Một ngày rong chơi ở Nagoya

22/03/2014 - 07:56

PNO - PN - Theo chân anh bạn người Nhật Tsubota, tôi đến thăm ngôi đền Thần giáo Atsuta Jingu và làng nghề làm gốm truyền thống Tokoname ở thành phố Nagoya, Nhật Bản.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nagoya không chỉ là thành phố "linh thiêng", mà còn là “trái tim công nghiệp” của đất nước mặt trời mọc. Tsubota nhắc đến Nagoya chỉ bằng một từ duy nhất “Monozukuri!”. Tsubota giải thích, “Monozukuri” trong tiếng Nhật có nghĩa là “Hãy làm điều gì đó đi!”, cụm từ này nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo bản năng của người Nhật. Công ty Toyota là một minh chứng điển hình cho sự thành công khơi dậy sáng tạo của ngành công nghiệp sản xuất ô tô, tổng hành dinh đặt tại Nagoya.

Mot ngay rong choi o Nagoya

Lâu đài Nagoya bên những cánh hoa anh đào

Ngôi đền thần giáo linh thiêng

Chúng tôi đến ngôi đền Thần giáo Atsuta Jingu, một trong những ngôi đền Thần giáo linh thiêng nhất xứ sở hoa anh đào. Ngôi đền rộng 200.000m2 được xây dựng từ năm 71 dưới thời Nhật hoàng Keiko.

Những hàng cột được làm từ những cây long não có tuổi đời hơn 1.300 năm bên trong chính điện thể hiện sự uy nghi và linh thiêng của nó. Những làn gió mang đến mùi thơm toát ra từ những cây gỗ quý nhẹ nhàng dễ chịu. Phía trên, những chụp đèn thả dài được xếp theo nghệ thuật Origami khéo léo và tỉ mỉ, níu kéo tôi vào không gian đầy tính nghệ thuật của giấy.

Những bước chân nhẹ nhàng của dòng người cứ len lỏi qua dãy hành lang dài hun hút sâu để đến chánh điện cầu nguyện. Không ai muốn phá đi cái không gian trầm mặc và linh thiêng đó. Tâm linh của người Nhật là sự pha trộn giữa Thần giáo và Phật giáo. Những lễ hội trọng đại hay sự kiện vui trong cuộc đời được tổ chức theo nghi thức Thần giáo và chỉ khi trở về lòng đất mẹ, người Nhật mới tổ chức theo nghi thức Phật giáo.

Tsubota cho tôi biết thêm về sự linh thiêng của ngôi đền khi giới thiệu lịch sử của thanh gươm báu được đặt giữa đền. Đền Atsuta Jingu từng cất giữ cây gươm linh thiêng của hoàng gia Nhật Bản qua các đời. Ngôi đền được trùng tu năm 1893. Màu trắng của hoa và màu đen của gỗ luôn là những gam màu yêu thích của người Nhật.

Mot ngay rong choi o Nagoya

Gốm sứ Nhật Bản tại làng Tokoname

Làng gốm cổ Tokoname

Buổi chiều, chúng tôi bắt chuyến tàu điện để lang thang đến làng gốm Tokoname có tuổi đời hơn 1.000 năm. Những con đường cổ kính lấm tấm hoa anh đào quanh co trên những ngọn đồi được lát bằng những mảnh gốm cổ kính đưa tôi quay ngược thời gian và sống trong không khí rộn ràng nghề làm gốm cha truyền con nối. Những con đường đến làng được lát bằng những tấm gốm vàng nâu đậm rất đặc trưng, tạo thành một nét rất riêng như muốn giữ lại và bảo tồn những hình ảnh thuộc về quá khứ. Cơn mưa bất chợt đến, hình ảnh những chiếc dù liêu xiêu trên con dốc nhỏ bước đi trong sương mù thật đáng yêu.

Bác Shindo đã hơn 50 tuổi nghề cho biết, làng Tokoname được thành lập từ thời kỳ Heian (794 - 1185), làm gốm để cung cấp cho cả nước. Dòng thời gian cứ lướt đi và cả lịch sử cũng nhiều thay đổi, chỉ còn những tấm lòng yêu nghề ở lại và gìn giữ nghề gốm truyền thống cho đến ngày nay.

Tsubota giải thích thêm, song song với việc học chữ của người Trung Quốc để sáng tạo bộ chữ riêng cho mình, người Nhật còn học thêm nghề gốm. Trong quá trình phát triển, người Nhật áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo dòng sản phẩm khác biệt, đặc biệt những nét hoa văn được vẽ trên gốm luôn là nét riêng, thể hiện văn hóa người Nhật không nhầm lẫn vào đâu.

Tôi say sưa nhìn theo đôi bàn tay thô ráp nhưng vô cùng nhịp nhàng của bác Shindo. Những chiếc cốc hay bình trà được nhào nặn từ hỗn hợp đất sét dẻo qua đôi bàn tay ấy như tròn trịa hơn. Tôi lại tiếp tục “say” trong những nét vẽ hoa văn, hình ảnh phóng khoáng nhưng không kém phần tỉ mỉ, trau chuốt qua đôi bàn tay tài hoa của những người thợ…

Tsubota tự hào nói với tôi rằng: “Kỹ thuật làm gốm của thế giới ngày nay đã thay đổi, gốm sứ Nhật nhìn bên ngoài có thể thấy vẻ gồ ghề không thanh mảnh, nhưng hãy để nước men trả lời với thời gian!”.

 Nguyễn Chí Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI