Cháu tôi chưa được bốn tuổi, cứ mỗi lần vào thang máy thấy chai nước rửa tay là lúc nào cũng "xịt xịt xoa xoa" vì sợ "con corona cắn". Mỗi khi đi ra ngoài chơi, không chờ mẹ nhắc nhở, bé tự đeo khẩu trang, chơi trò cầu trượt ở sân chơi trẻ em cũng ngoan ngoãn chờ đến lượt, không tranh nhau, không đứng quá gần các bạn khác.
|
Một phụ huynh hướng dẫn con rửa tay ở đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh: Tam Nguyên |
Nhìn cách con trẻ còn chưa biết thế nào là dịch bệnh nhưng rất ghi nhớ những lời mẹ dặn, đã thấy các con cũng đang cùng người lớn trải qua một mùa xuân kỳ lạ - dẫu có hồn nhiên hơn bội phần.
Buổi sáng đi dạo quanh đường nội bộ khu chung cư mình đang sống, có khoảnh khắc tôi bất ngờ đứng lặng nhìn đàn én nhỏ chao lượn trên vòm trời xanh trong. Phía ấy, những chùm hoa sứ màu hồng nhạt rung rinh dưới nắng mai. Trước sân, những cội mai vàng khoe khắc, cúc mâm xôi, quất, hướng dương, vạn thọ... cùng rực rỡ, bừng lên màu tết.
Vậy mà trong không gian thanh bình của hoa thơm và tiếng chim ấy lại xuất hiện hình ảnh chưa từng có vào những ngày xuân trước: bảo vệ tòa nhà đang làm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho bất cứ ai ra vào cổng chung cư. Những chiếc khẩu trang y tế được chuẩn bị sẵn, dành cho người nào có mặt ở khu công cộng của tòa nhà mà không đeo khẩu trang.
Những đêm trước ngày có chỉ thị của thành phố yêu cầu tạm ngừng các hoạt động không thiết yếu, sân chung cư còn là nơi tổ chức lễ hội tết cho cộng đồng với nhiều hoạt động: nấu bánh chưng, tiểu cảnh, văn nghệ, tổ chức các gian hàng bán hoa quả, bánh mứt, thực phẩm tết...
Không gian sinh hoạt nho nhỏ nhưng cũng cho những ai không về quê ăn tết cảm nhận được chút ấm áp của mùa xuân. Nồi bánh bập bùng suốt đêm thâu, để sớm mai bánh chín, được vớt ra làm thơm thơm cả góc sân. Bước chân của người đi tập thể dục buổi tinh mơ nhờ thế được nghe phảng phất trong gió một "hương tết" vương mùi bánh chưng bánh tét...
|
Cùng nhau nấu bánh chưng, bánh tét |
Ngày thành phố phát hiện thêm nhiều ca bệnh mới, mẹ tôi lo lắng gọi điện cho khắp lượt con cháu trong nhà, nói rằng năm nay đứa nào không về cũng được. Đường sá xe cộ xa xôi, dịch bệnh rình rập, khó lường.
Mâm cúng ngày 30 tết mẹ làm đơn giản, gọn nhẹ cúng ông bà tổ tiên, rồi sau tết "tình hình thư thư" các con có thể về sau. Nghe mà muốn khóc. Có năm hai mấy tháng Chạp mà chưa thấy đứa nào về, bà đã buồn lắm rồi.
Tết này, có lẽ rất nhiều người già chấp nhận ăn cái tết đơn chiếc như vậy. Câu hát "Mẹ ơi xuân này chắc con vắng nhà..." bây giờ đã được hát lên theo một ý nghĩa khác, rung cảm và xót xa khác.
Hôm trước, một người bạn ta thán: ''Cứ tưởng năm 2020 đầy thảm họa đã trôi qua, năm mới rồi sẽ tốt đẹp hơn. Ai mà ngờ đâu...". Hiểu cho bạn - và rất nhiều người khi đã gắng gượng mà vượt qua một năm nhiều khó khăn, tổn thất. Nhưng tương lai là điều không ai có thể biết trước được. Có những chuyện, chỉ sau một đêm ngủ say, sớm mai thức giấc mọi thứ đã thay đổi, đảo chiều.
|
Mùa xuân đã về, nhưng phố vắng... |
Chúng ta bước qua năm mới với tất cả những mong ước tốt đẹp, khép lại những điều phiền muộn, mất mát của năm cũ. Nhưng dịch bệnh vẫn "đeo bám" loài người. Hồi tháng 4/2020, báo chí Việt Nam đã đưa tin về phát ngôn của chuyên gia virus học hàng đầu người Nga Vitaliy Zverev (Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga), thừa nhận rằng "chủng coronavirus mới sẽ tồn tại mãi mãi cùng với loài người".
Một thông tin không lấy gì làm khả quan. Nếu dịch bệnh không thể biến mất hoàn toàn, cách duy nhất mà loài người có thể làm là đương đầu, đối mặt, vượt qua. Đó cũng là cách con người ứng phó với nỗi sợ hãi. Không thể khác được.
Niềm vui của mùa xuân này - nếu có - chỉ len lỏi vào lòng người trong thoáng chốc, với những khoảnh khắc bất chợt nhìn thấy mai vàng trên phố, người người đang cố gắng cùng nhau "chở tết về nhà", đón năm mới trong cẩn trọng, âu lo nhưng cũng nỗ lực cho những sum vầy, ấm áp cùng cộng đồng. Những món quà cho sinh viên không thể về quê ăn tết, cây ATM gạo trong khu cách ly, những tiểu cảnh mùa xuân trong bệnh viện...
Những san sẻ làm ấm lòng.
|
Lễ hội tết nho nhỏ được tổ chức tại một chung cư ven đô |
Đất trời vẫn vào xuân cùng vạn vật, thời gian vẫn trôi đúng như câu hát "bốn mùa như gió bốn mùa như mây" của nhạc sĩ họ Trịnh. Ngày đầu năm mới này, chợt nhớ Paulo Coelho từng viết trong cuốn sách Nhà giả kim: "Khi bạn khao khát điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lực lại giúp bạn". Nhiều người gọi đó là "năng lượng vũ trụ" - một niềm tin khả thi về điều chưa thể "hiển lộ".
Năm mới, bao nguyện ước thường là được sức khỏe, bình an, tài lộc... Những lời chúc xuân người dành cho nhau cũng đều mang ý nghĩa tốt lành: "vạn sự như ý", "hạnh phúc an khang", "phát tài phát lộc"... Mong ước năm này của tôi có lẽ chỉ là "sức khỏe dồi dào" cho bản thân, gia đình và mọi người. Có sức khỏe để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn vất vả của đời sống; để còn chống chọi với virus corona, đề kháng tốt để có thể đứng ngoài những nguy cơ bệnh tật.
GS Phan Văn Trường, một người tôi rất kính trọng từng nói: "Ngày mùng Một là ngày trịnh trọng, đặc biệt - thời gian để bắt đầu năm mới, lạc quan, tươi vui, đầy những kế hoạch...". Ông vẫn giữ thói quen khai bút trong ngày đầu năm mới - thói quen có từ thời ông bà, bố mẹ của Giáo sư. Khai bút đầu năm bằng những bài thơ ý nghĩa hoặc có thể là những mục tiêu, kế hoạch cho bản thân. Mục đích của khai bút đầu năm là gửi gắm vào chữ những khát vọng bình an.
Ngày "khai bút bình an" này, ta gửi vào chữ niềm mong ước rằng dịch bệnh rồi sẽ qua, vũ trụ có nhận được...
Lục Cầm Thi