Mấy phút sau, chị Hồ Thị Minh Nguyệt, nguyên Phó chủ tịch Hội LHPN, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ cũng thảng thốt gọi. Trên đường chạy vào Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, những dòng trạng thái, tin nhắn inbox cầu nguyện từ khắp các thành viên của “ngôi nhà” Báo Phụ Nữ. Chị Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ từ nước Mỹ, lặng người bởi “sợ về không kịp”. Tôi bất chợt mường tượng, cũng là những bước chân từng xuôi ngược trong 19 ngày sau khi thành phố Sài Gòn được giải phóng, họ - với 6 thành viên đã chuẩn bị cho cỗ máy Báo Phụ Nữ Sài Gòn - tiền thân của Báo Phụ Nữ TPHCM vận hành và phát hành đúng vào 3g chiều ngày 19/5/1975.
Họa sĩ Phạm Kim Mười, tức dì Mười Mai là một trong 6 thành viên sáng lập tờ báo ngày ấy.
Cầm trên tay giấy phép in báo được cấp bởi Chủ tịch Ủy ban quân quản Mai Chí Thọ, dì Tư Duy Liên kịp mời “nhà tư sản đỏ”, ông Nguyễn Văn An sang trụ sở Thành hội, đêm hôm trước, ông đã bàn với vợ, bán đứt 10 cây vàng, cho chị em làm vốn xoay xở. Dì Vân Trang cũng đã chấp thuận lời mời của dì Tư Duy Liên, đảm trách phần nội dung, dì Năm Tuyết chạy đôn chạy đáo tìm mua cho đủ giấy in báo, theo tính toán của chú Nguyễn Văn An, số đầu tiên in 50.000 bản là hợp lý. Thế là Lời ra mắt được nắn nót một cách trân trọng, hồ hởi. Chân dung Hồ Chủ tịch được đặt phía trên cùng, trang trọng, ấm áp, phía dưới là hình họa các tầng lớp nhân dân thành phố chào mừng ngày chiến thắng, trong đó hình ảnh “người phụ nữ của một nước độc lập và tự do” được họa sĩ Phạm Kim Mười thể hiện mạnh mẽ, tài hoa.
Cái thời “gian lao mà anh dũng” ấy, cả tòa soạn (ở 188 Lý Chính Thắng, Q.3) chỉ có mỗi chiếc xe honda. Trước giờ anh chị em phóng viên đi công tác, dì Mười luôn nhắc, nhớ đổ xăng đầy bình, tránh đêm hôm khuya khoắt, đường xa lại hết xăng tắt máy. Anh em phóng viên vác máy lên đường, dì Mười dặn, không chỉ chụp hình để đăng báo mà còn chụp để làm nguồn tư liệu lâu dài…
Bấy nhiêu cũng đủ để gói trọn cái tình dành cho lớp đàn em, con cháu; nếp sống quan tâm, lo lắng cho người khác ở dì Mười và những đồng chí cùng thế hệ của dì. Là bài học làm nghề vỡ lòng cho những nhà báo: không chỉ hiểu, nắm chắc cái điều mình muốn viết hay chụp đủ ảnh cho một bài báo mà còn tích lũy, suy ngẫm và mỗi ngày làm đầy thêm, dày hơn vốn hiểu biết, tầm quan sát, óc phán đoán và trách nhiệm trước bạn đọc của mình.
Những dịp hiếm hoi được hội ngộ, được ngồi cạnh những bậc tiền bối giản dị, thanh cao ấy, lớp con cháu như chúng tôi, thay vì được nghe dặn dò, nhắn nhủ thì các dì hầu như luôn dành cho sự đồng cảm, động viên, chia sẻ. Lạ lùng, thay cho niềm tự hào mà họ đã gieo mầm và vun xới, những con người đặt-nền-móng ấy lại tự nhận lấy niềm tự hào về lớp cháu con kế cận. Nghề báo tuy cực mà vui, làm báo ngày nay càng khó khăn, thử thách nhưng Phụ Nữ vẫn giữ vững tinh thần cách mạng, đầy tính dấn thân mà vẫn không rời thiên chức giới… Tôi không nghĩ đó chỉ là sự ghi nhận, lời động viên mà còn là cách gửi gắm của các dì, các chị - đáp lại là lời cam kết của thế hệ chúng tôi.
Cách đây hai năm, khi vào thăm dì, giữa bao tiếng cười rộn rã, dì nắm lấy tay tôi, nói nhỏ, thương nó, làm người đứng đầu cực lắm con ơi, cơm áo gạo tiền… Tôi chỉ sang họa sĩ Đàm Lan Huê, dì Mười cười, dì vẫn coi báo mình đều đặn, dì vui lắm, mấy con vẫn giữ được nét riêng Phụ Nữ của mình… Chỉ một năm sau đó, khi trở lại, dì Mười đã nhớ nhớ quên quên. Nhưng niềm vui vẫn cứ dịu ngọt trên gương mặt đẹp bởi dì Mười nhớ và biết “đám nhỏ” lau nhau ấy, “tụi nó“ qua thăm dì, rảnh, còn ngồi lại ăn một bữa cơm với dì ngay trong nhà dưỡng lão.
Những thời khắc cuối cùng trong ngày 4/2, ngắm nhìn khuôn mặt dịu hiền đang chìm dần vào giấc ngủ thiên thu, tôi bỗng nghĩ tới ông lão họa sĩ Behrman trong Chiếc lá cuối cùng (O’Henry). Giữa cơn bão tuyết, ông lão Behrman đã hoàn thành bức tuyệt phẩm của đời mình, chiếc lá thường xuân vẫn xanh để tiếp thêm sức sống cho cô gái Johnsy. Thì có khác gì, với 99 năm trụ thế, chừng ấy quãng đời thanh xuân cống hiến, tận tụy, ân cần, họa sĩ Phạm Kim Mười đã để lại cho lớp cháu con Báo Phụ Nữ một tấm lòng yêu thương, một nếp sống giản dị, ân tình - là chiếc lá thường xuân cho mỗi chúng tôi nguyện sống tử tế, sống có trách nhiệm với ngòi bút của mình.
Kính tiễn biệt dì Mười Mai - người để lại một nét vẽ đẹp cho nhân gian, trong đó có các thế hệ Báo Phụ Nữ Sài Gòn - TPHCM.
Lê Huyền Ái Mỹ
Vĩnh biệt người họa sĩ đầu tiên của Báo Phụ Nữ TPHCM
Trong niềm tiếc thương, gia đình các thế hệ Báo Phụ Nữ TPHCM vĩnh biệt dì Mười Mai - nữ họa sĩ đầu tiên của Báo Phụ Nữ TPHCM.
Dì Mười Mai tên thật là Phạm Kim Mười, sinh năm 1922 tại Đồng Tháp. Dì không có gia đình riêng. Thời còn trẻ dì sống cùng gia đình người em gái, về già dì sống cùng gia đình người cháu trai là anh Đinh Ngọc Phú. Đến năm 2016, theo nguyện vọng, dì đến sống tại trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè.
Dì Mười Mai là một trong những người có công đầu đối với Báo Phụ Nữ và đã dành hết tâm sức cho sự phát triển của tờ báo. Nhắc đến dì, nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên của báo đều nghẹn ngào, thương tiếc.
Lúc 16g30 ngày 4/2, dì Mười Mai trút hơi thở cuối cùng. Linh cữu được quàn tại chùa Ấn Quang, 243 Sư Vạn Hạnh, Q.10, TPHCM. Lễ động quan lúc 6g30 ngày 8/2/2020 (nhằm ngày 15 tháng Giêng năm Canh Tý), sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Thiên Ân