Thôi, đừng mong chi sóng wifi để... sống ảo với bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp này. Thế nhưng, đó chỉ là lúc tôi chưa cảm nhận hết được sự quyến rũ của thiên nhiên.
|
Ngôi nhà nhỏ giữa nương ngô đẹp như tranh vẽ |
Xe chạy dọc những con đường nhỏ, ngoằn ngoèo để vào thôn Phéc Bùng, xã Bản Phố, H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Chỉ cách trung tâm thị trấn Bắc Hà chừng 2km nhưng Phéc Bùng lại như một thế giới khác. Đất trời ở cuối con đường bé nhỏ đó như vừa được cơn mưa gột sạch mọi thứ, trong lành và tươi mát, với những cảnh sắc làm ai đã đặt chân đến cũng phải mê mẩn.
Hít một hơi thật dài để cảm nhận mùi hương đồng quê, mùi của đất, ruộng đồng, của cỏ cây hoa lá trong làn gió nhẹ, chợt trào dâng những cảm xúc khó tả. Bản làng nhỏ bé nằm giữa bốn bề núi rừng, ruộng nương.
Tôi chợt nhớ cảm giác hụt hẫng lúc điện thoại mất sóng, hiểu rằng, chẳng qua mình chưa nghe được những âm thanh huyền diệu của đất trời, những nét đẹp, cảm xúc mà không thứ ảnh ảo hay bất kỳ công nghệ hiện đại nào có thể mang lại cho con người.
|
Người dân nơi đây có thói quen đi bộ từ rất sớm để đến họp chợ |
Nơi ở của gia đình tôi là một homestay vừa mới xây dựng, nhỏ nhưng xinh xắn, ấm cúng, nằm cách ngọn núi nhỏ một con suối. Phía còn lại, cách con đường nhỏ là những nương ngô xanh ngắt. Anh chủ nhà là người địa phương, nói sõi tiếng Kinh và cũng rất giỏi tiếng Anh. Tôi rất bất ngờ khi nghe anh kể anh tự học tiếng Anh với ước mơ có thể giao tiếp, kết nối với thế giới bên ngoài, phát triển công việc kinh doanh homestay của mình.
Theo hướng dẫn của chủ nhà, tôi men theo con đường nhỏ phía dưới để vào thôn. Con đường nhỏ xíu, ngoằn ngoèo như bị nuốt chửng giữa những mảng xanh ngắt của ruộng đồng khiến tôi ngỡ mình đi lạc vào bức tranh hùng vĩ. Những nương ngô, ruộng bậc thang lớp lớp trải dài ngút mắt...
Buổi sáng hôm sau tôi được ngắm bức tranh xinh đẹp khác từ ô cửa sổ phòng mình đang ở. Người dân địa phương trong trang phục đủ màu sắc, cổ đeo những chiếc vòng bạc cỡ lớn, ríu rít gọi nhau đi chợ phiên. Những đứa trẻ ngước nhìn người lạ đang tò mò nhìn mình sau ô cửa sổ, thoáng chút ngại ngùng rồi nở nụ cười thật tươi. Người dân nơi đây có thói quen đi bộ từ rất sớm để đến họp chợ, nhiều khi chẳng mua gì, chỉ để gặp nhau, trò chuyện.
|
Trẻ em vùng cao hồn nhiên và đáng yêu |
Phéc Bùng còn cho tôi những trải nghiệm rất đặc biệt. Màn đêm trong thôn thật sự khiến tôi bao lần giật thót. Đứng giữa hành lang chìm trong bóng tối, cảm giác như mình bị nhốt trong một cái hộp đen kịt. Óc tưởng tượng càng khiến chân muốn tiến cũng sợ mà lùi cũng hãi.
Tôi lấy lại bình tĩnh để bước qua bóng tối như cách để thử thách khả năng vượt qua sự sợ hãi để vỡ oà với cảm giác mình đã biến được điều tưởng không thể thành có thể.
Nỗi buồn chán chưa từng len lỏi trong tôi suốt thời gian lưu lại bản làng dân tộc này. Không công nghệ là một cảm giác rất lạ lẫm. Không bật ti vi xem những chương trình thường ngày, không kiểm tra được Facebook, Instagram, muốn đăng bài “sống ảo” cũng khó khăn.
Trở về nhà sau chuyến đi, tôi nhận ra có những cảm xúc mình có thể giữ lại khi thực sự đắm mình trong không gian đó, không bận bịu “seo phì”, bận bịu chia sẻ ngay với bạn bè những hình ảnh, cảm xúc bất chợt. Đó là khi mình thu trọn cảnh quan vào tâm trí bằng tất cả các giác quan để mỗi khi lần giở những tấm hình, cảm xúc lại ùa về, đầy ắp, điều mà công nghệ dù tân tiến đến đâu cũng không thể thu giữ lại.
Nhưng rất nhanh, tôi quên đi những “lấn cấn” đó vì có thêm thời gian quan tâm đến điều khác, để thấy được nhiều thứ trong thế giới thực này. Đắm chìm giữa cảnh sắc xanh ngắt của đất trời hòa quyện, tôi ngạc nhiên ngắm bầu trời chuyển màu một cách tuyệt diệu khi về chiều. Tôi nói chuyện cởi mở và hiểu thêm về con người nơi đây, về cuộc sống và cách họ đương đầu với những khó khăn, định kiến khiến tôi thực sự ngưỡng mộ.
Không công nghệ đã sao? Chỉ cần thoát ra khỏi thế giới ảo, hòa mình vào thế giới thực sinh động sẽ có nhiều điều khiến chúng ta ngỡ ngàng. Chuyến đi chẳng những cho tôi được khám phá, hòa mình vào cuộc sống xung quanh mà còn giúp tôi hiểu hơn thế giới nội tâm chính mình.
Những món ăn giản dị trở nên ngon lành hơn nhờ khung cảnh và âm thanh của thiên nhiên
Từ trung tâm Bắc Hà vào bản Phố có rất nhiều phương tiện: xe ôm, taxi hoặc đi bộ. Bạn cũng có thể vào bản bằng xe ngựa, giá 200.000 đồng/chuyến (từ 4 - 6 khách). Trước khi đến Bắc Hà, bạn nên gọi điện thoại trước để đặt xe, điện thoại: 0949 423 221.
Có thể đến Bắc Hà bằng xe khách từ Hà Nội. Đón xe tại Mỹ Đình, giá vé giường nằm 290.000 đồng/khách. Hoặc đi tàu Hà Nội - Lào Cai, từ Lào Cai đón xe đi tiếp vào Bắc Hà (Lào Cai - Bắc Hà 65km).
Một số homestay tại bản Phố
Chô Homestay: Điện thoại: 0949 423 221. Giá phòng từ 250.000 - 500.000 đồng/đêm. Homestay phục vụ các bữa ăn có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/người/bữa (thực đơn gồm các món ăn được chế biến từ đặc sản địa phương, chủ yếu do gia đình chủ homestay nuôi trồng). Chô Homestay có dịch vụ tham quan Bắc Hà bằng xe ngựa với các điểm đến: Dinh Hoàng A Tưởng, Thung lũng Hoa - Đồi Thải Giàng Phố - Chợ Phiên. Một chuyến xe ngựa chở từ 4-6 người, giá từ 300.000 - 500.000 đồng.
Homestay Lý Sồ: Điện thoại: 0963 236 564, có phòng đơn, phòng đôi giá 200.000 - 300.000 đồng/đêm. Du khách ở đây có thể trực tiếp quan sát phương thức nấu rượu truyền thống của người Mông.
|
Hồ Công Khánh Vân
(lớp 11/21 Trường Quốc tế Á Châu)