Một ngày để nhớ mẹ, nhưng yêu mẹ thì cả đời

11/05/2018 - 11:00

PNO - Có thể, không có nhiều người con dám từ bỏ đam mê, sở thích vì mẹ của mình. Nhưng có một điều gần như chắc chắn rằng, có rất nhiều người mẹ từ bỏ tất cả, làm tất cả vì những đứa con.

Chúng ta thường thích nghe những câu chuyện đẹp về cuộc sống và đó thường được ví như những hạt giống tâm hồn gieo trên cánh đồng cảm xúc, để hình thành nên cây lành, quả ngọt. Nhưng tôi có cảm giác rằng, chúng ta thích đi tìm những câu chuyện trong đâu đó viễn mơ hơn là tự thiết kế nên những câu chuyện đời mình. Điều đó cũng có nghĩa là: sách vở không thiếu những câu chuyện đẹp, nhưng đời sống thật lại tẻ nhạt, tầm thường…

Mot ngay de nho me, nhung yeu me thi ca doi
 

“Con không muốn làm mẹ khóc!”

Những dòng trên, tôi viết ra không phải để chỉ trích một ai cả, mà đó chính là những lời tự vấn chính bản thân mình. Tôi thường nghĩ rằng, nếu như phải kể một câu chuyện về chính người mẹ của mình thì tôi sẽ kể chuyện gì? Tôi có câu chuyện gì để có thể trao gửi cho các bạn? Thật sự là không nhiều, thậm chí không có những câu chuyện đẹp. Tôi vẫn sống cho cá nhân mình nhiều hơn là sống vì mẹ. Và thật sự là, có lần tôi đã khóc vì nhận ra mình bất hiếu, mình không xứng đáng là con của mẹ. 

Nhưng cũng may trên đời này, không phải ai cũng yêu thương mẹ một cách hời hợt như tôi. Nhiều người mà tôi gặp, qua câu chuyện của họ, tôi thấy họ yêu mẹ vô cùng. 
Đó là người đàn ông trạc tuổi năm mươi, bán trái cây ở khu Giếng Nước (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), vóc dáng nhỏ bé, gương mặt lanh lợi nhưng chất phác. Ông di chuyển trong thành phố bằng chiếc xe đạp mini cà tàng. Rất thường chạy chỗ nọ chỗ kia. Có khi phải chạy ra vựa chở những bao trái cây nặng trịch ra bến xe đò để gửi cho khách hàng. 

Ban đầu, tôi cứ tưởng ông không biết đi xe máy, nhưng hỏi ra mới biết ông đi xe máy khá rành, thậm chí hồi còn trẻ từng là một “quái xế”. “Vậy sao anh không đi xe máy cho tiện? Hay là anh từng bị tai nạn xe máy nên giờ sợ?”, tôi thử đặt vài câu hỏi như là đang phỏng vấn. Ông nghe thì cười hiền lành, nụ cười bằng mắt: “Tui có bị tai nạn gì đâu. Nhưng mà hồi đó, cứ mỗi lần tui dắt xe ra khỏi nhà thì má tui lại khóc, bà lo tui bị tai nạn. Tui đi xe máy bà không yên tâm. Hễ tui dắt xe máy đi thì má lại khóc. Nhưng tui dắt xe đạp thì má lại cười”. 

Vậy rồi, để không làm má khóc, để chỉ thấy má cười, người đàn ông đó quyết định không bao giờ đi xe máy nữa. 

Có ai trong chúng ta, vì nụ cười của mẹ mà có những quyết định vừa kỳ cục vừa dễ thương như vậy không?

Mot ngay de nho me, nhung yeu me thi ca doi
Ảnh minh họa

Trong cốp xe của mẹ 

Có thể, không có nhiều người con dám từ bỏ đam mê, sở thích vì mẹ của mình. Nhưng có một điều gần như chắc chắn rằng, có rất nhiều người mẹ từ bỏ tất cả, làm tất cả vì những đứa con. 

Tôi có người bạn gái, vóc dáng mảnh mai. Cô ấy học ngành ngân hàng, rất giỏi, nhưng khi ra trường, làm cho ngân hàng nước ngoài được hai năm thì nghỉ ở nhà làm kế toán. Cô ấy chọn công việc tự do sau khi sinh đứa con đầu lòng. Thế rồi, sau nhiều năm gặp lại, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy vẻ mảnh mai vẫn còn đó, nhưng giờ cô là… xe thồ chính cho hai cậu con trai. Chồng thường đi công tác xa, mặc dù có thể thuê xe ôm, nhưng cô muốn tự mình đưa đón con. 

Sự thật là, một phụ nữ dù đi xe máy yếu đến mấy, nhưng nếu chở con mình đến trường từ khi nó học mẫu giáo, thì cũng có thể chở cho đến ngày nó vào đại học. Đứa trẻ ban đầu ngồi trong lòng, trước ngực mẹ, rồi ngồi sau lưng, cứ thế mà cao lớn dần lên mỗi ngày. Trong khi người mẹ vẫn nhỏ bé, thậm chí là ngày càng mệt mỏi, yếu ớt hơn ngày xưa. 

Mot ngay de nho me, nhung yeu me thi ca doi
Ảnh minh họa

Nếu thử làm phép tính nhẩm, thông thường mỗi người mẹ có hai đứa con sẽ có chừng ba mươi năm để đưa đón. Ba mươi năm chèo chống, toan lo chuyện trên đường.  

Trong cốp xe máy của một phụ nữ, ngoài những dụng cụ cá nhân thông thường, bạn sẽ còn thấy: một đôi dép nhựa (để mang khi gặp trời mưa to, phố ngập), một bịch ni-lông dự phòng (để túm giày dép của con khỏi bị ướt), váy chống nắng, chiếc dù nhỏ… Và, lỉnh kỉnh mắt kính, sổ sách, hóa đơn… chưa kịp đọc. 

Trong cốp xe máy của một phụ nữ là thế giới đồ vật biểu thị cho thế giới tinh thần của đời sống thị dân. Nếu như ai đó chịu khó ghi hình lại thì biết đâu sẽ giữ lại được những tư liệu quý, như tư liệu của một bảo tàng. Những đứa con khi lớn lên đi ra ngoài thế giới, đến với những nền văn minh  không còn nhớ những ngày cơ cực nữa, thì chính hình ảnh trong cốp xe của mẹ là di chỉ để tìm về một tình yêu thương không bút mực nào tả hết. 

Vậy đó. Một ngày dành để nhớ mẹ, nhưng yêu mẹ thì cả đời.  

Trần Nhã Thụy 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI