Quanh năm xài nước phèn
Chiều tối, gian bếp nhà ông Nguyễn Văn Sống (ấp 6, xã Hưng Long) vẫn chưa thể đỏ lửa. “Hết nước rồi, nấu nướng gì được. Giờ tôi chỉ cần một miếng nước để nấu nồi canh mà hứng nãy giờ vẫn chưa đủ” - vợ ông Sống ngồi canh chỗ bồn nước trước nhà mà như ngồi trên đống lửa. Ông Sống mấy hôm nay bệnh. Nằm nghỉ trong nhà, nghe chúng tôi nhắc chuyện nước, ông Sống bật dậy, mệt nhọc bước ra sân.
|
Bồn lọc nước thủ công của nhà ông Nguyễn Văn Sống |
Chỉ cho chúng tôi xem những cái lu cạn nước nằm trơ trọi, rong rêu và bùn bẩn bám đầy dưới đáy, ông Sống cho biết, gia đình ông đã làm hệ thống lọc phèn từ nhiều năm trước. Lâu nay, người dân ở ấp 6 phải xài nước giếng khoan từ hai trạm cấp nước. Nước nhiễm phèn nặng, người dân phải tự làm bồn lọc bằng cát nhưng cách làm thủ công này không mấy hiệu quả.
Cầm chiếc ca để trên bàn dính đầy rong dưới đáy, ông Sống phân trần: “Hôm qua, tôi mới múc ca nước lạnh để vô mà giờ bợn rong đã bám đầy. Như vậy sao dám uống”.
Người dân phải mua nước bình để uống, còn nước sinh hoạt đã bẩn lại thường xuyên bị thiếu. Theo người dân ở ấp 6, cứ vào mỗi buổi chiều, họ lại bị cắt nước. Nhiều bữa, nước hụt đến tận đêm nên nhiều người phải nhịn tắm để trữ nước cho hôm sau. Ấp 6 nằm trong quy hoạch dự án Làng đại học Hưng Long với diện tích hơn 500ha. Tính đến nay, dự án đã bị “treo” suốt 12 năm khiến 1.200 hộ dân khốn khổ.
Ở ấp 7, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, từ nhiều năm trước, nước sạch đã được đưa về. Thế nhưng, không phải ai cũng có được niềm vui dùng nước sạch. Anh Trần Xuân Hòa làm hồ sơ xin đồng hồ nước lâu nay, vẫn chưa được cấp. Để có nước sạch phục vụ cho quán ăn, anh phải câu nước từ nhà hàng xóm, mỗi tháng phải trả hàng triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Phấn, cán bộ Chi hội Phụ nữ ấp 7, xã Phạm Văn Hai cho biết, người dân ở ấp 1, ấp 2, ấp 7 đã gửi hồ sơ xin cấp đồng hồ nước từ lâu nhưng hộ được cấp, hộ không, nhiều nhà phải xài chung một đồng hồ nước khiến lượng nước xài vượt định mức, đóng phí rất cao. “Tại các cuộc họp, chúng tôi đã nêu ý kiến nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết”, bà Phấn nói.
Tại xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, nhiều người dân cũng than trời chuyện nước máy có mùi tanh và màu vàng đục. Tại một hội nghị đầu tháng Tám vừa qua, lãnh đạo UBND H.Bình Chánh công bố, toàn huyện đã có 95,39% hộ dân được dùng nước sạch, không biết con số này có bao gồm số hộ trong vùng quy hoạch “treo” hay không.
Sống trong “nhà chờ sập”
Ngoài con kênh nước đen ngay trước nhà bốc mùi nồng nặc, năm này qua tháng nọ, người dân ấp 7, xã Lê Minh Xuân còn phải chống chọi với cái nắng bưng đầu rọi xuống, khi họ phải sống trong những căn nhà tạm bợ, chủ yếu bằng mái tôn. Mùa nắng đã khổ, mùa mưa còn khổ trăm bề, nước ngập, đường sá sình lầy.
“Hôm rồi, đầu đau như búa bổ, tôi đi khám. Một trời bệnh. Cả vùng này, sức khỏe ai cũng xuống nhanh” - anh Hân, 36 tuổi, sống ở vùng quy hoạch “treo” xã Lê Minh Xuân ngao ngán. Anh Hân được cha mẹ cho đất để xây nhà, nhưng vướng quy hoạch “treo”, không xây được, phải đi mượn đất lợp tạm miếng tôn rồi dùng vải, bạt dặm vá tứ phía, vừa làm tiệm cắt tóc, vừa làm chỗ ở tạm từ 7 năm qua.
Tiệm tóc của anh Hân được người quen cho dựng ngay trước nhà, vì căn nhà của người này cũng xập xệ không kém. Nhà mái ngói, tường vôi, mấy chục năm không được sửa sang, nhiều chỗ dột, mục, cũng được dặm vá bằng tôn, bạt. Ở ấp 7 này, không thể kiếm ra một căn nhà khang trang. Nhà nào cũng ẩm thấp, không căn nào vẹn nguyên vì mấy chục năm không được xây, sửa.
“Muốn sửa, phải có đầy đủ giấy tờ, nhưng ở vùng này, không nhà nào có giấy chủ quyền” - anh Hân ngao ngán. Hỏi chuyện con cái, anh Hân buồn thiu: “Mọi thứ cứ tạm bợ như vầy, chưa dám đẻ”. Anh Hân tiếc rẻ: “Miếng đất cha mẹ cho tôi rộng lắm, nếu dựng nhà rồi mở tiệm ngay đó, tôi đã làm ăn ngon lành, có con cái ổn định rồi”. Người đông, không chỗ ở, đất bạt ngàn nhưng chỉ để ngó là nỗi khổ chung của người dân khắp các vùng quy hoạch “treo”.
Ở vùng quy hoạch dự án cây xanh cách ly (quanh khu công nghiệp) ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân, người dân phải liên tục kêu cứu chính quyền vì môi trường sống bị đe dọa. Theo quy định, có khu công nghiệp, người ta phải làm ngay khu cây xanh cách ly, nhưng khu công nghiệp đã đi vào hoạt động từ lâu mà dự án cây xanh cách ly vẫn “treo” suốt hơn 20 năm, khiến hàng trăm hộ dân khốn khổ với ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, nước thải, rác thải.
“Tôi bệnh hoài cũng do vậy đó, lúc nào cũng hít mùi hôi, khói độc, sức người đâu chịu được. Tụi tôi nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương mau chóng bồi thường, giải tỏa để dân tình thoát cảnh ô nhiễm, nhưng chờ 21 năm rồi, vẫn chưa thấy gì” - chị Nguyễn Thị Út, cư dân ấp 7, xã Lê Minh Xuân nói.
Cũng bị “treo” hơn 20 năm qua, dự án khu đô thị Sing Việt ở xã Lê Minh Xuân đã và đang đẩy bao người dân vào cảnh khốn đốn. Hàng chục năm nay, gia đình ông Huỳnh Văn Tiền (ấp 2, xã Lê Minh Xuân) phải đi khắp nơi kêu cứu vì giá đền bù đất ở dự án này. Theo ông Tiền, gia đình ông có 3ha đất trồng mía bị thu hồi để phát triển dự án, nhưng mức đền bù chưa đến 6 tỷ đồng (150.000 - 200.000 đồng/m2), thấp hơn giá thị trường hiện nay 20 lần, trong khi dự án ”treo” từ năm 1997 đến nay. Người dân đề nghị khi triển khai dự án, phải áp dụng giá thị trường hiện nay.
“Phải chi được đền bù, được di dời đến vùng tái định cư, hoặc tìm cách khác mà an cư, chứ quy hoạch cứ treo, cuộc sống lẫn mạng sống của chúng tôi cũng cứ treo theo quy hoạch thế này thì còn gì là sống” - bà Hồng (ấp 6, xã Hưng Long), cám cảnh.
Nhà bà Hồng được xây bằng gạch, mái ngói tường vôi, nhưng nằm giữa khu đất trũng, bốn bề cỏ dại um tùm. Mưa xuống, căn nhà và đường đất dẫn vào nhà chìm trong nước. Mấy chục năm không được sửa sang, nước ăn mòn, vỡ gạch chân tường, hễ mưa kèm theo gió lốc, bà cứ sợ nhà sập. Xin sửa nhà thì chính quyền không cho, sửa lén thì sợ bị cưỡng chế.
Bao giờ thì cuộc sống người dân các vùng này không còn bị “treo” nữa? Câu hỏi này xin dành cho nhà quy hoạch, nhà đầu tư và chính quyền các cấp.
Sơn Vinh - Tuyết Dân