Một năm dùng dằng

05/01/2019 - 10:00

PNO - Năm rồi, việc lớn nhất chị định làm là tính toán chia tay nhưng chuyện này giờ vẫn dở dang vô thời hạn. Mà lạ là chị thấy cái việc dở dang này lại hóa hay. Suốt một năm nay, chị đã trực diện đương đầu với nó.

Những buổi chiều cuối năm thường gây thương nhớ. Người ta nhớ đến những việc đã làm, nhớ những việc đã định mà chưa kịp làm, nhớ trong tâm trạng sợ mình lỡ mất dịp rồi và không còn cơ hội làm điều đó nữa. 

Mot nam dung dang
Ảnh minh họa

Năm rồi, việc lớn nhất chị định làm là tính toán chia tay nhưng chuyện này giờ vẫn dở dang vô thời hạn. Mà lạ là chị thấy cái việc dở dang này lại hóa hay. Suốt một năm nay, chị đã trực diện đương đầu với nó. Lần đầu chị nói thẳng ra quyết định của mình, cứ nghĩ sẽ ghê gớm lắm, nhà cửa sẽ chao đảo tròng trành tan nát mất thôi. Nhưng sự thật hoàn toàn không như vậy. Khi chị “nói thẳng vào mặt lão chồng” - như một người bạn gái từng khuyên, chị thấy anh im lặng, như thể biết trước là sẽ tới lúc này, như đã chuẩn bị tâm thế để đón nhận chuyện này và kinh khủng hơn, thỉnh thoảng chị nghĩ nếu mình không nói trước có khi anh ấy sẽ tự nói ra lời đề nghị chia tay, lúc đó chắc mọi chuyện tệ hơn nhiều.

Mình cứ nghĩ chỉ có mình là đau khổ, chỉ có mình là đêm ngày suy nghĩ nung nấu tìm giải pháp để lấy lại tự do, còn kẻ kia thì mèo mả gà đồng, hái hoa bắt bướm, vô tư sung sướng. Nhưng không. Một khi hôn nhân đã biến thành ngục tù, ai cũng đau khổ như nhau, ai cũng loay hoay tìm đường để thoát ra. Không ai làm khổ ai nhiều hơn trong cuộc chịu đựng này. Ừ thì cũng may là mình nói ra trước. 

Tháng đầu tiên khi chị công khai quyết định của mình, chồng chị vẫn đều đặn duy trì công việc hằng ngày. Anh lầm lì ít nói hơn, trong khi chị chì chiết nhiều hơn. Cứ như cái van chịu đựng, nín nhịn trong chị bấy lâu nay đã đứt bung ra. Chị quyết liệt thay đổi. Không khí trong nhà luôn nặng nề chát chúa.

Con trai chị đã dự phần vào chuyện này theo một cách chị không hề tính trước. Thằng bé bị tai nạn giao thông, sau khi chuyện ly hôn được công khai trong gia đình khoảng hơn hai tháng. Thằng bé đang học năm thứ hai, đẹp trai, mang gương mặt của anh lúc anh 20 tuổi. Thằng bé là lý do khiến chị nhẫn nhịn nhiều năm. Vậy mà hôm đó, điện thoại chị réo lúc ba giờ sáng, hai vợ chồng chạy tới phòng cấp cứu của bệnh viện, đã thấy con nằm như chết trên băng ca, máu me đầy mặt.

Mổ, hậu phẫu, lại cấp cứu, lại mổ… cả vợ cả chồng chỉ biết túc trực ngày đêm ngoài hành lang phòng chăm sóc đặc biệt. Đành dựa vào nhau thôi chứ biết làm sao. Chị đã khóc trong tay chồng lúc con được rời phòng chăm sóc đặc biệt để về phòng hậu phẫu thường. Lâu lắm rồi mới có nước mắt hạnh phúc chứ không là nước mắt đắng cay. 

Mot nam dung dang
Ảnh minh họa

Thằng bé nói, con buồn chuyện ba má chia tay, con đi chơi với bạn, uống bia, tới hồi đi về không biết sao mà đụng xe. Thằng bé bị gãy bốn cái răng, phần hàm còn chấn thương nặng, chưa làm răng được. Chị hẹn lòng chừng nào làm răng cho con xong, chừng nào con nở được nụ cười tươi như trước, chị sẽ trở lại câu chuyện đó. Mỗi lần nhìn mặt con là một lần chị xót xa. Tự nhiên không dám nghĩ nhiều đến chuyện chia tay nữa, tự nhiên không xéo xắt với chồng nữa, tự nhiên nhỏ giọng lại khi phải nói chuyện với chồng trước mặt con, tự nhiên thấy bàn ăn phải có đủ cả vợ cả chồng, để con có thể ăn được mà mau bình phục. 

Thế rồi năm qua. Mọi chuyện vẫn dừng ở đó. Chồng chị đã về nhà nhiều hơn, đều đặn hơn, nói chuyện với con trai, hay loay hoay vô đất mấy chậu cây kiểng trên lầu, hay cặm cụi lôi mấy cái xe ra rửa trước sân, lên thắng, thay nhớt… Vẫn là sự im lặng thôi nhưng chị thấy mình bắt đầu nhìn anh với con mắt ít nhiều thay đổi. Chị tự hỏi anh có còn qua lại với con nhỏ ở nhà hàng nữa không, có còn thả thính con nhỏ ở chi nhánh công ty nữa không... Ừ mà trông có vẻ mấy vụ lai rai nhậu nhẹt, đi tăng hai tăng ba… đã không còn phù hợp với thời gian biểu của ổng hiện tại nữa. 

Mà gia đình, chị nghĩ, đâu phải chỉ để cười tươi chụp ảnh, nắm tay dung dăng dung dẻ đi chơi, hay để gấu ó chì chiết nhau khi có bất đồng, xô lệch. Gia đình còn là để nâng đỡ nhau, để nương tựa nhau. Như mình đang nương tựa vào con đấy thôi. Và dù đau ốm, thương tích, con vẫn đang nâng đỡ cả cha và mẹ. Những chiều cuối năm này, chị không ngờ mình đang trông ngóng chồng đi làm về. 

Chị tự nhủ: “Chỉ là vì bây giờ ai trong nhà đi ra đường mình cũng sợ, rủi có bề gì… vậy thôi, chứ mình đâu phải ngóng trông như ngày xưa”. Nhưng chị biết, năm mới đã bắt đầu, năm mới không chỉ có dùng dằng, mà còn có cả ngóng trông, chờ đợi… 

Hạnh Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI