“Một ngày trong lịch sử”

02/05/2013 - 07:20

PNO - PN - Cuộc thảm sát ở Utoya ngày 22/7/2011 đã trôi qua gần hai năm. Mọi người đã cố quên đi hình ảnh một tên cực hữu xả súng giết người hàng loạt tại một trại hè thiếu niên trên đảo Utoya (Na Uy). Thế nhưng, có một người luôn...

“Mot ngay trong lich su”

Andrea Gjestvang, tác giả bộ ảnh “Một ngày trong lịch sử”

Eirin Kristin Kjaer bị bắn bốn phát vào thân trên. Kẻ sát nhân Anders Breivik dùng đạn được chế tạo đặc biệt để tăng độ sát thương, bắn vào bất cứ người nào trước mắt. Sau khi trúng phát đạn đầu tiên của Breivik, Kjaer gục xuống sát bờ biển với suy nghĩ “mình sắp chết”. May mắn, Breivik không bắn thêm phát nào vào Kjaer nữa. Nhiều người khác đã không may mắn như Kjaer, những phát đạn điên cuồng của Breivik đã lấy mất mạng sống của 77 người.

Bây giờ, ký ức khủng khiếp đó của những người may mắn thoát chết được tái hiện bằng bộ ảnh mang tên Một ngày trong lịch sử (One day in history). Andrea Gjestvang đã bỏ ra tròn một năm để tìm gặp những người sống sót sau thảm họa Utoya. Qua những bức ảnh chân dung của họ, Gjestvang ghi lại suy nghĩ và sự hồi phục của nạn nhân cũng như cách họ tìm lại thăng bằng trong cuộc sống. Bộ ảnh này đã giúp Andrea Gjestvang được trao tặng danh hiệu Nhà nhiếp ảnh của năm và đoạt thêm giải Ảnh ấn tượng nhất trong năm (Sony World Photography Awards). “Tôi muốn tìm hiểu họ đã thay đổi thế nào trong suy nghĩ cũng như trong cuộc sống. Tôi cũng muốn biết thảm họa đã ảnh hưởng ra sao đối với nạn nhân”, Andrea Gjestvang nói về lý do bà thực hiện bộ ảnh này.

“Mot ngay trong lich su”

Ylva Schwenke. 15 tuổi, vẫn còn những vết sẹo lớn trên lưng

“Mot ngay trong lich su”

Cecilie Herlovsen, 17 tuổi, mất cánh tay phải

“Mot ngay trong lich su”

Alexander Sandberg, 16 tuổi, dù thân thể còn nguyên vẹn nhưng vẻ mặt lúc nào cũng trầm tư

Nhiều nạn nhân nói với Gjestvang là họ đã trưởng thành ngay trong cuộc thảm sát. “Khi Breivik bắn xong phát đạn cuối cùng, tôi trở thành một người khác”, một người nói. Trong khi nhiều người cho rằng họ già dặn hơn từ trải nghiệm này thì nhiều người khác đến giờ vẫn hằn sâu ký ức về sự kiện thảm khốc ấy và luôn nghĩ về sự mong manh của cuộc đời. Một số lại luôn sống trong nỗi lo lại bị bắn một lần nữa. “Không ít người chọn cách sống xa lánh người thân quen, dù điều đó khiến họ đánh mất bạn bè, thân nhân cũng như người yêu”, Gjestvang nói thêm.

“Mot ngay trong lich su”

Eirin Kristin Kjaer, 20 tuổi, vẫn còn nhũng vết sẹo to ở bụng, tay, đầu gối

Eirin Kristin Kjaer đã có sự hồi phục thần kỳ về thể xác lẫn tinh thần. Cô tham gia nhiều môn thể thao, kể cả môn võ kickboxing trong khi theo học khoa chính trị ở trường đại học. Tuy nhiên, cho đến giờ, Kjaer vẫn chưa thôi ám ảnh bởi cảnh tượng kinh hoàng mà cô chứng kiến. “Tôi từng tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục sống như người bình thường và tôi luôn tự nhủ “Cố lên, mình mới 21 tuổi mà”, Kjaer nói với Gjestvang. Không nhiều người có được suy nghĩ tích cực như Kjaer, Gjestvang nói, sau khi tiếp xúc với hàng trăm thanh niên sống sót sau thảm họa Utoya.

Andrea Gjestvang cho rằng, vụ thảm sát Utoya đã hằn sâu trong tâm trí nhiều người Na Uy chứ không riêng gì các nạn nhân còn sống sót và bà thực hiện bộ ảnh nhằm phần nào xóa đi ký ức đau buồn ấy. Trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Đức Der Spiegel, Andrea Gjestvang chia sẻ: “Nhiều người nói, thời gian là phương thuốc hiệu nghiệm xóa tan những buồn đau. Từ sau vụ Utoya, tôi nghĩ, ai cũng phải sống với ký ức dù là buồn hay vui. Thế nên, đừng quá lo lắng về những điều nhỏ nhặt, cũng đừng xem điều gì là quá nghiêm trọng đến mức không thể vượt qua”.

THIỆN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI