Một mối tình có thật ở trên đời

04/02/2017 - 06:30

PNO - Không ít người thuộc thế hệ lớn lên sau chiến tranh như tôi có cùng nỗi hoài nghi về tình yêu.

Nhưng có một mối  tình khiến tôi tự nhủ không được hoài nghi, có niềm tin rằng trên đời này, tình yêu là điều có thật. Tình yêu của họ đã được thử thách, gắn bó keo sơn, vượt qua nghiệt ngã chiến tranh, sóng gió khốc liệt thời bình, vượt qua bệnh tật và cái chết.

Mot moi tinh co that o tren doi
Vợ chồng anh Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) - nguyên Bí thư Thành Đoàn (giai đoạn từ cuối năm 1972 cho đến ngày giải phóng), nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM và chị Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân) - nguyên Tổng giám đốc Co.op Mart, Anh hùng lao động - thời hoạt động phong trào học sinh sinh viên - hướng về tương lai đầy thử thách - ẢNH TƯ LIệU

Chưa thấy mặt, lòng đã yêu

Giai đoạn Mậu Thân 1968, anh Năm Nghị (Phạm Chánh Trực) là Phó bí thư Thành đoàn, còn chị Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân) thuộc lực lượng chính trị vũ trang. Mỗi khi về căn cứ học tập, do tổ chức giữ bí mật, các học viên phải bịt mặt. Không nhìn được mặt nhau, mắt anh chị vẫn nhìn thấu nhau. Khi về Bến Tre, chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân, anh đã để ý chị giữa những bóng hồng cách mạng.

Ngày ấy, Chín Ngân nằm trong bộ tứ mỹ nhân của Ban Chấp hành Thành Đoàn: Trương Mỹ lệ (Tư Liên), Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân), Trần Thị Sáu (Mười Thoa), Đỗ Ngọc Trinh (Bảy Hà). Đó không chỉ là những cô gái xinh đẹp mà còn là những cán bộ đoàn nung nấu trong tim ngọn lửa cách mạng, hạt nhân của phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn. Ông bà xưa khuyên “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân”. Anh chọn người bạn đời cho mình không phải ở chợ đông mà chính trong chiến trận.

Trong khí thế hừng hực Mậu Thân 1968, trái tim anh Năm Nghị vẫn dành chỗ cho một người con gái mà anh thầm yêu. Anh lý giải vì sao mình chọn người con gái ấy, là Chín Ngân chớ không phải là ai khác: “Lúc về căn cứ Bến Tre truyền đạt nghị quyết Quang Trung, Chín Ngân cùng về với các chị Tư Liêm, Mười Thoa, Bảy Hà… Các cô đều rất xinh đẹp.

Đáng quý hơn là những người con gái đẹp ấy lựa chọn con đường tranh đấu, đi cùng đồng bào, dân tộc. Tôi bị Chín Nghĩa thuyết phục vì sự hồn nhiên, chân thật, trong sáng. Cứ qua cách cô ứng xử với đồng chí, đồng đội thì đoán ra tính cách của cô. Giác quan thứ sáu mách bảo tôi Chín Ngân là người phụ nữ của mình. Dù phải che mặt giữ bí mật, tôi vẫn nhìn ra cô  ấy qua dáng người thanh mảnh, giọng nói ấm áp…”.

Chị Chín Nghĩa cười, hỏi lại anh Năm Nghị: “Nếu lộ ra một cô quá xấu thì sao?”. “Anh tin là em không thể xấu, nhất định là như thế”. Đôi vợ chồng ở tuổi bảy mươi chợt phá lên cười, trông thật hồn nhiên, tươi trẻ.

Chuyện tình yêu của anh chị trải qua không ít gian truân, thử thách. Chiến tranh quá ác liệt, chị cũng không dám nghĩ xa xôi về hạnh phúc riêng tư. Nhưng tài năng, đức độ, sự kiên trì của anh  làm chị mềm lòng. Năm 1969, anh chị xin phép gia đình về căn cứ làm đám  cưới. Địch mở trận càn quét ác liệt, lễ tuyên hôn anh chị đành gác lại.

Rồi chị bị bắt vào tù, bị chuyển đến từ Biệt khu thủ đô đến trại giam Biên Hòa, rồi đến nhà tù Phú Tài - Quy Nhơn... Bị bắt vào tù, chị mới hay tin anh Năm vượt ngục. Chị thầm nhủ: “Anh Năm rất kiên cường. Vậy mình càng phải giữ gìn khí tiết, để sống xứng đáng với anh ấy, để anh không buồn, tự hào vì người yêu mình giữ được khí tiết”. 

Yêu là nhớ da diết, là hành động để có nhau

Anh Năm Nghị kể: “Bị bắt vào tù, tôi nghĩ đủ thứ, da diết nhớ đến người mình yêu”.

Vì vậy, anh tìm mọi cách vượt qua những song sắt nhà tù. Bằng mưu trí, sự dũng cảm; anh Năm Nghị nổi tiếng là người tù nhiều lần vượt ngục. Chuyện vượt ngục của anh thật ly kỳ, đầy đủ chất liệu để anh viết một quyển sách hấp dẫn. Nhưng anh tâm sự động cơ khiến mình vượt ngục là để tiếp tục làm cách mạng, tiếp tục kháng chiến. Và dù không nói ra, tôi nghĩ còn có một động cơ mãnh liệt của người đàn ông đang yêu. Anh vượt ngục để sớm gặp lại người yêu, anh không bao giờ muốn “lỡ hẹn” cùng chị trong trận chiến quyết tử ngày giải phóng Sài Gòn…

Có nhau trong đời

Hòa bình, anh chị lao vào trận chiến mới. Anh trở thành Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố, Bí thư Quận ủy quận 5, Phó chủ tịch UBND TP, Phó ban kinh tế Trung ương, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao. Người lính năm xưa không chịu bị giam cầm trong những song sắt nhà tù giờ không cam lòng trước trận chiến chống đói nghèo cho thành phố.

Mot moi tinh co that o tren doi
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nghĩa và anh Phạm Chánh Trực những ngày về quận 2, tìm một không gian tĩnh lặng để dưỡng bệnh và yêu thương. Ảnh: TH

Chị cũng không đành nhìn Hợp tác xã mua bán Thành phố tàn lụi sau khi Nhà nước thực hiện chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường. Chị tự nhủ: phải nhìn tư nhân mà học cách làm ăn sáng tạo, kinh doanh phải có lãi để nuôi sống và tích lũy… Saigon Co.op ra đời, còn non trẻ đã phải đương đầu với cơn bão tín dụng. Chị Chín Ngân đã cùng tập thể kinh doanh kiên định đi con đường riêng của mình, thắt lưng buộc bụng trả nợ tín dụng, mở siêu thị đầu tiên rồi hệ thống siêu thị cả nước, trở thành một trong những thương hiệu bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam.

Được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, chị thấu hiểu thành công của mình có sự hỗ trợ rất lớn từ người bạn đời. Anh luôn sát vai, đồng hành cùng chị, tháo gỡ những khó khăn. Chị trở thành đại biểu quốc hội khóa XI, gánh trên vai niềm tin của cử tri… Rồi một ngày chị phát hiện ra mình đang mang trong người một chứng bệnh hiểm nghèo…

Chị nghĩ các con đã trưởng thành, có được tổ ấm riêng sẽ không hụt hẫng khi chị ra đi. Nhưng anh Năm sẽ không thể sống mà thiếu chị. Anh sẽ rất cô đơn nếu chị ra đi. Vì thương chồng mà chị có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật. Để chị có điều kiện dưỡng bệnh tốt hơn, anh thuê một căn nhà ở quận 2, trong một khu có nhiều cây xanh và tĩnh lặng. Anh tự tay sắc cho chị từng siêu thuốc, lo cho chị từng miếng ăn hợp khẩu vị… Anh nói: “Phải tự tay làm, anh mới yên tâm”.

Tình yêu có sức mạnh mãnh liệt cho người đàn ông tự tay bẻ gãy những song sắt nhà tù để không lỡ hẹn với vận hội cách mạng và người mình yêu thương. Tình yêu có sức mạnh diệu kỳ chứa đựng trong chén thuốc bé xíu mà đong đầy yêu thương để chị vượt qua bệnh tật và cái chết. Nhìn thấy sự hồi sinh của chị, tôi chợt nhớ ai đó đã nói rằng những tế bào ung thư rất sợ tình yêu thương con người và tình yêu thương đong đầy của anh chị là một minh chứng thật thuyết phục.

Nhà văn Trầm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI