Những trải nghiệm chẳng có trong tour
Từng ghé thăm Sa pa nhiều lần nhưng hiếm khi tôi bắt gặp được nét “lặng lẽ Sa pa”. Nào những bản Cát Cát, nhà thờ Đá, cầu Mây, thác Bạc hay đỉnh Fansipan huyền thoại, rồi những chốn check-in “sống ảo” mọc lên như nấm sau mưa… đều đông nghẹt du khách.
Nhưng không vì thế mà tôi “giận lẫy” thị trấn sương mù nhỏ xinh đẹp huyền ảo này. Hơn năm lần ghé thăm Sa pa, tôi vẫn thấy yêu tha thiết núi rừng, con người, không khí nơi đây. Càng yêu hơn những khoảnh khắc chạy xe trên sườn dốc dựng đứng lên Sâu Chua săn mây, đường đi chỉ rộng khoảng 30cm vừa khít một xe đi lên, còn xe đi xuống phải nép chặt vào vách núi. Hay những chuyến phượt sau mùa lũ vào tận bản Séo Mý Tỷ ăn cơm bản, nghe người H’Mông kể tục bắt vợ, học cách tết dây đeo tay đúng điệu người bản địa; chuyến thăm Tả Phìn vượt đường rừng hơn 3km theo người Dao Đỏ đi hái mận, hái lá thuốc về ngâm trị bệnh…
Với tôi, đó mới là Sa pa mộc mạc, đơn sơ mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc. Càng đi sâu vào làng bản, những mảng màu đa sắc về cuộc sống, văn hóa, con người địa phương lại càng làm những trái tim trẻ ham khám phá như chúng tôi bị choáng ngợp, đắm say.
|
Mùa vàng Tả Van, Sa Pa |
Lộ trình “tưới xanh những trái tim hóa đá”
Chuyến đi đột ngột lần này, tôi được các chị em văn phòng giao trọng trách thiết kế một lộ trình “tưới xanh những trái tim hóa đá”. Cũng bởi vậy, tôi lựa chọn đưa đoàn vào sâu trong bản Tả Van, cùng đi bộ suốt một ngày khám phá thôn Tả Van Giáy để giảm thiểu dấu chân carbon (carbon footprint) và tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp bình yên, đậm chất địa phương của thị trấn sương mù.
Nằm sâu trong thung lũng Mường Hoa, tựa lưng vào dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, bản Tả Van là một trong những điểm đến hấp dẫn ở Sa pa. Cách thị trấn chỉ khoảng 10-12km, bản làng có cái tên mang ý nghĩa “vòng cung lớn” này đã cho chúng tôi trải nghiệm sống chậm, sống vui đúng nghĩa.
|
Căn nhà gỗ cuối bản lúc bình minh |
Năm giờ sáng trong tiết trời mù sương và se lạnh, xe khách vừa kịp dừng lại ở trung tâm thị trấn, chúng tôi đã tạt ngay vào một quán ăn nổi tiếng để thưởng thức bát cốn sủi đặc sản địa phương. Nguồn gốc của cốn sủi đến từ người Hoa. Do thường xuyên buôn bán, giao thương ở khu vực biên giới Lào Cai nên món ăn thường nhật này dần trở nên phổ biến và thành “đặc sản” ở Sa pa. Từ cốn sủi có nghĩa là món ăn khô trong nước xốt (cốn: khô, sủi: nước xốt), không ăn trực tiếp với nước dùng mà sử dụng loại mì dẹt giống bánh phở (phở khan) ăn kèm với thịt heo thái chỉ, đậu phộng bùi béo, củ dong rán giòn kèm theo một số gia vị thơm đậm mùi hương của quế, thảo quả, rau thơm… Xì xụp bát mì cốn sủi lạ từ cái tên cho đến hương vị, những tay lái không chuyên bắt đầu hành trình 12km tìm đến bản Tả Van.
Những ngày đầu tháng Mười, Sa pa chào đón chúng tôi bằng cái rét ngọt chỉ có ở miền Bắc và một cơn mưa lớn khiến đường đất trở nên sình lầy, trơn trượt thách thức những tay lái nữ chốn công sở. Thế nhưng, chỉ cần nghĩ đến những thửa ruộng bậc thang vàng ươm mùa lúa chín đan vào nhau, xòe ra như những cánh cung hòa vào thế núi, uốn mình bên con suối Mường Hoa róc rách chảy yên bình, chúng tôi lại vững tâm vượt qua những đoạn đường đất đá để đến đích.
|
Các bà, các mẹ đồng bào người H’Mông, người Giáy cần mẫn thêu thùa |
Quanh co men theo sườn núi, khi màn sương mờ tan dần và muôn vàn thửa ruộng chín lóng lánh hiện ra trong nắng ban mai, nhiều lần chúng tôi đã phải dừng xe trầm trồ trước vẻ đẹp diệu kỳ thiên nhiên ban tặng.
Phóng tầm mắt ngắm nhìn ruộng bậc thang trải dài ngút ngàn, bầu trời xanh trong cùng những ngôi nhà cheo leo bên sườn núi, sương mai còn đọng lại trên những nhành cỏ trước hiên nhà… tôi thở phào, trút bỏ những muộn phiền trong lòng, lồng ngực lại căng đầy hương thơm của cỏ non, lúa chín chỉ có ở những chốn xa lạ, vắng vẻ như thế này.
Dấu chân carbon (carbon footprint) là chỉ số thống kê những hành động hằng ngày của một người để xem người đó thải vào khí quyển số lượng khí carbonic (CO2) khoảng bao nhiêu. Là những người trẻ mê xê dịch, khám phá, chuyện “đi chỉ để lại dấu chân” cũng là điều tôi và những người đi đích thực, văn minh vẫn luôn đau đáu. Cũng bởi vậy, chúng tôi bắt đầu sống chậm bằng hành trình đi bộ quanh bản Tả Van.
Nơi nếp sống cũ vẫn còn nguyên vẹn
Là nơi sinh sống của người dân tộc H’Mông, Dao Đỏ và người Giáy, bản Tả Van không giống bất cứ bản làng nào khác tôi từng ghé qua. Khi những nơi khác ngày càng phát triển du lịch, người địa phương hòa nhập cùng các hoạt động kinh doanh, Tả Van vẫn giữ được trọn vẹn nếp sống cũ.
Cuộc sống của người Tả Van diễn ra rất bình dị. Họ vẫn làm nương rẫy, buôn bán trong những phiên chợ địa phương. Những vị khách ta, khách Tây đến homestay họa chăng cũng chỉ là lữ khách đến rồi đi sau một thoáng dừng chân.
Theo chỉ dẫn của người dân bản, chúng tôi men theo triền núi để xuống suối Mường Hoa ngắm chiếc cầu Mây xinh xắn, nổi tiếng ở thôn Tả Van Giáy.
Rảo bước đến bên rìa con suối Mường Hoa trong veo, lắng nghe thanh âm róc rách nước chảy, hòa với tiếng lá rừng xào xạc trong gió và tiếng chim thánh thót văng vẳng trong triền núi, tiếng cười của chúng tôi ngô nghê, vụng dại mà hồn nhiên hơn bao giờ hết.
Dạo một vòng, rồi chúng tôi cũng tìm đến được cầu Mây ở ngay đầu bản. Tôi nghe kể rằng từ rất lâu, người dân bản Tả Van thường làm những cây cầu kết bằng sợi dây rừng và các lát gỗ mỏng như thế để vượt suối, vượt sông. Thời nay, hầu hết chúng đã được thay thế bằng những cây cầu sắt vững chãi. Cầu Mây còn sót lại như một kỷ vật trăm năm, lưu giữ văn hóa lưu thông xưa của người bản địa, hút mắt du khách tới tham quan, chụp ảnh chứ không còn được sử dụng cho mục đích giao thông nữa. Cạnh cầu Mây là một cây cầu sắt hiện đại, người đeo gùi, người đi xe máy tấp nập.
Đám trẻ nô đùa dưới suối hoặc vui vẻ chạy quanh bản trong vùng trời tuổi thơ của riêng mình. Tôi thấy mình ở một phiên bản rất khác, không cần phải chững chạc, chẳng cần phải vắt óc nghĩ suy, từng thời khắc cứ nhả ra thật chậm rãi, theo nhịp bước sống động, vui tươi mà bình yên đến lạ kỳ.
Có lẽ cũng không khác gì chúng tôi, những bạn trẻ Tây ba-lô được nhóm người H’Mông đen dẫn đi thăm thú quanh bản ở hướng đối diện cũng mỉm cười. Có lẽ, họ cũng cảm được cái đẹp mộc mạc, ban sơ và quý giá ở chốn này. Rằng Tả Van, Sa Pa hay những vùng cao hẻo lánh khác ở Việt Nam thật tươi đẹp, đáng để đặt chân đến chiêm ngưỡng và thả lỏng bản thân.
Tả Van không chỉ hấp dẫn tôi bởi những ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín, những nếp nhà ẩn hiện trong sương mù nằm trên triền núi chênh vênh, dựa lưng vào dãy Hoàng Liên Sơn… mà còn thấy tâm hồn trẻ trung khi chạy dọc đường bản cùng trẻ nhỏ nơi đây đến chợ phiên.
Đi gần hết một vòng tròn thôn Tả Van Giáy, chúng tôi quay về đúng địa điểm đã từng dừng xe máy để tra Google maps, tìm đường đến chợ phiên. Đó là một khu chợ phiên của người bản, lưa thưa hàng quán mà ai ai cũng mặc trang phục truyền thống rất bắt mắt.
Ở chợ phiên có rất nhiều món đồ lưu niệm nhỏ xinh do đồng bào nơi đây thêu thủ công trong rất nhiều ngày. Các bà, các mẹ người Giáy, người H’Mông ngồi lại bên nhau thêu nốt những chiếc khăn, tấm áo. Thấy ống kính máy ảnh lia qua, họ nhoẻn miệng cười. Nụ cười in hằn những nếp nhăn thời gian.
Chốn chữa lành tuyệt diệu
Dành một buổi chiều đi bộ đến Lá Dao Spa & Coffee House - một trong những điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng của Tả Van - chúng tôi đã có những trải nghiệm khó quên.
Và chẳng còn gì tuyệt vời bằng việc ngắm nhìn mây bay trên đỉnh núi khi ta đang đằm mình trong bồn lá thuốc của người Dao Đỏ. Tay nâng ly cà phê nhâm nhi, hương thơm của hạt cà phê quyện lẫn với mùi lá thuốc, quẩn quanh bên cánh mũi là cả hương thơm lúa nội, cỏ cây, đất trời chảy trôi thật chậm, thật xanh ngoài kia.
Có lẽ bình yên trong đời cũng chỉ đến thế là cùng!
Người chủ quán thân thiện đã giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều món ăn đặc sản vùng cao do người Giáy chế biến. Nào thắng cố thịt ngựa Mường Khương, thịt heo cắp nách Bắc Hà, cá suối nướng Mường Hum, xôi nếp ngũ sắc… rồi cả những mâm cơm bình dị với rau bên nương, gà heo “đi bộ” tự nuôi trong vườn nhà.
|
Lẩu cá tầm - đặc sản Tả Van |
Một ngày chìm đắm trong “cao lương mỹ vị” chốn Tả Van, trưa đến thưởng thức gà bản nướng ngay tại homestay, tối lại quây quần bên nồi lẩu cá tầm đậm đà với cách chế biến đặc trưng của dân bản, chúng tôi vẫn đùa nhau rằng “trái tim hóa đá” đã sống dậy sau khi được tẩm ướp, tưới mát bởi ẩm thực địa phương.
Một ngày dài đi bộ cũng kết thúc bên tiếng cười quanh nồi lẩu cá tầm. Chúng tôi khoác vai nhau, hát khẽ khàng một khúc ca tuổi trẻ, cùng đi bộ về homestay cuối thôn Tả Van Giáy trong ánh sáng nhờ nhờ từ điện thoại, khép lại một ngày nhẹ nhàng, vui tươi.
Chỉ vậy thôi đã đủ làm lòng người an nhiên, tĩnh lặng và vui tươi sau rất nhiều ngày bươn chải. Cũng như sếp tôi đã tấm tắc nhắc đi nhắc lại một câu sau chuyến đi này: “Tả Van là một chốn chữa lành tuyệt diệu”.
Một số thông tin hữu ích khi ghé thăm Tả Van
- Từ thị trấn, bạn có thể đi
taxi xuống bản Tả Van với giá
200.000 đồng, đi xe ôm tầm 60.000 - 80.000 đồng.
- Nên ghé thăm Tả Van vào mùa lúa chín (tháng 9-10) hoặc mùa xuân, khi hoa đào nở.
- Giá vé tham quan bản Tả Van: 75.000 đồng/người.
|
Bài và ảnh: Nguyễn Thùy Trang