Một năm sau sự cố vỡ đập, hàng ngàn người dân Lào vẫn chưa thể an cư

24/07/2019 - 14:00

PNO - Báo cáo mới công bố hôm 23/7 cho thấy, một năm sau vụ vỡ đập gây lũ quét và giết chết hàng chục người ở tỉnh Attapeu, hàng ngàn người dân vẫn đang mòn mỏi chờ đợi trong các trại tạm trú.

Dân khổ vì cuộc đua xây đập

Trong một thập niên qua, Lào đã xây dựng nhiều đập thủy điện cho mục tiêu "viên pin của châu Á", bất chấp cảnh báo của các chuyên gia về tác hại môi trường và tiến độ xây dựng cấp tốc, thiếu an toàn kỹ thuật. Điều đáng tiếc đã đến: một đập phụ tại dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở miền Nam Lào sụp đổ ngày 23/7/2018, dưới áp lực của mực nước dâng cao do gió mùa, gây lũ lụt ở hạ lưu và giết chết khoảng 71 người. Đây là tai nạn đập chết người lớn nhất trong lịch sử Lào. Quá trình điều tra sau đó đã chỉ ra nhiều sai sót xây dựng của nhà thầu.

Mot nam sau su co  vo dap, hang ngan nguoi dan Lao van chua the an cu
Người dân tỉnh Attapeu di tản ngày 24/7/2018, sau khi đập thủy điện vỡ gây lũ quét

Báo cáo của nhóm bảo tồn International Rivers (IR), một năm sau thảm họa, cho biết: gần 5.000 người đang sống "bữa đói bữa no" tại các trại tạm cư thiếu thốn nhu yếu phẩm. Các công ty đứng sau dự án trị giá 1 tỷ USD vẫn chưa bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân. Theo IR, thảm họa là bài học cho hàng trăm con đập khác đang được lên kế hoạch ở Lào và các quốc gia dọc theo sông Mê Kông. Giám đốc IR tại Đông Nam Á - Maureen Harris - nói với AFP: "Suốt một thời gian dài, những cảnh báo lặp đi lặp lại của các nhà khoa học, cộng đồng và xã hội đều bị coi nhẹ".

Những cư dân buộc phải di tản ở Lào sau thảm họa hiện đang sống trong các lán trại ngột ngạt và nhận khẩu phần ăn ít ỏi. Gia đình các nạn nhân đã nhận khoản đền bù của chính phủ, nhưng IR đang kêu gọi đẩy mạnh tiến trình bồi thường, sử dụng quỹ bảo hiểm để giải quyết các yêu cầu cho người dân. Công ty xây dựng Hàn Quốc SK E&C - một trong những nhà thầu liên quan đến tập đoàn quản lý dự án - nói với AFP, họ "sẵn sàng hợp tác tích cực" sau khi kết quả điều tra của chính phủ Lào được công bố.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết, trong vài bình luận hiếm hoi năm 2018, rằng Lào vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược thủy điện đầy tham vọng của mình, nhưng sẽ tăng cường giám sát. Dự án Xe-Pian Xe-Namnoy, dự kiến sẽ cung cấp phần lớn điện cho Thái Lan, có thể đi vào hoạt động cuối năm nay. Các chuyên gia nhận định, việc chạy nước rút để xây đập ở khu vực đói năng lượng đang đe dọa dòng chảy của sông Mê Kông, làm xáo trộn quần thể nhiều loài cá và thay đổi chu kỳ lũ lụt theo mùa, vốn ảnh hưởng đến hàng triệu người sống dọc theo sông này.

Tiêu diệt sông Mê Kông

Sông Mê Kông bắt đầu ở Trung Quốc (đoạn Lan Thương), chảy dọc theo phía đông Myanmar, băng qua Lào, Thái Lan và Campuchia, rồi kết thúc ở cửa biển Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu về sự phát triển và quản lý bền vững của sông Mê Kông tháng 2/2018, do Ủy ban sông Mê Kông (MRC) thực hiện, cho thấy kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện lớn ở hạ lưu sông Mê Kông và 120 đập phụ vào năm 2040 đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và kinh tế của khu vực, cũng như việc người dân địa phương khó có thể tiếp cận với thực phẩm.

Các kế hoạch thủy điện sẽ khiến lượng phù sa chuyển đến vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm tới 97%, đồng thời khiến nguồn cá giảm mạnh. Tổng sinh khối thủy sản trên sông có thể giảm 35-40% vào năm 2020 và 40-80% vào năm 2040. Kết hợp với các tác động của biến đổi khí hậu, nghiên cứu dự đoán rằng, việc thiếu hụt cá dễ dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm cấp tính trong cộng đồng tại Lào, Campuchia và cả Việt Nam.

Lợi ích và sự đánh đổi của việc phát triển thủy điện cũng không phân bổ đều khắp lưu vực hạ lưu sông Mê Kông. Thái Lan là nước thụ hưởng sản phẩm chính từ các đập thủy điện của Lào. Hầu hết lợi nhuận từ thủy điện sẽ rơi vào túi các công ty và ngân hàng bên ngoài lưu vực sông Mê Kông, bao gồm Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc; trong khi cái giá phải trả cho các dự án lại đè lên vai những cộng đồng đánh cá và nông nghiệp tại địa phương, với mức thu nhập thấp hoặc trung bình.

Dù vậy, việc xây dựng đập trên diện rộng ở hạ lưu sông Mê Kông và trong lưu vực vẫn không suy giảm. Đập Xayaburi, công trình đầu tiên ở hạ lưu sông Mê Kông, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10/2019, đang tiến hành thử nghiệm những bước cuối cùng. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI