Một ngày lang thang miền Đông

28/07/2019 - 14:21

PNO - Chúng tôi đã có một ngày lang thang một nhánh nhỏ của miền Đông Nam bộ. Đi để thấy và cảm nhận sự khác biệt hoàn toàn với miền Tây sông nước; ghi lại những hình ảnh đẹp của quê hương như một cách tạo cảm hứng sống.

Chúng tôi khởi hành từ Sài Gòn lúc gần 9 giờ sáng. Chương trình du ngoạn dự định chỉ một điểm đến là cầu Sông Bé, H. Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn khoảng 70km.

Mot ngay lang thang mien Dong
 

Tuy nhiên, khi đã yên vị trên xe, chúng tôi bàn bạc và thống nhất sẽ đi một vòng từ Bình Dương, qua Bình Phước rồi về thành phố. Cả nhóm quyết định không tìm trên mạng những địa danh du lịch mà tới đâu sẽ hỏi người dân địa phương tới đó để có được nhiều bất ngờ. 

1.

Khi bạn tra cứu trên mạng sẽ thấy cầu Sông Bé còn có tên gọi cầu gãy Bình Dương, cầu gãy Sông Bé, cầu gãy Phú Giáo… Hiện nay, đây là nơi check-in quen thuộc đối với dân phượt trên đường lang thang miền Đông. 

Mot ngay lang thang mien Dong
Cầu gãy Sông Bé

Theo tài liệu, cầu được người Pháp xây dựng năm 1925, khi thành lập Sở cao su Phước Hòa. Trong thời gian chiến tranh, nơi đây thường xảy ra những trận đánh bởi cây cầu án ngữ con đường quân sự huyết mạch từ thị trấn Đồng Xoài, thị xã Phước Long về Sài Gòn. Năm 1975, cầu bị đánh sập nhịp giữa. Chiến tranh lùi xa, cầu Sông Bé trở thành một di tích lịch sử khá độc đáo được nhiều người, nhất là giới trẻ, đến tham quan, chụp ảnh. 

Quả vậy, không chỉ từ góc độ lịch sử thú vị của một địa danh mà vừa đến nơi này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi không khí trong lành của bạt ngàn rừng cao su. Cây cầu gãy mất nhịp giữa vừa mang cảm giác u tịch, rờn rợn, vừa khơi gợi trí tò mò. Đến gần sát nhịp cầu gãy, bạn sẽ thấy rõ chân cầu phía bên kia cao, sừng sững, cảm giác hơi ngợp khi nhìn hun hút sâu bên dưới, nơi dòng nước chảy xiết.  

Mot ngay lang thang mien Dong
Rừng cao su xanh mát ở miền Đông Nam bộ

Cũng theo tài liệu, cầu có bề ngang hơn 4,5m. Chỗ cao nhất hai bên thành cầu 6m, thấp nhất 3,5m. Chân cầu cao 30m. Khi chụp hình, các bạn trẻ cần lưu ý về sự an toàn bởi cầu không có lan can bảo hiểm. Hôm đó, ngoài nhóm chúng tôi còn có một tốp thanh niên chạy xe máy đến đây chụp hình, thêm mấy người câu cá. Chúng tôi cùng tham quan, làm quen và chuyện trò vui vẻ. 

Bên cầu mới, dòng xe cộ qua lại, một cảm giác rất lạ như từ quá khứ xưa, chậm nhìn về phía trước sống động. Dòng sông Bé uốn lượn, phù sa đậm màu ngoằn ngoèo giữa xanh thẫm cao su, mềm mại, quyến rũ mà mạnh mẽ. Phía xa tít tắp có làn khói tỏa lên đẹp ngoạn mục. Hình như người ta làm sạch rừng sau mùa cao su.

Chúng tôi vào một quán nước ở đầu cầu. Cà phê sữa đá ở đây khá ngon. Chủ quán kể với chúng tôi rằng, gia đình bà định cư nơi này gần 30 năm, nghề chính là trồng cao su. Nhà vườn của bà có đủ loại thực phẩm cần thiết như rau, trái cây, heo, gà… Chỉ thỉnh thoảng bà mới phải đi chợ để mua gạo và các thứ nhu yếu phẩm. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua mít mang về thành phố, người chồng đến một cây mít trĩu quả, bẻ xuống 3 trái thật to, bán với giá 100.000 đồng. 

Vợ chồng người chủ quán gợi ý chúng tôi nên đi tiếp đến đập Phước Hòa, cách đây khoảng 40km, là một nơi khá đẹp. Rồi theo con đường qua đập Phước Hòa đi tiếp khoảng 70km nữa sẽ đến hồ Dầu Tiếng.

2.

Đập thủy lợi Phước Hòa thuộc xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, Sài Gòn 100km. Được xây dựng từ năm 2008, đập có nhiệm vụ cấp nước thô cho dân sinh và công nghiệp cho TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Đây là khu vực thoáng đãng, vắng người. Cảnh quan đẹp, là nơi lý tưởng cho những buổi dã ngoại. 

Mot ngay lang thang mien Dong
Đập Phước Hòa

Hôm chúng tôi đến, hồ ít nước nên không thấy được nước xoáy ở đập. Tuy nhiên, trong không gian thanh bình êm ả, chúng tôi thư thái ngắm cảnh đẹp của hồ nước bao la, liên thông với hồ Dầu Tiếng. Xa xa là bạt ngàn màu xanh gợi thèm cảm giác phiêu lưu qua bờ bên kia. 

Mot ngay lang thang mien Dong
Săn ảnh ở hồ Dầu Tiếng

Một người dân địa phương bảo với chúng tôi rằng, vào mùa nước lớn hồ có rất nhiều cá, là nơi tụ tập của dân câu cá các nơi đổ về. Tại một góc nhỏ trên đường có vài người bán cá vừa đánh bắt, trông tươi ngon với giá khá mềm. 

Rời đập Phước Hòa, dù bám theo bản đồ Google với đích đến đập Dầu Tiếng nhưng chúng tôi vẫn bị lạc đường vì sóng 4G chập chờn. Lạc vào Nông trường cao su Long Hòa, tôi phải hỏi thăm người đi đường để quay trở ra. Tuy nhiên, nhờ thế mà cả nhóm có may mắn được ngắm rừng cao su nối tiếp nhau bạt ngàn màu xanh. 

3.

Chúng tôi lần lượt đi qua những địa danh: ngã tư Bình Phước, Quốc lộ 14, Chơn Thành, Bàu Bàng… và cuối cùng cũng đến đích. 

Theo sách vở, Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, có vai trò quan trọng trong việc điều phối nước sông Sài Gòn, kênh phía đông và phía tây. Hồ có diện tích trải dài trên địa phận ba tỉnh: Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Tuy nhiên, phần lớn diện tích của hồ thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Hồ được cung cấp nước bởi sông Sài Gòn và sông Bé bằng kênh Phước Hòa (Bình Dương, Bình Phước). Đây còn là một điểm du lịch thu hút nhiều du khách.

Đập Dầu Tiếng nơi chúng tôi đến hôm ấy thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. 

Mot ngay lang thang mien Dong
 

Tháng Bảy, hồ không nhiều nước, nhiều nhóm người đang câu cá bên dưới hồ. Phía đối diện, cây cỏ một màu xanh um trải dài. Trên con đường chính bao quanh hồ, từng tốp thanh niên nam nữ vui chơi, chụp hình hay chậm rãi thả bộ. Tôi còn thấy có những chú khỉ rất dạn dĩ, lững thững đi dạo. 

Chúng tôi ăn trưa tại một nhà hàng với món lẩu cá lăng đặc sản nấu với măng chua và lá giang. Cá tươi đánh bắt từ hồ, thịt mềm và ngọt. Vừa ăn tôi vừa ngắm cảnh hồ Dầu Tiếng mênh mông, bát ngát.  Phía xa núi Bà Đen bị mây che phủ phần đỉnh, đẹp thơ mộng. 

Rời Dầu Tiếng, chúng tôi về Thủ Dầu Một qua xã Thanh Tuyền. 

Tôi đã đến Thanh Tuyền một lần và biết đối diện với UBND xã là chợ Bến Súc, có một hàng bún riêu rất ngon, mà ngày xưa một tài xế xe buýt từng giới thiệu với tôi. 

Tô bún riêu đặc biệt có đủ riêu cua, chân giò, chả lụa, chả viên, đậu hũ… Gia vị nêm nếm kèm theo gồm có: ớt, tương, tỏi thái mỏng ngâm giấm, mắm tôm chua ngọt, thêm tóp mỡ giòn, thơm… được bán với giá chỉ 30.000 đồng.

Mot ngay lang thang mien Dong
Tô bún riêu ở chợ Bến Súc

Chúng tôi đã có một ngày lang thang một nhánh nhỏ của miền Đông Nam bộ. Đi để thấy và cảm nhận sự khác biệt hoàn toàn với miền Tây sông nước; ghi lại những hình ảnh đẹp của quê hương như một cách tạo cảm hứng sống. 

Đào Thị Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI