Sự huyên náo diễn ra vào mùa hè hàng năm tại phòng triển lãm sang trọng ở Basel, nơi các nhà sưu tập nghệ thuật và săn lùng những tài năng mới tụ hội, có thể bị thay thế trong năm nay khi tình hình dịch bệnh tại Thụy Sĩ vẫn chưa ổn định. Trong khi đó, tòa nhà Herzog & de Meuron, nơi tổ chức những hội chợ nghệ thuật lớn nhất thế giới vào tháng 6 cũng đã dời lịch sự kiện này sang tháng 9.
Một năm sau đại dịch, thế giới nghệ thuật vẫn quay cuồng vì tác động của việc đóng cửa, cấm đi lại và sự xa cách xã hội. Việc kinh doanh mua bán nghệ thuật đang phải thích ứng để hạn chế tối đa thiệt hại.
Báo cáo từ UBS và Art Basel cho thấy doanh thu của thị trường nghệ thuật năm 2020 giảm 22% xuống còn 50,1 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, sự sụt giảm không đồng đều ở các khu vực, khi những khách hàng giàu có ở châu Á đang tăng trưởng mạnh mẽ.
|
Du khách tham quan triển lãm Art Unlimited tại hội chợ Art Basel ở Thụy Sĩ. |
Trái ngược với cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, giới siêu giàu đã trở nên giàu có hơn trong thời kỳ đại dịch do các biện pháp kích thích tài chính và thị trường biến động giúp gia tăng tài sản của họ.
Chuyên gia kỳ vọng sự phục hồi vào cuối năm 2021 bởi sức mua của lượng lớn các nhà sưu tập trẻ tuổi và các buổi đấu giá trực tuyến nở rộ. "Có rất nhiều nhu cầu bị dồn nén về trải nghiệm và thậm chí cả chi tiêu, một khi có sự ổn định thì khả năng phục hồi sẽ rất cao" - Giám đốc điều hành Sotheby's, ông Charles Stewart, nói với Reuters.
Sự phát triển của tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số
Nhà đấu giá Christie's cho biết năm 2021 đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục về tiềm năng thu lợi nhuận từ loạt tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. Trong tháng 3, Christie's đã ghi nhận doanh thu kỷ lục 70 triệu USD từ các hoạt động kinh doanh ảo.
Mới đây cuộc đấu giá trực tuyến được tổ chức trong 14 ngày thành công ngoài mong đợi, ban đầu tác phẩm Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ Hoa Kỳ Beeple chỉ có giá khởi điểm 100 USD nhưng đã nhanh chóng tăng chóng mặt, với 22 triệu khách truy cập trong những phút đấu giá cuối cùng, đẩy giá bán lên mức 69,3 triệu USD.
Tiếp nối đà tăng trưởng này, Christie's có kế hoạch bán thêm các bức tranh kỹ thuật số (NFT) để thúc đẩy doanh thu. Bởi qua khảo sát, nhiều người tiêu dùng bày tỏ sẵn sàng mua các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến mà không cần nhìn thấy hiện vật trước.
|
Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số NFT Everydays: The First 5000 Days được bán với giá khủng 69,3 triệu USD. |
Rachel Lehmann, đồng sáng lập của Lehmann Maupin, nơi có các phòng trưng bày trên khắp thế giới, cho biết: “Những gì chúng tôi quan sát được là giới nhà giàu đang sẵn sàng bỏ tiền mua các tác phẩm nghệ thuật hơn bao giờ hết”.
Nhưng cô cũng cảnh báo thêm không gian kỹ thuật số đang đặt ra thách thức đối với các nghệ sĩ và bản thân các tác phẩm nghệ thuật không thể truyền tải trọn vẹn sức hút của chính nó khi khách hàng chỉ đơn thuần nhìn qua hình ảnh.
Cơ hội và thách thức
Đối với nghệ sĩ người Đức Antoinette, biện pháp phong tỏa mùa dịch hoàn toàn không tệ mà mang lại cho cô nhiều thời gian và cơ hội tạo ra những bức tranh cho cộng đồng.
Chỉ sử dụng bút chì, cô đã hoàn thành những bức vẽ phức tạp trên những tấm bảng cao 5 mét, là một phần của dự án kéo dài nhiều năm về bản sắc văn hóa châu Âu mang tên "ALTAR của châu Âu". Người dân địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tâm sự được truyền cảm hứng rất nhiều khi xem Antoinette làm việc qua cửa sổ.
"Tôi cảm thấy mình là một phần của cộng đồng" - Antoinette nói với Reuters.
Mặc dù, Antoinette có thể cháy hết mình với đam mê nhưng về mặt tài chính, những tác phẩm mà cô thực hiện trong thời gian này chỉ mang đến số tiền lương eo hẹp.
Không chỉ các họa sĩ tự do, các phòng trưng bày nhỏ hơn cũng đang gặp khó khăn và đối mặt không ít thách thức, bởi đại dịch đã đẩy nhanh sự tập trung của thế giới nghệ thuật vào nhóm khách hàng giàu có.
Nhà kinh tế học nghệ thuật Clare McAndrew, tác giả báo cáo Thị trường nghệ thuật, cho biết: “So với cuộc suy thoái năm ngoái, tài sản của các tỷ phú đã tăng lên khá nhiều. Những điều này rất tốt cho việc bán tác phẩm nghệ thuật... nhưng nó cũng đặt ra không ít thách thức về sự minh bạch và bất bình đẳng trong việc mua bán tác phẩm đã trở thành vấn nạn tồn tại bao lâu nay”.
|
Giới nghệ thuật toàn cầu kỳ vọng sự phục hồi vào cuối năm 2021. |
Kỳ vọng phục hồi
Các phòng trưng bày và cố vấn dự đoán nhu cầu về hội chợ và du lịch nghệ thuật sau đại dịch sẽ phục hồi đáng kể, nhất là vào cuối năm nay.
Art Basel đã lên lịch tổ chức hội chợ ở Hồng Kông vào cuối tháng 5. Trong khi các hội chợ lớn khác, bao gồm TEFAF và Frieze, cũng dư kiến triển khai trực tiếp ở một số định dạng (bao gồm cả trực tuyến) vào cuối năm 2021. Các nhà tổ chức cho biết sẽ chọn lọc các bộ sưu tập, bám sát trọng tâm khách hàng địa phương hơn nhằm thúc đẩy doanh số.
Tại Hồng Kông, các phòng trưng bày đã báo cáo hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh khi Trung Quốc sớm phục hồi sau đại dịch và nhu cầu tiếp nhận nghệ thuật đương đại của người dân ngày càng tăng.
Leo Xu, Giám đốc cấp cao của phòng trưng bày David Zwirner Hồng Kông, cho biết: “Mọi người đã trở nên quen thuộc với sự xa hoa của các hội chợ và các lễ hội hiện được tổ chức ở nhiều thành phố lớn”. Leo Xu nói thêm đang cố gắng tăng doanh số bán hàng trong năm nay thông qua việc tiếp cận với những tỷ phú có niềm đam mê nghệ thuật.
Ở New York, các chủ phòng trưng bày cũng cho biết sự phục hồi tích cực. Sean Kelly, người điều hành một phòng trưng bày nghệ thuật đương đại ở New York, tâm sự khoản lỗ doanh thu hội chợ nghệ thuật đã được bù đắp bằng việc tiết kiệm chi phí và các hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Chung Thu Hương