Quy hoạch “treo” từng được phản ánh nhiều trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM. Mới đây, trong cuộc gặp với lãnh đạo H.Bình Chánh, một lần nữa, người dân vùng quy hoạch “treo” lại được dịp kể khổ. Câu chuyện có đất nhưng không được xây nhà, khốn đốn chờ nước sạch hay mong ước xóa quy hoạch “treo” của cụ bà 85 tuổi... đã thôi thúc chúng tôi trở lại những vùng đất này.
|
Mấy năm trước, nghe tin có chủ trương cho người dân vùng quy hoạch “treo” ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh, TP.HCM) được cấp số nhà, làm hộ khẩu, nhiều người mừng đến rơi nước mắt. Nhưng rồi, tập hồ sơ xin cấp số nhà cũng ngả màu, hoen ố mà “treo” vẫn cứ “treo”. Tại các vùng quy hoạch “treo” của xã Lê Minh Xuân, Tân Quý Tây, Hưng Long của H.Bình Chánh, cuộc sống của người dân cũng bị “treo” theo quy hoạch.
|
Một căn nhà ở khu quy hoạch “treo” thuộc xã Bình Hưng, H.Bình Chánh |
Mơ cuốn “sổ đỏ”, khó chuyện tới trường
Giữa trưa nắng hừng hực, chúng tôi băng qua những con đường đầy bụi bẩn để vào ấp 7, xã Lê Minh Xuân. Bên trái con đường vào tổ 15, ấp 7 là những căn nhà tạm bợ lợp tôn nằm gần các nhà máy quy mô lớn. Con kênh nước đen ngòm nằm đối diện dãy nhà tạm dưới nắng trưa nồng nặc mùi hôi thối.
Chúng tôi tấp xe vào chỗ có nhóm người đang ngồi trên bờ kênh ăn trưa để hỏi về quy hoạch “treo”, một người đàn ông ngoài 60 tuổi đứng bật dậy, bực dọc: “Hỏi làm gì nữa, cả khu này quy hoạch từ hồi thằng con tôi mới sinh, nay nó chuẩn bị có con rồi mà vẫn còn “treo” miết”. Một phụ nữ ngồi chung mâm cơm, buông đũa thở dài: “Chú muốn rõ, cứ tới nhà bà Út, bả nói cho nghe! Còn tụi tui quá mệt mỏi, chỉ nghe “quy hoạch treo” là ăn không ngon, nuốt không trôi”.
“Bà Út” vừa được nhắc đến là chị Nguyễn Thị Út. Nhiều năm làm tổ trưởng tổ 15, ấp 7, chị Út rất rành nỗi thống khổ của người dân vùng quy hoạch “treo”, trong đó có chị. Chị ngao ngán: “Gia đình tôi nhiều đất, có nhà cửa hẳn hoi, nhưng nhiều khi cần chút vốn làm ăn hay xoay xở chuyện này chuyện kia, vẫn không sao được thế chấp vay ngân hàng, đành vay nóng, còng lưng trả lãi gấp chục lần. Dân khắp vùng này đều vậy, có đất mà chỉ biết ngồi ngó”.
Đâu riêng nỗi khổ ấy, chị Út còn liệt kê ra hàng trăm vướng mắc phát sinh, đã được trình bày trong các lần lãnh đạo về tiếp xúc cử tri hay các buổi đối thoại với chính quyền, nhưng qua mấy đời chủ tịch huyện, vẫn không có gì mới.
Chuyện quy hoạch “treo” bắt đầu từ 21 năm trước. Thời điểm đó, Bộ Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Lê Minh Xuân, diện tích 100ha, trong đó có 7ha đất cây xanh cách ly. Đến nay, phần đất này vẫn “treo”, trong khi khu công nghiệp đã đi vào hoạt động từ lâu. Chị Út cho biết, khu vực bị ảnh hưởng kéo dài từ cống số 6 đến cống số 8, qua hai xã Tân Nhựt và Lê Minh Xuân với khoảng 150 hộ dân sinh sống. Trong khi khốn khổ chuyện không có quyền hành gì trên mảnh đất của mình để làm ăn, người dân còn đau đầu chuyện gửi con, cháu vào lớp Một.
Ở tổ 15, nhiều người có con vào lớp Một phải tìm đến chị Út nhờ hướng dẫn thủ tục. Cầm trên tay một tập hồ sơ với nhiều loại giấy tờ, chị Út cho biết: “Những người có con vào lớp Một phải kê khai mọi người trong gia đình, dán hình, lên xã đóng dấu xác nhận. Năm nào tôi cũng phải hướng dẫn làm giúp cho vài hộ, trong khi nếu không vướng quy hoạch “treo”, họ được cấp số nhà, hộ khẩu thì đâu cần loay hoay với đống giấy tờ này cho mất công”.
|
Dự án làng đại học ở xã Hưng Long, H.Bình Chánh vẫn chỉ là những khu đất "chết" |
Sau mấy tuần lòng vòng thủ tục, đứa trẻ nào rồi cũng được nhập học, nhưng “kỷ niệm” để con được đến trường khiến hầu hết các phụ huynh không thể nào quên, mà lý do chính bắt nguồn từ việc không có hộ khẩu. Chị Từ Thị Thanh Thảo nhà ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân vướng quy hoạch, không được cấp “sổ đỏ, giấy hồng”, không có hộ khẩu. Lần lượt 5 đứa con vào lớp Một, chị phải kêu từng thành viên trong gia đình đi chụp hình, dán vào tờ khai rồi vòng tới vòng lui UBND xã, cảnh sát khu vực để xác nhận.
Theo chị Út, cách đây vài năm, nghe “ở trên” thông báo người dân vùng quy hoạch “treo” của tổ 15, ấp 7 sẽ được cấp số nhà, làm hộ khẩu, ai nấy đều mừng. Vừa nghe buổi sáng, ngay trong buổi trưa, họ đã tìm đến chị Út xin hướng dẫn hồ sơ, thủ tục. Nhưng rồi, ngày này qua tháng nọ, tập hồ sơ xin cấp số nhà, làm hộ khẩu cứ nằm đó, nhiều quyền lợi của họ cũng tiếp tục lơ lửng theo sự “treo” của khu quy hoạch.
Cụ bà Lê Thị Tư (85 tuổi) về sống ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân từ sau năm 1975. Năm 1997, khu đất của cụ vướng quy hoạch, đến nay vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”. Nhiều lần muốn “xẻ” đất cho các con có chỗ ở, hoặc bán đi, chia cho con ít vốn làm ăn, nhưng chịu. Đất quy hoạch không ai mua, không thể tách thửa, số tiền đền bù trong diện quy hoạch vẫn chưa được nhận, bao toan tính của bà cụ gác lại kể từ ngày có thông báo đất nằm trong quy hoạch. Ngày mai sẽ ra sao, ở tuổi gần đất xa trời, cụ Tư vẫn còn trăn trở.
Đất nhà mênh mông, phải ra ở trọ
Quy hoạch “treo” đã đẩy người dân đến những cảnh vô cùng chua xót. Khi vừa gặp chúng tôi, bà Huỳnh Thị Hằng (ấp 1, xã Tân Quý Tây) bức xúc: “Gia đình tôi đã hiến rất nhiều đất khi chính quyền có chủ trương mở đường ngang qua nhà, cũng là hộ mà hễ xã kêu gọi đóng cái gì, quyên góp cho điều chi, họp hành gì cũng đều đi đầu. Riêng một năm nay, tôi không còn tha thiết những điều này nữa, vì thấy quá bất công”.
Đưa tay vẽ theo đường biên mảnh đất bọc quanh ngôi nhà mình đang ở, bà Hằng rưng rức: “Anh chị coi đi, đất đai vầy mà để không đó, hơn 3.000m2, trong đó thổ vườn hơn 300m2 mà xin cất cái chòi cũng không cho, dù tôi có cam kết cỡ nào cũng không được là không được”.
|
Bà Hằng bức xúc vì đất nhà rộng thênh thang mà đứa con trai phải ra ở trọ do vướng quy hoạch “treo”, không thể xây nhà |
Gia đình bà Hằng có tổng cộng 11 thành viên, chen nhau sống trong ngôi nhà chỉ có 2 phòng ngủ, mỗi phòng rộng chừng 8m2. Thấy đất xung quanh còn rộng, bà Hằng nhiều lần lên UBND xã xin phép được cất một căn nhà tiền chế hoặc dựng tạm một cái nhà để đứa con trai được “ra riêng”. Bà cam kết với chính quyền khi nào khởi động quy hoạch, sẽ tự nguyện tháo dỡ và không nhận đền bù, nhưng “chạy” hoài mấy năm nay, vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu do vướng quy hoạch “treo”.
Mỗi ngày, đứng trước nhà nhìn phần đất vườn bỏ không, trống hoác của mình, bà Hằng chảy nước mắt: “Nhà đông quá, không có chỗ ngủ, vợ chồng con trai tôi phải kéo đi ở trọ. Hai đứa đều làm công nhân, nuôi hai đứa con đi học, tốn kém biết bao nhiêu, trong khi đất đai bạt ngàn, muốn dựng một căn chòi cho tụi nó cũng không xong”.
Mấy năm nay, khi gia đình thêm người, các con lập gia đình, không có chỗ ở, đành về ở chung, rồi sinh con nhỏ, vợ chồng bà Hằng đành nhường cho mỗi “gia đình” các con một phòng. Phần mình, họ mắc võng ngủ sau mấy lần trải chiếu nằm dưới thềm, suýt bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Theo người dân ở ấp 1, xã Tân Quý Tây, phần đất của họ thuộc quy hoạch đất dự trữ nông nghiệp. Biết là vậy, nhưng họ cũng mơ hồ về cái quy hoạch từ thời xa lắc, chỉ thấy cái khổ hiện hữu. Đất “dính” quy hoạch không xây dựng được nên người dân gọi là đất “chết”. Bà Nguyễn Thị Giỏi - cán bộ Hội Phụ nữ ấp 1, xã Tân Quý Tây - cho biết: “Hiện nay, nhu cầu về nhà ở của người dân địa phương rất cao, nhất là xây nhà cho con ra riêng và sửa chữa nhà, nhưng nhiều dự án quy hoạch “treo” lâu năm chưa thực hiện mà vẫn không thu hồi nên người dân không thể cựa quậy được”.
Nhà bà Huỳnh Thị Mai ở ấp 6, xã Hưng Long có 8 người con đều đã lập gia đình, phải chen chúc trong một nhà với cái hộ khẩu ghép vì vướng quy hoạch, không xây nhà được. Nơi bà Mai sống nằm trong dự án Làng đại học Hưng Long. Tính đến nay, dự án này đã “treo” suốt 12 năm, cũng là chừng ấy năm, bà Mai và gia đình mòn mỏi chờ được xây nhà trên chính mảnh đất của mình.
Chung nỗi khổ với bà Mai, bà Hằng là hàng trăm người dân khác đang sống chông chênh, lay lắt trong vùng quy hoạch “treo”. Thật nghịch lý khi người dân nơi đây sở hữu hàng ngàn mét vuông đất mà vẫn phải chen chúc sống qua ngày trong ngôi nhà chật hẹp của cha mẹ, ông bà. Người dân sẵn sàng di dời khi có quy hoạch, nhưng những quy hoạch với mục đích tốt đẹp là giúp xã hội phát triển, mang lại lợi ích cho xã hội ấy, lại chính là thảm họa với những người dân trong vùng quy hoạch khi mà dự án cứ treo lơ lửng hết năm này qua năm khác.
(còn tiếp)
Sơn Vinh - Tuyết Dân