Một nách ba con, mỗi lần xin tiền chồng là cực hình

30/07/2019 - 17:56

PNO - Ngày nào cũng có sự cố này kia. Vừa mừng vì thấy hai đứa lớn tự chơi được, đang dỗ nốt đứa em thì đã nghe tiếng hét thất thanh của con. Đêm nào tôi cũng buông lưng trong kiệt quệ.

Nỗi niềm mẹ một nách ba con, không biết có ai thấu hiểu giùm. Mỗi ngày với tôi đều là những công việc không tên từ dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ, dỗ ru con, tắm giặt cho con… và cả áp lực về tiền bạc. 

Chừng đấy việc quay cuồng những tưởng 24 tiếng cũng không đủ, nhưng khi về nhà chồng vẫn mặt nặng mày nhẹ: “Ở nhà cả ngày cô làm gì mà bữa cơm nấu cũng không tử tế”.

Một mâm cơm tử tế với chồng tôi là phải gồm hai món mặn, hai món rau như nhà người ta. Ít hơn thì anh khó chịu, than khó nuốt. Anh nói anh đi làm kiếm tiền vất vả, còn tôi ở nhà thì cần phải cơm nước cho đầy đủ, anh mới có sức đi kiếm tiền.

Nhìn tôi áo quần xộc xệch, đầu tóc không kịp chải, mặt mũi cả ngày nhợt nhạt không phấn son, anh tự nhiên sinh cáu bẳn, xa lánh. Tôi dù tủi thân và buồn cũng chỉ dám nén trong lòng không dám kêu ca.

Mot nach ba con, moi lan xin tien chong la cuc hinh

Nhìn tôi áo quần xộc xệch, đầu tóc không kịp chải, mặt mũi cả ngày nhợt nhạt không phấn son... (Ảnh minh họa) 

Chồng tôi nào có thể hiểu: Bế thằng em thì thằng anh khóc. Thằng lớn đi vệ sinh thì thằng bé ở ngoài gào đòi mẹ. Chỉ có cắm nồi cơm quên chưa kịp đậy nắp thùng gạo mà đứa lớn, đứa bé thay nhau đổ vung vãi gạo khắp nhà. Chỉ có đi đón đứa lớn đi học thôi mà dắt díu đẩy xe thêm cả 2 đứa bé. Chỉ quãng đường 1km từ trường về nhà mà đi mất gần 1 tiếng, chưa tính thời gian chuẩn bị cho chúng ra khỏi nhà. Đến bữa nấu cơm, tất tần mọi việc chỉ làm bằng một tay vì tay kia bận bế con.

Ngày nào cũng dính sự cố này kia. Vừa mừng vì thấy hai đứa lớn tự chơi được, đang dỗ nốt đứa em thì đã nghe tiếng hét thất thanh của con. Hai đứa hòa thuận chưa nổi 5 phút đã lao vào lôi tóc nhau, khóc lóc um sùm. Pha sữa cho em thì anh dành, nấu bột cho em thì anh cướp. Ru em ngủ chưa kịp đặt xuống, anh đã lao vào phòng gọi: “Mẹ”, em lại tỉnh, lại ru lại từ đầu. Cầm chìa khóa vừa mở xong cái cửa, quay lại con đã mở được tủ lạnh, ném trứng vỡ tung tóe ra sàn.

Thế nên sáng ngủ dậy từ 6g nhưng trưa 11g tôi vẫn chưa có thời gian đánh răng, rửa mặt hay chải tóc. Con ngủ mẹ tranh thủ đi giặt đồ, phơi đồ, dọn nhà cũng không kịp. Thời gian đâu mà quan tâm bộ áo quần trên người mặc có đẹp hay không, mồ hôi bết dính hôi hám tôi khó chịu lắm chứ, nhưng bỏ hết mà đi tắm rửa được không?

Ngày nào như ngày nấy, đêm đặt được cái lưng xuống giường tôi cũng lim đi vì sung sướng, thời gian đâu mà nũng nịu chồng. Mà cũng phải tranh thủ ngủ, chứ chừng một hai tiếng sau là phải dậy thay tã cho đứa nhỏ, nhắc đứa lớn dậy đi tiểu.

Thiếu ngủ, ngày đêm như vòng quay bất tận không ngơi nghỉ khiến tôi kiệt sức, còn có thể nấu một bữa cơm đủ đầy như mong muốn của chồng hay không? Có hôm định bụng lên mạng tìm kiếm thực đơn đổi món mà cũng không mở điện thoại được, huống chi chợ búa, bày biện?

Mot nach ba con, moi lan xin tien chong la cuc hinh

Lắm lúc tôi bất lực, ngồi thụp xuống mà khóc hu hu cùng lũ trẻ. (Ảnh minh họa)

Lâu lâu soi gương, thấy có thêm nếp nhăn, cái mụn hay vết nám đậm hơn cũng tặc lưỡi thôi kệ. Bạn bè gọi đi tụ họp, cũng chỉ dám nói đại khái “mình bận” rồi từ chối.

Nhưng khổ nhất vẫn là chuyện tiền nong. Nói chồng đưa tiền tã cho con, tiền sữa, tiền áo quần… đều nhục nhã nhận lại ánh mắt khó chịu: “Gì mà nhanh hết thế!”, hay: “Sao không tập xi cho con đi”. Con ốm, xin chồng tiền đi khám, đi viện, chồng cũng chẳng thoải mái: “Chăm con kiểu gì mà cứ bệnh suốt!”.

Có những lúc cả mấy đứa cùng lúc khóc như một dàn đồng ca, tôi muốn phát điên, vừa đánh vừa gào lên: “Sao các con không biết thương mẹ?”. Lắm lúc tôi ngồi thụp xuống mà khóc hu hu cùng  lũ trẻ. Bọn trẻ thấy mẹ khóc thì im bặt.

Khóc xong, đỡ tủi hờn, tôi lại ôm từng đứa, xin lỗi con. Ông bà ở xa, chẳng ai giúp đỡ được gì. Mình tôi giữa nơi đất khách quê người với các con, cảm giác sao mà cô đơn, mỏi mệt.

Nhiều đêm chật vật không ngủ được, tôi khóc ướt gối. Chồng vẫn ngáy đều đều phía bên kia. Tự hỏi cuộc sống sẽ còn khó khăn đến bao giờ, phải gồng lên mà đi tiếp chứ có ai bên mình đâu. Có ai đồng cảm với nỗi niềm của tôi hay không?

X. M (TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI