Thời của… “mắc kẹt”
Từ tháng Ba, chồng tôi nhận chuyến công tác Việt Nam năm tuần. Công ty anh mua vé máy bay rất gấp, sợ nếu trễ vài ngày thì nhập cảnh vào Việt Nam sẽ bị cách ly. Lúc đó, cách ly là tình huống xấu nhất mà chúng tôi có thể nghĩ đến. Đầu tháng Ba chúng tôi có mặt ở Sài Gòn, trước lệnh cách ly khoảng mấy ngày. Theo lịch thì đầu tháng Tư tôi bay về Nhật, sau đó một tuần chồng tôi cũng sẽ về. Nhưng…
Lần một: Vietnam Airlines rồi đến VietJet tạm dừng đường bay Việt - Nhật vô thời hạn. Trường thông báo lịch dạy vẫn không có gì thay đổi.
Lần hai: đường bay Việt - Nhật chỉ còn hai hãng bay là ANA và JAL. Chúng tôi cấp tốc mua vé ANA với giá gấp bốn, năm lần vé VietJet đã mua khứ hồi trước đó để kịp lịch dạy giữa tháng Tư.
Lần ba: trường thông báo dời lịch dạy lại hai tuần. Có dịp lùi lại một chút để lựa chọn giữa sinh viên và… chồng, tôi quyết định trả vé đợi thêm mười ngày để hai vợ chồng về chung.
Lần bốn: chưa hết hạn công tác thì công ty chồng đã vội vã mua vé máy bay cho hai đứa về gấp, sợ đóng cửa biên giới. Lúc này vé rất khan hiếm, Nhật đã có thông báo người nhập cảnh không được sử dụng phương tiện công cộng và tự cách ly 14 ngày. Từ Việt Nam về Nhật cũng chỉ có thể về Tokyo, cách nơi chúng tôi sống khoảng tám tiếng lái xe. Lúc này, chúng tôi vẫn đang kẻ Bắc người Nam. Anh công tác Hà Nội, tôi vẫn đang… chơi ở Sài Gòn.
Lần năm: Việt Nam giãn cách xã hội. Hàng không nội địa dừng tất cả các chuyến bay đến Sài Gòn và Hà Nội. Đến khi có chuyến thì cũng đầy rủi ro vì hãng có thể hủy chuyến bất cứ lúc nào tùy tình hình dịch bệnh. Sau hai, ba lần đặt vé rồi hủy, rồi lại đặt, tôi đã được bay ra Hà Nội chờ ngày bay về Nhật.
Lần sáu: công ty anh có vẻ chậm chân hơn… lệnh đóng cửa biên giới. Lúc này mua được vé máy bay đắt gấp mười lần bình thường hay có cách để từ Tokyo về Osaka mà không dùng phương tiện công cộng thì cũng vô nghĩa.
Chúng tôi chính thức mắc kẹt lại ở Hà Nội khi Nhật tạm thời dừng nhập cảnh.
Dù sao bay được ra Hà Nội, hai đứa gần nhau cũng là “về nhà” rồi, nhưng Hà Nội hoàn toàn xa lạ với đứa mấy chục năm chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn như tôi. Và hai tuần dời lịch dạy cũng dần vơi đi, “viễn cảnh” để mấy chục sinh viên cùng ngồi đợi biên giới mở cửa với mình sao mà nó gần đến thế. Dẫu rằng lúc quyết định trả vé để ở lại đợi chồng về chung, thì “bản án” ấy đã treo sẵn đó rồi.
Nhưng lúc này, khi vượt được “bản án” xa chồng vô thời hạn, thì “bản án” xa sinh viên vô thời hạn lại nặng lên… gấp đôi. Không có gì đảm bảo sau hai tuần đóng cửa biên giới, tình hình sẽ khả quan hơn, và Nhật lại cho phép nhập cảnh. Nhưng nếu tình hình không tốt lên, thì cũng không có gì đảm bảo trường sẽ có thể mở cửa như dự định. Việc duy nhất lúc bấy giờ tôi có thể làm là… chờ.
Tổ ấm thời lưu lạc
Nhà có hai đứa, đều đã ở đây. Dù đang mắc kẹt trong một thành phố không người thân quen, cuộc sống tạm bợ do diễn biến thất thường của dịch bệnh, chúng tôi tuyệt đối không thỏa hiệp với khái niệm “một chỗ ở chỉ là chỗ để ở”.
Phải đến căn nhà thứ ba nằm trong một con hẻm nhỏ ở Tây Hồ, tôi mới yên lòng tháo hết đám chăn drap vỏ gối giặt giũ phơi phóng, bày biện mấy chiếc khăn ăn, mấy lọ gia vị mang theo, rồi lau dọn, sắp xếp lại thành một chốn êm đềm.
Thứ Bảy hai đứa lại lọ mọ ra chợ mua thau thớt, rổ rá như thể… về nhà mới. Chủ nhật thì chăm cây cắt cỏ cho đỡ nhớ mấy chậu rau răm đang khô héo ở nhà. Nơi đó có những ngày mùa hè nhìn xuống mái tôn nhà hàng xóm, nghe “em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cà, nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái”, đêm đêm đốt nến ăn tối, và mỗi khi trời mưa, mùi trầm hương lại phảng phất nhắc nhớ về một đền thiêng - thứ đền thiêng thường nhật bên trong mỗi người đàn bà, đủ sức kéo những người bên họ ra khỏi cảm giác lưu lạc, dù là giữa một trận đại dịch hay giữa một nơi chốn không quen.
Rồi giàn sử quân tử trở mình ra bông. Rồi hoa nhài, hoa hồng, xương rồng, hoa tím… “Mắc kẹt” trong một bức tranh đẹp như vậy, tôi còn có gì để phàn nàn? Bức tranh ấy lại càng đáng nhớ hơn khi nó là phông nền cho cô trò tôi đi qua hết một học kỳ online hiệu quả, bình an. “Mắc kẹt” là một tình huống chớ không phải là bản chất. Vẫn nhà cửa tinh tươm, vẫn hít thở, vẫn ăn uống và làm việc. Tôi vẫn ở đây dù đang ở đâu.
Với những đứa đạo đồ ăn Việt Nam như chúng tôi, thì đây còn là những ngày hội hè miên man. Mỗi bữa ăn là một lần hân hoan. Hân hoan nhìn đám trái cây nhiệt đới. Hân hoan ăn gỏi gà trộn với rau răm chứ không phải… bạc hà, và nấu canh chua với cá lóc chứ không phải cá hồi. Hân hoan đúc bánh xèo, đổ bánh cuốn, nấu phở, nấu bún bò…
Rồi dò tìm mấy tiệm bán rau trái vườn nhà, học đường đi chợ sao cho đi một vòng từ đầu đến cuối chợ là mua đủ một bữa cơm, học gọi “mùi tàu”, “mùi ta”, “dọc mùng” chứ không phải là “ngò gai”, “ngò rí”, “bạc hà”…
Và những buổi sáng thả bộ ra chợ đứng đợi em trai bán cua đồng xay cho mớ cua đem về nấu bún riêu. Tưởng như bàn tay khảy gạch cua của em đang dừng-lại-giữa, chứ không phải đi qua, cơn đại dịch. Em vẫn ngồi đó, yên tĩnh tách từng cái mai cua nhỏ xíu, khéo léo lấy ra phần ngon nhất của con cua, rồi tuần tự bỏ vào máy xay. Cũng như chúng tôi dừng lại ở đây, yên tĩnh và tuần tự, để cuộc sống diễn ra, như nó vẫn vậy.
Đôi khi dừng lại là cách ổn thỏa nhất để bạn đi qua một cơn bão. Sự cố xảy đến làm bạn quên mất mặt kia của một sự việc vốn luôn có hai mặt, nhưng nếu lùi lại một chút, im lặng quan sát một chút, toàn thể sẽ hiện ra, như những “bản án” lơ lửng với những đóng cửa biên giới, cách ly, thất nghiệp, kinh doanh thua lỗ, thậm chí là bệnh viện, cái chết… và cái “tổ ấm - đền thiêng” của chúng tôi.
Khi nghe tin Nhật đóng cửa biên giới, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là sợ mấy hộp miso hết hạn. Bà Fiona trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai cũng vậy. Sau trận hỏa hoạn tang thương ở Drogheda, bà nói với Ralph: “Khi ngọn lửa bùng cháy lên, điều duy nhất hiện lên trong đầu con lúc ấy là gì cha biết không? Là mấy chiếc khăn tay mới thêu…”.
Phải chăng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, thì những thứ ta cần thật ra nhỏ bé, đơn thuần hơn nhiều so với những gì ta nghĩ? Lúc đứng trong tâm bão là lúc ta biết chính xác nhất những nhỏ bé, đơn thuần đó. Và dù chỉ là một ngày, dù là trong trạng thái “mắc kẹt” ngoài kế hoạch, thì nơi tôi ở vẫn phải là “tổ ấm”.
Diệu Thảo