẻm trông cực kỳ dơ dáy ấy tên Điệp. Và mình bất đắc dĩ được gọi là Lan đây mà. Tình ơi là tình! Hấp dẫn thật. Cô thấy mình vừa quê vừa như bị sỉ nhục. Kinh ngạc như mình đã đắc tội gì với bọn người vô công rỗi nghề này vậy. Cái trò ghép đôi thời học sinh trẻ trâu ấy, hóa ra đến tận bây giờ vẫn còn có đất dụng võ à!
Mãi rồi cô cũng dần tin và hiểu, trong cái xã hội tưởng chừng đã vô cùng bình đẳng và văn minh bây giờ, đàn bà mà “dám” lái xe hơi thì vẫn mang một “cái tội” vô hình nào đó, cả với phụ nữ và đàn ông trong thiên hạ thì phải…
2. Ngà có lẽ chưa tới bốn mươi, ăn diện phục sức đều có chiều hướng cưa sừng cho nó trẻ. Còn tuổi thật thì xin miễn bình luận. Quần short jeans ngắn ở mức chẳng thể cũn cỡn hơn. Da luôn được bôi kem xức phấn gì đó. Ra đường, lúc nóng máy lên, Ngà sẵn sàng kéo kiếng xuống chửi một phụ nữ khác đi lấn lề: “Chở con mà sao ngu thế. Ngu hết phần thiên hạ luôn à?”. Người kia cũng chẳng vừa, tru tréo lên bảo: “Cái thứ đàn bà mà như đàn ông, bày đặt lái xe cơ đấy!”.
Chồng Ngà không can dự vô cuộc hơn thua ấy của vợ. Anh ngồi ở băng sau, người co lại, sở hữu một vẻ kham khổ hiếm thấy trên đời. Có lẽ cuộc mưu sinh vất vả thiếu may mắn, ít thành công đã hằn từng nét cam chịu lên khuôn mặt anh. Nhất là từ khi Ngà nghiễm nhiên tha về nhà một cái xe hơi chẳng rõ là bạc tỷ hay bạc trăm (triệu), từ nguồn quỹ đen quỹ đỏ quỹ vàng đâu đó, chưa từng bàn bạc với chồng một câu lấy lệ.
Anh chồng cảm thấy mình vừa lép vừa quê, đoan chắc hàng xóm đang nhìn mình bằng con mắt coi thường. Rằng anh phải nhu nhược vô dụng cỡ nào, mới để vợ hàng ngày lái bốn bánh đậu ở cửa, chở con chở cái chở ôsin, anh đứng ẩn người trong nhà ngó ra, tự hỏi phải chăng mình đã không còn tồn tại trong ngôi nhà này?
Qua cái cửa hàng bán sữa tươi có con bò bông đứng làm kiểng ở đằng trước, Ngà ngẫu hứng muốn mua vài hộp không đường. Mà xe thì đã lỡ trớn mất rồi. Tấp vào, không thể đậu lấn qua hàng trái cây bên cạnh, lơ mơ là ăn phải cú “đốt phong long” chứ chẳng đùa. Xoay trở mãi cũng không thể nào dừng sát tiệm được, nó phải ngang ngang phè phè nửa chừng xuân, bên trong dư ra một khoảng đường xeo xéo đủ cho xe máy đi lọt. Tất nhiên là có xe hai bánh len vô rồi. Một anh chồng tống bốn, nghĩa là cả gia đình chật vật đầu xuôi nhưng đuôi khó ở. Quay sang càm ràm đầy ác ý:
- Cái thứ xe nằm vô duyên!
Ngà nhìn ra, mắt môi chẳng hề dịu tia thông cảm. Đàn ông đang chở vợ con càng hăng máu, hỏi xóc:
- Biết lái xe không đấy?
- Cũng sơ sơ đủ xài! Còn anh, anh biết không?
Lời ngọt ngào tưởng vô nghĩa, nhưng đau tựa dao đâm. May quá, cảnh hay ho đến đây là kết thúc. Sữa được mang ra, tiền trao cháo múc. Đàn ông chở vợ con cũng lặn đi cho nước nó trong. Tiếc là đàn ông còn lại trên xe thì không có cái may mắn đấy, phải tiếp tục nghe sỉ vả bâng quơ:
- Ganh tị à? Đàn ông bất tài vô tướng, thấy phụ nữ lái xe thì ghen ghét chứ gì. Có ngon thì sắm lấy một chiếc mà đi, ở đó mà kiếm chuyện!
3. Thằng con trai nhỏ của chị vốn mê ô tô từ trong trứng nước. Thuở mới lên năm, mỗi lần được mẹ cho đi taxi, nó đều hào hứng đề nghị:
- Hay mẹ mua một cái taxi đậu ở cửa sổ nghen mẹ? Khi nào mẹ với con muốn đi đâu thì mình đi!
Lý lẽ của trẻ con đáng yêu thế, nhưng khiến lòng người lớn hờn tủi nhiều. Mình đâu đến nỗi nào mà phải khổ sở hứng gió hứng bụi, hứng nguy hiểm mỗi ngày mãi vậy. Nhìn quanh bạn bè hồi ấy mà xem, đa phần đều đã được lên xe xuống ngựa nhờ vào sự giỏi giang của chồng. Chỉ có chị là cứ lẹt đẹt xe hai bánh mãi, khổ sở chẳng biết để đâu cho hết. Đúng là không có số hưởng. Biết vậy, hồi đó nhìn ngó chọn lựa cho kỹ vào…
Ờ mà ai ngờ đâu đấy, chồng nhỏ Trâm hồi xưa coi lúa bỏ xừ, lơ ngơ như bò đeo nơ, mà cuối cùng thành đạt, xây nhà đầu tiên trong nhóm bạn, nội thất sang trọng đẹp đẽ đến phát thèm. Giờ nghe Trâm vô tư khoe mỗi cuối tuần là cả nhà vi vu đi biển đổi gió, sướng thế không biết. Còn mình thì…
Từ chuyện cái xe xọ ra bao nhiêu là so sánh. Chị tự trách bản thân. Ta đã làm gì cuộc đời ta, mà thê thảm tuột dốc thế này? Bao giờ thì mình mới có thể ngóc đầu lên bằng thiên hạ cơ chứ? Chồng chính là sự nghiệp, và chị đã thất bại thảm hại khi rước nhằm cái “sự nghiệp” dở dở ương ương, chẳng có chí cầu tiến, sống nay biết nay đấy sao? Càng nghĩ càng thấy cú. Càng cú càng cay nghiệt với chồng con từng lời ăn tiếng nói. Càng cay nghiệt thì cuộc sống càng mỏi mệt nặng nề, mà người đàn ông trong cuộc đôi khi cũng chẳng hiểu nổi là vì đâu.
Mãi đến khi tình cờ gặp chồng của Trâm bước ra từ một khách sạn mini trong hẻm, ân cần tình tứ mở cửa cho “bạn cùng phòng” là một cô gái trẻ lạ hoắc, thì chị mới giật mình. Ngẫm ngợi. Đời quả cái gì cũng có giá của nó. Một người đàn bà sở hữu ông chồng xủng xẻng sắm được ô tô chưa chắc đã luôn hạnh phúc trọn vẹn hơn người. Khóc hay cười, nào đâu phải chỉ do việc ngồi trên xế hộp hay xe máy cà tàng quyết định…
Hạ Yên