|
Có “gục ngã” khi đạp qua cầu cũng không quên… cười trước ống kính - Ảnh: Đoàn Đình Đông |
Lớn lên ở Sài Gòn, tình yêu với mảnh đất chôn nhau cắt rốn đến với tôi từ ký ức tuổi thơ khi ông nội tôi thường nói với đứa cháu cưng là tôi: “Đợi một xíu rồi ông chở Bo đi Sài Gòn”.
Sài Gòn trong thế giới non nớt của tôi khi ấy nằm ở một siêu thị (thực chất là rạp Minh Châu cũ) và khu Chợ Lớn - nơi ông thường ghé mua đồ bộ cho tôi.
6 năm đại học cho đến lúc tốt nghiệp, đi làm một thời gian, dù ngành học đòi hỏi sự di chuyển linh hoạt, tôi vẫn không biết chạy xe máy do nỗi sợ tai nạn. Thế nhưng ra trường, cảm thấy việc đi xe buýt đòi hỏi phải chờ và mất nhiều thời gian cho việc di chuyển, còn những lúc cần gấp gọi xe ôm công nghệ lại khá tốn kém, tôi quyết định tập đi xe đạp trở lại với mục đích vững tay lái rồi từ từ tập đi xe máy.
Và rồi, từ ý định ban đầu nhằm phục vụ công việc hằng ngày, chiếc xe đạp đã thành bạn đồng hành của tôi cho một mục đích mới: ngao du khắp nơi - một điều tôi muốn làm từ rất lâu nhưng lại chưa đủ dũng cảm và không có bạn bè để làm cùng.
“Hay là mình đạp xe đi khắp Sài Gòn?”
|
Buổi trưa đạp xe dọc cánh đồng thuộc khu vực quận 12 - Hóc Môn (TPHCM) - Ảnh: Đoàn Đình Đông |
Tuy vậy, với một người trưởng thành, việc bắt đầu lại với chiếc xe đạp lại có phần gian nan. Lần đầu tiên ngồi lại trên chiếc Martin 107 12 tuổi của gia đình để đi một đoạn ngắn từ nhà ra nhà sách Lạc Xuân (quận Gò Vấp, TPHCM), tôi suýt ngã.
Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, tôi đã bắt đầu chuyến đạp xe dài hơi đầu tiên của mình - từ nhà ở quận Gò Vấp vào khu vực trung tâm thành phố. Dẫu khá mệt nhưng sau đó tôi lại tiếp tục lên đường vì cảm giác một mình đi khắp nơi thật “đã”.
Bên cạnh sự hưng phấn từ việc vận động, khi chạy xe, tôi chỉ việc chú tâm vào nơi mình muốn đến, hít căng phồng khí trời vào lồng ngực. Trong một lần dừng đèn đỏ, đầu tôi chợt lóe lên ý nghĩ: “Hay là mình đạp xe đi khắp Sài Gòn?”.
Bạn hỏi tôi rằng trước đây tôi ngắm Sài Gòn chưa đủ sao. Có chứ, tôi ngồi trên xe buýt hằng ngày sau mỗi buổi học cốt để ngắm Sài Gòn. Mỗi tối, trên đường về, khi chuyến xe 69 hay 38 đưa tôi qua khu người Hoa, trái tim tôi luôn tràn ngập cảm giác ấm áp, rằng dù đêm hôm khuya khoắt vẫn còn nhịp sống ấm cúng leo lắt trong những căn nhà bán tạp hóa, đồ ăn. Vậy nhưng đi hoài riết nhàm, tôi thường ngủ gục trên xe vì quá mệt.
|
Ruộng rau muống ở nông trường Tam Nông (phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM) - Ảnh: Trọng Tài |
Một thời gian sau, tôi bắt đầu những chuyến đạp xe khám phá Sài Gòn cùng đoàn xe đạp Câu lạc bộ Tiếng Pháp Sài Gòn vào mỗi thứ Bảy hằng tuần. Ý tưởng đến từ việc người bạn cùng trường chia sẻ bài đăng về chuyến đi này. Điều đặc biệt là bạn không cần biết tiếng Pháp, miễn có tinh thần thể thao, phiêu lưu và tuân thủ giờ giấc (đến trước 8g30 sáng) là cứ việc tham gia.
Mỗi tuần, đoàn khám phá 2 quận; địa điểm và cung đường cũng khác nhau, xuất phát từ Thảo Cầm Viên, công viên Lê Văn Tám hay công viên Tao Đàn - những nơi có trạm xe đạp công cộng.
Khi chính thức nghỉ việc và bắt đầu làm việc tự do, tôi mới thực hiện được chuyến đầu tiên cùng đoàn. Mặc cho quá khứ phải nằm viện do cú tai nạn với xe đạp địa hình ở Mã Đà, tôi bắt đầu lại đạp chiếc xe Martin 107 mà một số người trước đó thoạt nhìn đã cười: “Cái xe của tụi học trò mà cũng đi được hả?”. Nhưng không sao, xung quanh tôi, rất nhiều người dùng xe đạp công cộng ở trạm vốn đạp nặng hơn xe tôi.
Với Sài Gòn, phải vội, phải nhanh thôi!
|
“Trời ơi, mình sống ở Sài Gòn từ nhỏ tới lớn rồi mà không biết rằng lại có nhiều nơi đáng để đi như vậy” - một chị cùng đoàn bày tỏ cảm xúc trước khi chào tạm biệt mọi người để ra về - Ảnh: Vĩnh Anh |
Chuyến đi đầu tiên của tôi xuất phát từ Thảo Cầm Viên với điểm đến là khu Phú Xuân - Nhà Bè (TPHCM). Lúc đầu, tôi ỷ y rằng mảnh đất này toàn đường bê tông, chỉ có cầu cao phải dắt bộ nên tự tin đạp vù vù ra tuốt Gò Ô Môi (phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM). Từ đây, tôi và nhiều người đã gặp trắc trở đầu tiên: đoạn đường sình lầy ngập nước trên đường đến cầu tàu Anh và Em (quận 7, TPHCM) làm ướt cả giày lẫn vớ, khiến anh admin vừa dắt xe giúp mọi người vừa đưa thêm bịch ni lông để bao giày lại cho khỏi ướt.
Thành viên lớn tuổi nhất đoàn (53 tuổi) phải động viên những người còn lại: “Phải đạp dứt khoát, đừng dừng lại vì dừng lại là té xe”.
Chúng tôi tiếp tục đạp xe đến 12 giờ để nhận được “phần thưởng”: ở khu dân cư không có cư dân (khu dân cư Hồng Lĩnh quận 7) trên gò toàn sỏi nhỏ, dưới là nơi hồ nước trong vắt. Từng người vác xe đạp của mình giơ cao, môi nở nụ cười chiến thắng.
|
Tòa thánh Cao Đài không được trùng tu trong con hẻm nhỏ đường Trần Văn Hoàng (quận Tân Bình, TPHCM) - Ảnh: Trọng Tài |
Mỗi chuyến đi, anh trưởng đoàn luôn chọn ít nhất 1-2 di tích lịch sử, văn hóa nổi bật để chúng tôi khám phá. Chẳng hạn dịp 20/11 năm ngoái, chúng tôi được chào đón thân tình bởi người quản lý của đình Chí Hòa; được nghe thuyết minh về quá khứ cụ Võ Trường Toản và những học trò rạng danh từng con đường ở khu chợ Bà Chiểu. Hay khi đi qua An Tất Viên - mộ của văn sĩ Hồ Biểu Chánh - chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp chân tình từ vợ chồng cháu cố của cụ.
Bên cạnh đó, mọi người còn được thăm thú những căn nhà có kiến trúc Pháp cổ nhưng đã xuống cấp qua thời gian do không được trùng tu. Sau mỗi chuyến đi, chúng tôi lại rút ra nhiều bài học bổ ích.
Dù có bận rộn đến thế nào, tôi luôn cố gắng dành cả ngày thứ Bảy để đạp xe cùng mọi người. Trong tôi luôn canh cánh nỗi sợ về việc các cung đường đẹp như những bức tranh thôn dã chúng tôi từng ghé thăm rồi sẽ gánh chịu tác động của quá trình đô thị hóa. Những chuyến du lịch sinh thái có thể đi lúc nào cũng được nhưng với Sài Gòn, ta phải vội, phải nhanh thôi.
* Cảm ơn các anh chị trong đoàn đạp xe Câu lạc bộ Tiếng Pháp Sài Gòn đã giúp tác giả có tư liệu ảnh hoàn thành bài viết.
Vĩnh Anh