Hẹn nhau mùa nước nổi
Về vùng tam giác Tri Tôn - Tịnh Biên - Châu Đốc vào mùa nước nổi (khoảng tháng 9 đến tháng 11 dương lịch), bạn sẽ có thêm cơ hội ngắm nhiều cảnh đẹp khác của miền Tây sông nước. Nếu gặp may, trên đường đi, bạn có thể gặp cảnh len trâu với đàn trâu hàng chục con lội dưới cánh đồng ngập nước như trong bộ phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Hoặc bạn sẽ gặp những đàn vịt chạy đồng tạo nên cảnh tượng khó quên.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham gia một lễ hội thể thao - văn hóa cực kỳ sôi động của đồng bào nơi đây là lễ hội đua bò được tổ chức tại các sân chùa. Dự kiến lễ hội đua bò năm 2018 sẽ được tổ chức từ tháng 9 đến tháng 10 dương lịch.
Hàng thốt nốt trong mơ và non nước hữu tình trên đồi Tà Pạ
Khi vừa nghe mấy người bạn đồng nghiệp rủ đi H.Tri Tôn, tỉnh An Giang chơi vào dịp cuối tuần, tôi đã lập tức nhận lời bởi trước đó từng chiêm ngưỡng loạt ảnh phong cảnh đẹp mê hồn ghi được từ vùng đất này.
Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi khởi hành từ Sài Gòn lúc 22g và đi thẳng đến Tri Tôn. Khi tôi choàng tỉnh giấc, đồng hồ đã chỉ gần 5g. Xe chạy vào sân một ngôi chùa lớn. Trời lúc đó bắt đầu hửng sáng, tôi không kìm được tiếng reo phấn khích khi trước mắt hiện ra hàng cây thốt nốt đều tăm tắp soi bóng lên mặt ruộng ngập nước với mặt trời dần hé dạng phía xa. Bầu trời bình minh thay đổi màu sắc liên tục, tạo cảm giác như đang lạc vào bối cảnh của một bộ phim cổ tích.
Rời khỏi ngôi chùa với hàng thốt nốt “thần thánh”, chúng tôi dùng bữa sáng thật nhanh rồi tiếp tục di chuyển lên đồi Tà Pạ, một quả đồi cực lớn với “điểm nhấn” gần đỉnh đồi là một hồ nước trong xanh phẳng lặng tựa như một bức tranh thủy mặc. Hồ nước này có vẻ đẹp quyến rũ không thua gì các hồ nước được mệnh danh “Tuyệt tình cốc” khác đang được giới trẻ mê đắm. Đứng trên đỉnh đồi cao lộng gió, phóng tầm mắt ra thung lũng Tà Pạ bên dưới, tôi lặng người chiêm ngưỡng bức tranh rực rỡ của thiên nhiên dưới ánh mặt trời. Những cánh đồng lúa vàng, xanh đan vào nhau như một bàn cờ đầy màu sắc, trải dài tít tắp về phía chân trời.
Trở về tuổi thơ
Khi mặt trời đã lên khá cao, rời đồi Tà Pạ, chúng tôi tiếp tục hành trình với điểm đến cách đó khoảng hơn 10 phút xe chạy, trên đường vào thị trấn Ba Chúc. Đây là đường vào ngôi chùa Khmer có tên dân dã, chùa Hàng Còng, với điểm nhấn chính là hàng cây còng xanh ngút ngàn hai bên vệ đường.
Tôi chợt thấy như được trở về tuổi thơ hồn nhiên chơi đùa trên con đường làng trước ngõ. Dưới hai hàng cây, những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa và ngoan ngoãn cúi chào khách phương xa. Trẻ em ở đây vốn không xa lạ với những du khách thành thị. Nhiều em còn bày ra trò chơi rượt đuổi, lăn vỏ xe hay chạy xe đạp để giúp chúng tôi có thêm nhiều bức ảnh sinh động.
Khoảng 10g, các hoạt động vui đùa được hoãn lại để nhường đường cho các sư thầy từ trong chùa đi ra, bắt đầu hành trình khất thực. Từng nhóm nhà sư trong tà áo cà sa màu cam chậm rãi bước dưới hàng cây xanh rì tạo nên bầu không khí an yên, khiến lòng như lắng lại.
Thiên đường xanh ngập nước
Trước khi kết thúc hành trình du lịch ngắn ngủi cuối tuần, chúng tôi ghé vào rừng tràm Trà Sư. Thật thú vị với cảm giác lần đầu tiên được trải nghiệm một chuyến xuồng máy len lỏi giữa rừng tràm ngập nước. Ở tâm rừng, chúng tôi lên các con đò nhỏ và được các cô lái đò duyên dáng kiêm hướng dẫn viên đưa đi tham quan những con kênh nhỏ trong rừng. Một cảnh tượng đem đến những cảm xúc khó diễn tả bằng lời khi con đò lướt trên mặt nước phủ đầy bèo tấm; xung quanh chỉ có tiếng chim hót, tiếng mái chèo khua nhẹ và màu xanh mướt mát của cỏ cây...
Ở giữa rừng tràm, đoàn chúng tôi được thưởng thức một bữa trưa ngon tuyệt với những món ăn miền quê như cá lóc nướng, gà thả vườn… trước khi một lần nữa xuống đò để băng qua thiên đường màu xanh lá trở về mặt đất. Khi ra về, bạn đừng quên mua mật ong rừng nguyên chất bán nhiều ở cửa rừng để làm quà nhé!
Nếu không thích dùng bữa trong rừng tràm, bạn có thể chuyển hướng đi về Tịnh Biên chừng 10-15 phút sẽ đến thiền viện Đông Lai, nơi khách thập phương gọi bằng cái tên thân mật chùa Bánh Xèo. Trong chùa luôn phục vụ bánh xèo chay đãi khách viếng thăm.
Dù rất tiếc khi không đủ thời gian khám phá thêm vùng quê biên giới đẹp tuyệt vời này, tôi vẫn thấy vô cùng hài lòng. Với chuyến đi “thần tốc” đó, ngoài những trải nghiệm nghe nhìn ấn tượng, tôi còn thu hoạch được vô số bức ảnh cả phong cảnh lẫn selfie đủ để “sống ảo” hàng tháng trời. Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại đây để có thêm nhiều trải nghiệm mới. Lần hẹn tới có lẽ sẽ vào mùa nước nổi, thời điểm đặc biệt nhất để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của vùng tam giác Tri Tôn - Tịnh Biên - Châu Đốc, nơi người dân quê vẫn còn giữ nguyên nét hồn hậu, mộc mạc, đúng chất miền Tây.
Trần Như Khánh